10 DỰ ÁN LUẬT DỰ KIẾN TRÌNH QUỐC HỘI XEM XÉT, THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 9 QUỐC HỘI KHÓA XIV

19/05/2020

Theo thông báo về dự kiến chương trình và nội dung của kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV tại buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV tổ chức vào chiều ngày 18/5, dự kiến tại Kỳ họp này, Quốc hội dành thời gian xem xét, thông qua 05 dự thảo Nghị quyết.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng thông báo về dự kiến chương trình và nội dung của kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV

Thông báo về dự kiến chương trình và nội dung của kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, thời gian dành cho công tác xây dựng pháp luật khoảng 10 ngày, chiếm hơn 50% tổng thời gian kỳ họp. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét, thông qua 10 dự án Luật, 5 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án Luật khác.

Cụ thể, các dự án Luật dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi)

1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các ĐBQH tại kỳ họp thứ 8, các phiên họp 42 và 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội trình Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý 08 nội dung tại 10 điều, tập trung vào các nội dung về tiêu chuẩn một quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội ĐBQH; việc quyết định số lượng và phê chuẩn (ĐBQH) hoạt động chuyên trách tại Đoàn ĐBQH; việc bảo đảm kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH và bộ máy tham mưu, giúp việc Đoàn ĐBQH; việc tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách; không quy định hình thức văn bản kết luận của UBTVQH trong Luật; đổi tên 02 Ủy ban của Quốc hội; không quy định số lượng cấp phó cụ thể tại Hội đồng và từng Ủy ban; bổ sung trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và Ủy ban của Quốc hội trong việc tham gia thẩm tra và việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.

Về tỷ lệ ĐBQH chuyên trách, tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, khoản 2 Điều 23 dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số ĐBQH. Việc quy định ngay trong Luật tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ở mức cao hơn hiện nay sẽ là cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách, từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Về cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, dự thảo Luật giữ cơ cấu Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội như Luật hiện hành và quy định cơ cấu của Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban gồm Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực và Ủy viên Chuyên trách.

Theo quy định tại dự thảo Luật, kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH và ĐBQH do ngân sách trung ương bảo đảm; kinh phí của bộ máy tham mưu, giúp việc Đoàn ĐBQH sẽ do ngân sách địa phương bảo đảm.

2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật BHVBQPPL). Tại Phiên họp thứ 41 và Phiên họp thứ 43, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật, chỉ đạo việc hoàn thiện dự thảo Luật để gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHVBQPPL trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 03 điều (quy định việc sửa đổi, bổ sung 49 điều của Luật BHVBQPPL 2015). Về phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật, UBTVQH thống nhất với Chính phủ chưa sửa đổi toàn diện Luật này mà chỉ mở rộng sửa đổi, bổ sung thêm một số nội dung thực sự có vướng mắc, bất cập.

Về trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, Dự thảo Luật vẫn giữ quy trình hiện hành về trách nhiệm của cơ quan thẩm tra nhưng bổ sung một số quy định nhằm làm rõ và nâng cao hơn trách nhiệm của từng cơ quan tham gia vào quá trình tiếp thu, chỉnh lý; bổ sung quy định về trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc trong việc tham gia thẩm tra về vấn đề dân tộc trong dự án, dự thảo.

Bên cạnh đó, một số vấn đề lớn của dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý như: Bổ sung một số quy định về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành VBQPPL; Hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng VBQPPL; Lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; Bổ sung hình thức ban hành VBQPPL; Lập đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh; Xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn.

3. Luật Thanh Niên (sửa đổi)

Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 07 chương, 44 điều. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 và Phiên họp thứ 44 của UBTVQH, dự thảo Luật không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực để tránh trùng lặp trong hệ thống pháp luật, chỉ dành 01 điều quy định chung về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Đồng thời, để nhấn mạnh trách nhiệm, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới, dự thảo Luật bổ sung 01 chương quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình và xã hội, đặc biệt là trách nhiệm đối với bản thân thanh niên.

Bên cạnh đó, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thanh niên thực hiện  trách nhiệm của mình, dự thảo Luật quy định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình đối với thanh niên. Dự thảo Luật cũng quy định rõ Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên.

4. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)

Dự thảo Luật PPP được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và các Phiên họp thứ 43, 44 của UBTVQH. Dự thảo trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 11 chương, 105 điều, quy định về hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư; hoạt động quản lý nhà nước; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Về lĩnh vực đầu tư dự án PPP, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH quy định này đã được bổ sung, chỉnh lý theo hướng chỉ những lĩnh vực đầu tư công do Nhà nước chịu trách nhiệm nhưng doanh nghiệp không làm được hoặc không đủ khả năng để làm mới áp dụng hình thức PPP, có sự hỗ trợ của Nhà nước như giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư.

