11 LUẬT MỚI ĐƯỢC QUỐC HỘI THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 8 KHÓA XIV

30/03/2020

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV diễn ra từ 21/10 - 27/11/2019. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, trong đó, đã xem xét, thông qua 11 dự án luật quan trọng.

 

1. Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Đây là dự án luật đổi khá nhiều nội dung ảnh hưởng lớn tới người lao động như tăng tuổi nghỉ hưu, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ…

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) được thông qua có 17 chương, 220 điều, quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động.

Đại biểu biểu quyết tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV

Đối tượng áp dụng của Bộ luật là người lao động, người học nghề, tập nghề và người làm việc không có quan hệ lao động; người sử dụng lao động; Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

Bên cạnh việc tăng tuổi nghỉ hưu, đáng chú ý, Điều 112 Bộ luật Lao động sửa đổi còn bổ sung thêm 01 ngày nghỉ trong năm vào ngày liền kề với ngày Quốc khánh, có thể là 01/9 hoặc 03/9 Dương lịch tùy theo từng năm.

Ngoài ra, Điều 20 Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã bỏ nội dung về hợp đồng mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn dưới 12 tháng, thay vào đó chỉ còn 02 loại hợp đồng là: hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn.

2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Luật này có bố cục gồm 3 Điều. Điều 1 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức; Điều 2 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức; Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành.

Trong đó, có một số điểm đáng chú ý như: Luật đã sửa đổi, bổ sung về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ;

Về hình thức tuyển dụng công chức, Luật quy định ngoài hai hình thức thi tuyển và xét tuyển, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức còn có thể quyết định tiếp nhận người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm vào làm công chức…

Trong khi đó, nội dung sửa đổi Luật Viên chức tập trung vào các loại hợp đồng làm việc với quy định bỏ chế độ “biên chế suốt đời” của nhóm đối tượng này. Ngoài ra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của viên chức phải gắn với vị trí việc làm, thông qua công việc, sản phẩm cụ thể…

3. Luật Lực lượng dự bị động viên

Luật Lực lượng dự bị động viên gồm 5 chương, 41 điều quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, biên chế, chế độ, chính sách của lực lượng dự bị động viên; các trường hợp huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên…

Theo quy định của luật, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ lập kế hoạch nhà nước về xây dựng và huy động lực lượng DBĐV. Đồng thời quy định cụ thể về việc lập kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng DBĐV của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các đơn vị trực thuộc cũng như của các địa phương. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định thẩm quyền lập kế hoạch huy động, tiếp nhận lực lượng DBĐV của đơn vị Quân đội nhân dân.

Đối với đăng ký, quản lý quân nhân dự bị, luật quy định ban CHQS cấp xã, ban CHQS cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã thực hiện đăng ký quân nhân dự bị cho công dân cư trú tại địa phương. Ban CHQS cơ quan, tổ chức thực hiện đăng ký quân nhân dự bị cho công dân đang lao động, học tập, làm việc tại cơ quan, tổ chức. Trường hợp cơ quan, tổ chức không có ban CHQS thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho công dân đang lao động, học tập, làm việc tại cơ quan, tổ chức đăng ký quân nhân dự bị tại nơi cư trú. UBND cấp xã, UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã quản lý quân nhân dự bị cư trú tại địa phương. Ban CHQS cấp huyện phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý quân nhân dự bị đang lao động, học tập, làm việc tại cơ quan, tổ chức trên địa bàn.

Bên cạnh đó, luật cũng có các quy định cụ thể về đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị; tổ chức biên chế đơn vị DBĐV; độ tuổi quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị DBĐV trong thời bình...

4. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

Luật có bố cục gồm 8 Chương, 52 Điều với nhiều điểm mới đáng chú ý, đặc biệt là trong công tác cấp hộ chiếu.

Theo đó, người có Thẻ căn cước công dân thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thuận lợi.

Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chip điện tử. Trong đó, hộ chiếu có gắn chíp điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của cá nhân người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp;

Luật cũng quy định cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn trong các trường hợp: Người ra nước ngoài có thời hạn bị mất hộ chiếu, có nguyện vọng về nước ngay; Người có quyết định trục xuất… Hộ chiếu cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn;

Bên cạnh đó, dấu vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu sẽ được thu nhận trong quá trình thực hiện thủ tục để phục vụ cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân…

5. Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)

Luật gồm 8 chương, 50 điều, quy định về nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Dân quân tự vệ.

Về vị trí, chức năng của Dân quân tự vệ, Luật quy định: Dân quân tự vệ là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân; là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của cơ quan, tổ chức ở địa phương, cơ sở; làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh.

Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Dân quân tự vệ là: Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức; sự chỉ huy cao nhất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; sự chỉ huy của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, người chỉ huy đơn vị quân đội.

6. Luật Chứng khoán (sửa đổi)

Luật Chứng khoán (sửa đổi) gồm 10 chương, 135 điều quy định các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức thị trường chứng khoán; quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Đối tượng áp dụng của Luật gồm: các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư chứng khoán và hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam; cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Luật quy định 4 nguyên tắc hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, gồm: Tôn trọng quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, quyền tự do giao dịch, đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ về chứng khoán của tổ chức, cá nhân; Công bằng, công khai, minh bạch; Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; Tự chịu trách nhiệm về rủi ro.

