PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19: THUYẾT PHỤC VÀ SẴN SÀNG CƯỠNG CHẾ

30/03/2020

Nói về việc ứng phó với dịch bệnh Covid-19 hiện nay, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách Lê Thanh Vân cho rằng, việc tuân thủ pháp luật theo chỉ thị của người đứng đầu cơ quan hành pháp là mệnh lệnh cao nhất. Tất cả các cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có nghĩa vụ phải tuân thủ triệt để. Phương pháp điều hành nhà nước lúc này là thuyết phục và sẵn sàng cưỡng chế nhằm bảo đảm tính tuân thủ, bởi mục tiêu tối thượng là bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân.


Quan trọng là sự đồng lòng, đồng thuận từ trên xuống

- Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Ông đánh giá như thế nào về các biện pháp được nêu trong Chỉ thị này?

- Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng có hiệu lực từ 0 giờ ngày 28.3 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi dịch Covid-19 đã lây lan rộng trên khắp địa cầu và nước ta cũng đang bước vào giai đoạn cao điểm trong cuộc chiến chống dịch bệnh này. Điều quan trọng lúc này là trên dưới đồng lòng, cả nước góp sức để cùng phòng, chống dịch.


Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) phát biểu tại hội trường Ảnh: Quang Khánh

Chưa bao giờ kinh nghiệm kháng chiến của chúng ta được phát huy tối đa như lúc này. Hiểu mình, hiểu địch thì trăm trận trăm thắng. Thời gian qua, chúng ta đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong phòng, chống dịch Covid-19 vì xác định được hai cửa ngõ chính mà dịch có thể xâm nhập vào nước ta là từ Vũ Hán của Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong giai đoạn hai của cuộc chiến chống dịch Covid-19, nguồn dịch đến từ nhiều cửa ngõ, đặc biệt là các nước châu Âu và chúng ta đã triển khai các biện pháp trên nhiều mặt trận. Đến thời điểm này, chúng ta đã nhận diện đúng xu hướng, thách thức của dịch bệnh và đã có kịch bản để ứng phó với từng tình huống.

Chỉ thị số 15 của Thủ tướng cũng chính là một trong các phương án ứng phó với các kịch bản mà chúng ta đã đưa ra. Nói cách khác, chúng ta đã có phương pháp rồi, vấn đề còn lại là sự đồng lòng, đồng thuận từ trên xuống dưới.

Chưa bao giờ, điều hành đất nước cần phải tập trung thực hiện bằng mệnh lệnh như bây giờ. Chúng ta đã xác định đất nước như trong “thời chiến”, phương pháp quản lý nhà nước phải chuyển trạng thái từ vận động, thuyết phục, giáo dục người dân sang thực thi mệnh lệnh, cần có sự tập trung cao độ, nhất quán trong phương pháp, hành động. Trên tinh thần đó, việc tuân thủ pháp luật theo Chỉ thị của Thủ tướng, người đứng đầu cơ quan hành pháp, là mệnh lệnh cao nhất. Tất cả các cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có nghĩa vụ phải tuân thủ triệt để. Phương pháp điều hành nhà nước lúc này là thuyết phục và sẵn sàng cưỡng chế nhằm bảo đảm tính tuân thủ.

- Trong hai ngày qua, lực lượng thực thi pháp luật đã bắt đầu xử phạt hành chính những người không đeo khẩu trang nơi công cộng. Ông đánh giá thế nào về việc áp dụng biện pháp xử phạt này?

- Yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng giống như khi chúng ta cấm việc đốt pháo hay buộc mọi người phải đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy tham gia giao thông. Yêu cầu này xuất phát từ hai mục đích là bảo vệ cho chính người dân và bảo vệ cho cộng đồng trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Đây là khách thể quan trọng mà Nhà nước phải bảo vệ bằng biện pháp quyết đoán hơn là sẵn sàng trừng trị người không tuân thủ, nếu hậu quả lớn, tác động lớn đến sự an nguy của xã hội. Ở nhiều nước khác còn áp dụng chế tài mạnh hơn, thậm chí phạt tiền đến hàng trăm triệu hoặc bỏ tù đối với những hành vi chống đối. Chúng ta hiện nay vẫn còn đang kết hợp giữa biện pháp giáo dục, thuyết phục và cưỡng chế bằng chế tài. Tôi thấy trên mạng xã hội và nhiều diễn đàn, người dân rất ủng hộ việc xử phạt mạnh tay những người không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch mà Nhà nước yêu cầu. Nhiều người còn cho rằng, lẽ ra, chúng ta phải thực hiện việc này sớm hơn nữa thì đã tránh được nhiều hậu quả.  

Bảo vệ sức khỏe nhân dân là tối thượng

- Chính phủ đã xác định chấp nhận thiệt hại về kinh tế vì mục tiêu tối thượng là bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng cho nhân dân. Quan điểm của Chính phủ là vậy nhưng về phía người dân và doanh nghiệp thì sao, thưa ông?

- Không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận áp dụng những biện pháp khắt khe. Thế nhưng, khi đất nước như đang trong “thời chiến” với dịch Covid-19 thì bảo đảm an toàn sức khoẻ, tính mạng của người dân là trên hết. Thiệt hại về kinh tế có thể được khắc phục sau này nhưng thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người thì không có gì bù đắp được. Vì vậy, lựa chọn giữa những rủi ro thì chúng ta chấp nhận rủi ro thấp hơn. Đây chính là tính ưu việt của chế độ ta. Mặc dù ưu tiên các giải pháp phòng, chống dịch nhưng Nhà nước cũng đã có những giải pháp giúp giảm nhẹ gánh nặng, nghĩa vụ của người dân, để chia sẻ khó khăn với các hộ dân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Ở TP Hồ Chí Minh, tới đây Hà Nội và nhiều địa phương khác chịu tác động mạnh của dịch cần tính đến việc hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng đã giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu các gói hỗ trợ và đã kích hoạt một số giải pháp hỗ trợ cụ thể.

- Nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới là gì, thưa ông?

- Các địa phương cần lường trước diễn biến của dịch bệnh có thể xảy ra nhằm tiếp tục có những biện pháp ứng phó tiếp theo. Chỉ thị của Thủ tướng là chỉ thị chung cho cả nước và tùy tình hình thực tế ở mỗi địa phương, đặc biệt là những thành phố lớn, nơi có tỷ lệ tập trung dân cư cao thì phải có giải pháp cụ thể, phù hợp trong quản lý dân cư, bảo đảm đời sống cho nhân dân, bảo đảm cung cấp nhu yếu phẩm, kịp thời ngăn chặn và cách ly ngay những ổ dịch mới phát hiện. Các địa phương cũng cần tích cực tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để người dân hiểu rõ tình hình dịch bệnh hiện nay và cũng hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị mới ban hành của Thủ tướng.

Hiện nay chúng ta đang tập trung kiểm soát dịch bệnh, tuy nhiên vẫn phải bảo đảm quốc phòng - an ninh, không được phép lơ là, buông lỏng nhiệm vụ canh gác nơi biên giới, hải đảo. Từng địa phương phải xác định rõ phương châm “ở đâu thì ứng phó ở đấy”. Hiện nay, chúng ta có chưa đến 30 địa phương có dịch, còn lại hơn một nửa số tỉnh, thành phố trên cả nước cơ bản vẫn an toàn. Nếu người dân ở những nơi có dịch di chuyển tới nơi không có dịch thì vô hình trung các cuộc di tản tự phát sẽ là con đường truyền dịch gián tiếp, làm cho những nơi vốn dĩ an toàn trở thành nơi không còn an toàn, dẫn tới nguy cơ mất kiểm soát. Do đó, các địa phương cần đánh giá sát tình hình và phải trừng trị những hành vi cố ý chống lại các biện pháp của Nhà nước làm lây lan bệnh dịch, dẫn tới hậu quả khó khắc phục.

Xin cảm ơn ông! 

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)