Về quy mô đầu tư dự án PPP, đối với những công trình đầu tư ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và lĩnh vực y tế, giáo dục thì tổng mức đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng; các dự án khác không thấp hơn 200 tỷ đồng. Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, dự thảo Luật đưa ra 02 phương án để Quốc hội thảo luận (Phương án 1: Khi tăng hoặc giảm doanh thu thì chia sẻ theo tỷ lệ 50/50. Phương án 2: Khi doanh nghiệp bị thua lỗ mà xuất phát từ nguyên nhân do Nhà nước thay đổi quy hoạch, chính sách pháp luật thì Nhà nước hỗ trợ bù lỗ không quá 50% số lỗ, khi doanh nghiệp phát sinh lãi lớn hơn phương án dự kiến thì Nhà nước được hưởng 50% số lãi tăng thêm).

5. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 04 chương, 39 điều, quy định phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. Tại kỳ họp thứ 8 và Phiên họp thứ 41 của UBTVQH, các ĐBQH đã cho ý kiến về dự án Luật này. Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, quy định về phạm vi hoạt động của Hòa giải viên đã được mở rộng nhằm tạo điều kiện tốt hơn để đương sự lựa chọn được Hòa giải viên mà họ tín nhiệm, bảo đảm sự tự nguyện lựa chọn Hòa giải viên của người tham gia hòa giải, đối thoại.

Về chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, do đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới, nhằm khuyến khích người dân lựa chọn, đa số các trường hợp Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Dự thảo Luật cũng quy định Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại là người ra Quyết định công nhận kết quả kết quả hòa giải thành, đối thoại thành; đồng thời quy định rõ cơ chế xem xét lại Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành khi có khiếu nại, kiến nghị nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

6. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 41. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, dự thảo Luật sửa đổi 25 điều, tập trung vào những quy định nhằm xử lý vướng mắc, bất cập trong hoạt động giám định tư pháp theo vụ việc, phục vụ hiệu quả hoạt động tố tụng hình sự trong xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng. Một số nội dung của dự thảo Luật tiếp tục xin ý kiến các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp 9, bao gồm: bổ sung chức năng giám định tư pháp cho “Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao”; điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp; quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp, tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp; trưng cầu giám định, thời hạn giám định; văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định và kết luận giám định tư pháp.

Về bổ sung chức năng giám định tư pháp cho “Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” (Điều 12), theo báo cáo thẩm tra của UBTP ngày 16/5/2020 UBTVQH đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo hướng bổ sung “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” là một trong các tổ chức GĐTP công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể tại khoản 4, khoản 5 Điều 12 dự thảo Luật.  

7. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

Tại Kỳ họp thứ 8 của QH và Phiên họp thứ 43 của UBTVQH (tháng 3/2020) các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp 9 gồm 3 điều, nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu tập trung vào nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai; nguồn tài chính cho phòng, chống thiên tai; bổ sung một số loại hình thiên tai; điều tra cơ bản trong phòng, chống thiên tai; kế hoạch phòng, chống thiên tai; việc hình thành Quỹ Phòng, chống thiên tai  và quy đinh quản lý thu chi của Quỹ; thẩm quyền vận động quyên góp, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; quy định với cấp phép nạo vét luồng lạch đối với đê từ cấp III trở lên và việc sử dụng bãi nổi, cù lao.

8. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 43. Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn phù hợp với Luật Đất đai; sửa đổi, bổ sung quy định về chủ đầu tư, nhà đầu tư trong dự thảo Luật để thống nhất với quy định về nhà đầu tư trong Luật Đầu tư; thống nhất khái niệm về nhà ở riêng lẻ, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị với Luật Nhà ở; thống nhất quy định về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng với pháp luật về quy hoạch... bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ này gồm 05 điều, sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan.

9. Luật Đầu tư (sửa đổi)

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua gồm 7 chương với 81 điều, quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài. Luật áp dụng đối với nhà đầu tư và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh. Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH tại kỳ họp thứ 8 và phiên họp Thường vụ thứ 43, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đã được chỉnh lý, hoàn thiện. Bên cạnh những quy định được tiếp thu, sửa đổi thì vẫn có những vấn đề được tiếp tục trình xin ý kiến Quốc hội, liên quan đến nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư, các luật có liên quan và điều ước quốc tế; ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ...

Về nội dung cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ (Điều 6), dự thảo Luật đề xuất 02 phương án: Phương án 1: tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6 mà quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật hiện hành. Đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này; Phương án 2: xin được giữ  quy đinh như tại dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

10. Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Dự thảo Luật Doanh nghiệp đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV và Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này (theo dự thảo ngày 29/4/2020) gồm 10 chương với 219 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, nhóm công ty và hộ kinh doanh.

Dự thảo lần này cũng quy định về khái niệm doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần có quyền biểu quyết với tỷ lệ chi phối trong doanh nghiệp. Đồng thời không quy định doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có quyền phát hành trái phiếu riêng lẻ tại dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) để bảo đảm không gây rủi ro, làm ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và sự an toàn của thị trường tài chính. Các vấn đề lớn tiếp tục được xin ý kiến của các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 gồm: Về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (Điều 1, Điều 2 và Chương VIIa); Về quyền của cổ đông phổ thông (Điều 115); Về các hành vi bị cấm (Điều 16). Đối với vấn đề thứ nhất dự thảo Luật có đưa ra hai phương án để xin ý kiến: Phương án 1: Nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Phương án 2: Đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh./.

Thu Phương