Luật Chứng khoán (sửa đổi) cũng đề ra 7 biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán. Trong đó, có việc giám sát an ninh, an toàn thị trường chứng khoán; Ứng phó, khắc phục sự cố, sự kiện, biến động ảnh hưởng đến an toàn, ổn định và tính toàn vẹn của thị trường chứng khoán; Phong tỏa tài khoản chứng khoán, yêu cầu người có thẩm quyền phong tỏa tài khoản tiền có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán…

7. Luật Thư viện

Luật Thư viện gồm 6 chương, 52 điều; quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện…

Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thư viện hoặc có liên quan đến hoạt động thư viện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Liên thông thư viện là một trong những điểm mới của Luật nhằm bảo đảm hoạt động thư viện theo hướng hiện đại, chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin giữa các thư viện; nhất là liên thông giữa các thư viện được Nhà nước đầu tư với các thư viện khác, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thư viện, khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Luật đã quy định trách nhiệm Nhà nước đầu tư cho hoạt động liên thông; việc thực hiện liên thông là nguyên tắc hoạt động chung của cả thư viện công lập và thư viện ngoài công lập; quy định về xây dựng tài nguyên thông tin, phát triển thư viện số làm cơ sở cho việc liên thông  quy định về cơ chế liên thông, trong đó nhấn mạnh tài nguyên thông tin được xây dựng từ ngân sách nhà nước phải được liên thông, chia sẻ giữa các thư viện; quy định thư viện được Nhà nước ưu tiên đầu tư làm nòng cốt trong hoạt động liên thông.

Luật cũng quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thư viện trong phạm vi cả nước, có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện liên thông thư viện, đồng thời, quy định trách nhiệm tổ chức liên thông thư viện của cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý thư viện.

8. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Luật có 05 Khoản sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và 33 Khoản sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ gồm: Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; hình thức hoạt động của Chính phủ.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương gồm: Những quy định chung; Chính quyền địa phương ở nông thôn; Chính quyền địa phương ở đô thị; Chính quyền địa phương ở hải đảo;Tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;mHoạt động của chính quyền địa phương; Nguyên tắc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất của Luật sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương là giảm số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Theo đó, tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; từ 500.000 dân trở lên có tối đa 75 đại biểu (trước là 85 đại biểu); tỉnh còn lại có từ 01 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; từ 01 triệu dân trở lên được bầu không quá 85 đại biểu (trước là 95 đại biểu).

Luật quy định huyện miền núi, vùng cao, hải đảo có từ 40.000 dân trở xuống được bầu 35 đại biểu; trên 40.000 dân được bầu tối đa 35 đại biểu (trước là 40 đại biểu); huyện còn lại có từ 80.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; trên 80.000 dân được bầu tối đa 35 đại biểu (trước là 40 đại biểu).

Đồng thời, quy định xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 2000 dân trở xuống được bầu 15 đại biểu; xã miền núi, vùng cao và hải đảo có trên 2000 dân đến dưới 3000 dân được bầu 19 đại biểu (trước là 20 đại biểu); xã miền núi, vùng cao và hải đảo có 3000 dân được bầu 21 đại biểu; có trên 3000 thì được bầu tối đa 30 đại biểu (trước là 35 đại biểu); xã còn lại có từ 5000 dân trở xuống được bầu 25 đại biểu; có trên 5000 dân được bầu tối đa 30 đại biểu (trước là 35 đại biểu).

9. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước

Luật được thông qua gồm 3 điều. Trong đó, Luật bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán. Theo đó, Luật chỉ rõ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán, đó là các đối tượng có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

Luật quy định khi thực hiện kiểm toán, Kiểm toán nhà nước được quyền truy cập, khai thác hoặc ủy quyền bằng văn bản theo quy định của pháp luật cho thành viên Đoàn kiểm toán truy cập, khai thác trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán để thu thập thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán dưới sự giám sát về phạm vi truy cập, khai thác của đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; việc truy cập dữ liệu phải tuân thủ quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Luật cũng quy định Kiểm toán nhà nước tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán nhằm bảo đảm mọi hoạt động kiểm toán đều được kiểm tra, soát xét về chất lượng. Kiểm soát chất lượng kiểm toán được thực hiện thường xuyên, liên tục đối với toàn bộ hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Tổng Kiểm toán nhà nước quy định cụ thể về tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán.

10. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Khoản 1, Điều 1 của Luật mới ban hành bổ sung khoản 18 vào Điều 3 như sau: Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh là cổng thông tin của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, có chức năng xuất bản thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ tìm kiếm, liên kết, lưu trữ thông tin và hướng dẫn thủ tục, giải đáp thắc mắc liên quan đến lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh.

Khoản 1, Điều 1 cũng bổ sung khoản 19 vào Điều 3 như sau: Trang thông tin cấp thị thực điện tử là trang thông tin thuộc Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh, có chức năng tiếp nhận, giải quyết, cung cấp thông tin liên quan đến cấp thị thực điện tử.

11. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Luật có 1 điều quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và 1 điều về điều khoản thi hành.

Luật theo đó làm rõ các loại vũ khí quân dụng; làm rõ vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao.../.

Thu Phương