Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo
Theo Bộ luật Lao động 2012, lao động nam được nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi và nữ đủ 55 tuổi.
Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Bộ luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, sau khi xin ý kiến đại biểu, có 371 đại biểu tham gia ý kiến thì có 280 đại biểu đồng ý theo phương án 1 về tăng tuổi nghỉ hưu mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình tại kỳ họp.
Theo đó, Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được thông qua quy định: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… có thể nghỉ hưu sớm 5 năm. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu.
Theo lộ trình này, đến năm 2028 nước ta mới có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi và năm 2035 mới có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu đủ 60 tuổi.
Đại biểu biểu quyết thông qua dự thảo Bộ luật
Thảo luận về vấn đề này tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình từng năm như trên được cho là hợp lý, tránh “gây sốc” cho người lao động; đồng thời tận dụng được nguồn lực cho xã hội. Cũng theo nhiều đại biểu Quốc hội, việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết bởi so với mặt bằng của nhiều nước trên thế giới, độ tuổi nghỉ hưu của lao động Việt Nam vẫn còn thấp.
Đây là một trong những nội dung của Bộ luật nhận được sự đồng thuận cao khi đa số các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều cho rằng, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là cần thiết và cần được luật hoá để phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội hiện nay…
Đại biểu Đào Tú Hoa- Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, cho rằng, so với các nước trên thế giới tuổi nghỉ hưu của Việt Nam có thể xếp vào nhóm thấp nhất, nhất là tuổi nghỉ hưu của lao động nữ. Nhật Bản 65 tuổi cho cả hai giới, Singapore 62 tuổi, Philippines 60 tuổi cho cả hai giới. Nếu Việt Nam vẫn giữ nguyên quy định tuổi nghỉ hưu như hiện nay rõ ràng đang gây áp lực lớn lên quỹ bảo hiểm xã hội nói riêng, ngân sách nhà nước nói chung. Nhiều khả năng ngân sách nhà nước sẽ phải cấp bổ sung cho quỹ bảo hiểm xã hội. Như vậy là bất hợp lý khi Việt Nam đã xóa bỏ bao cấp về bảo hiểm xã hội và không công bằng với những người không hưởng lương bảo hiểm hưu trí.
Đại biểu Đào Tú Hoa- Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội phát biểu
Theo đại biểu, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là quyết sách có tính chất chiến lược về nhân lực, có tầm nhìn dài hạn, việc điều chỉnh cần có lộ trình, không gây sốc cho thị trường lao động. Mặc dù Việt Nam đang ở thời kỳ "dân số vàng", tình hình thiếu việc làm và thất nghiệp ở mức 2%/năm, nhưng Việt Nam cũng đồng thời bước vào thời kỳ già hoá dân số. Do đó, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thực hiện hợp lý, không để đến khi thiếu hụt lao động mới thực hiện.
Các đại biểu nhấn mạnh, hầu hết các nước khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đều không nhận được sự ủng hộ ngay của người dân, do người dân luôn mong muốn sớm được hưởng lương hưu trong khi họ vẫn có thể tiếp tục làm việc để có thêm thu nhập cùng với lương hưu. Thực tế này thể hiện ở nhiều quốc gia như Nga, Cộng hoà Pháp... nhưng vì lợi ích tổng thể, lâu dài của quốc gia, các nước vẫn phải đưa ra quyết định điều chỉnh./.
Ngoài việc tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ luật Lao động vừa được thông qua còn có nhiều nội dung mới, đáng chú ý khác tác động đến đông đảo người lao động trên cả nước./.