ĐBQH PHẠM THỊ MINH HIỀN CHẤT VẤN VỀ CÓ NÊN CỔ PHẦN HÓA BÁO CHÍ, NHÀ XUẤT BẢN CÓ NGÂN SÁCH TỪ NHÀ NƯỚC

30/03/2020

Bộ Thông tin và Truyền thông đã trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên về việc có nên cổ phần hóa báo chí, nhà xuất bản có ngân sách từ Nhà nước.

Gửi chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đã đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về việc có nên cổ phần hóa báo chí, nhà xuất bản có vốn nhà nước để giảm áp lực chi ngân sách kiểu bao tiêu với các tờ báo, nhà xuất bản nhà nước được không?


Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên.

Trả lời câu hỏi trên, ngày 08/12/2017, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, Điều 4 Luật Báo chí năm 2016 quy định: “Báo chí ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”. 

Khoản 1 Điều 21 Luật Báo chí quy định: “Cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu. Tạp chí khoa học hoạt động phù hợp với loại hình của cơ quan chủ quản”. Do vậy, việc cổ phần hóa các cơ quan báo chí là không phù hợp với các quy định nêu trên. Tuy nhiên, để góp phần nâng cao chất lượng nội dung, đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tăng nguồn thu, Điều 37 Luật Báo chí năm 2016 đã quy định các cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu cơ quan báo chí chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động liên kết trong lĩnh vực báo chí theo quy định của pháp luật. 

Về việc có nên cổ phần hóa nhà xuất bản, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản xác định: “Sự nghiệp xuất bản là một lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. 

Luật Xuất bản năm 2012 quy định: “Hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng...; Nhà xuất bản tổ chức và hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu”. Quyết định số 115/QĐ-TTg ngày 16/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 quy định: “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực xuất bản”. 

Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước quy định Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản. 

Căn cứ chỉ đạo của Đảng và quy định pháp luật về xuất bản, hoạt động xuất bản là hoạt động đặc thù thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng và nhà xuất bản thuộc sở hữu 100% của Nhà nước (không có nhà xuất bản thuộc các thành phần kinh tế khác). Vì vậy, nhà xuất bản không thuộc đối tượng thực hiện chuyển đổi cổ phần hóa./. 

Bích Lan