TRAO QUYỀN TỰ QUYẾT CHO DOANH NGHIỆP VỀ VIỆC SỬ DỤNG CON DẤU

16/03/2020

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định về quản lý con dấu của dự thảo luật và cho rằng cần cho doanh nghiệp tự quyết định xem có hay không việc sử dụng con dấu, bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu là giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và Hội trường về sự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cho thấy, một số ý kiến đồng tình với quy định về con dấu trong dự thảo Luật, cần cho doanh nghiệp tự quyết định xem có hay không việc sử dụng con dấu, bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu là giảm chi phí cho doanh nghiệp, cần sử dụng chữ ký điện tử thay cho con dấu, quy định về đăng ký chữ ký điện tử. Cần quy định quản lý con dấu chặt chẽ chặt chẽ, có điều kiện rõ ràng vì trường hợp doanh nghiệp thay đổi lãnh đạo, thay đổi chữ ký không có cơ sở bảo đảm quản lý nhà nước. Có ý kiến đề nghị có thể không cần con dấu ở một số ngành, còn lại về cơ bản vẫn cần con dấu.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Một số ý kiến đề nghị duy trì quy định con dấu như Luật hiện hành để phù hợp với đặc điểm tình hình của nước ta, đảm bảo tính chính danh cho doanh nghiệp, không nên bỏ dấu vì đây là phương tiện để giao dịch.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc để tránh phát sinh bất tiện và ràng buộc pháp lý cho doanh nghiệp. Có ý kiến băn khoăn quy định về bỏ con dấu, đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn, an ninh cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, nên cho sử dụng con dấu điện tử và chữ ký điện tử; có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định không bắt buộc doanh nghiệp phải có con dấu vì đây là vấn đề lớn, phụ thuộc vào trình độ dân trí, về việc tôn trọng, chấp hành pháp luật và với quy định có con dấu doanh nghiệp hiện nay đang hoạt động ổn định.

Có ý kiến cho rằng, quy định bỏ con dấu và điều kiện về thông báo không phải là quy định cơ bản mà là hình thức khi thành lập doanh nghiệp, cần bổ sung quy định trách nhiệm của doanh nghiệp về tuân thủ pháp luật, đóng góp cho nhà nước, trách nhiệm với xã hội, cộng đồng và điều kiện thuận lợi đối với doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh, tiếp cận thị trường vốn, nguồn nhân lực.

Kế thừa tinh thần của Luật Doanh nghiệp 2014 trao quyền tự quyết về con dấu cho doanh nghiệp

Thực tế, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã trao quyền cho doanh nghiệp tự làm dấu và chuyển từ cơ chế cơ quan nhà nước cấp dấu cho doanh nghiệp sang cơ chế doanh nghiệp tự làm dấu và tự quản lý việc sử dụng dấu của mình. Doanh nghiệp có quyền tự quyết định số lượng con dấu (không hạn chế số lượng), hình thức mẫu dấu, phương thức quản lý và sử dụng dấu; tự quyết định sử dụng dấu trong giao dịch dân sự.

Ngày nay, trong bối cảnh đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, rõ ràng cần phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động ứng dụng các phương tiện khoa học, công nghệ (dấu điện tử, chữ ký điện tử…), qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hội nhập kinh tế, quốc tế. Đây được coi là một cải cách rất lớn về cơ chế quản lý con dấu doanh nghiệp của Luật 2014. Cải cách này được sự hưởng ứng lớn từ doanh nghiệp do đã hạn chế những rủi ro từ việc con dấu bị một bên chiếm đoạt, gây ảnh hưởng, đình trệ hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, tinh thần của Luật Doanh nghiệp năm 2014 là trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp tự quyết định là điều cần được cân nhắc.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, tiếp tục khẳng định rõ hơn việc trao quyền cho doanh nghiệp trong việc quyết định có hoặc không có con dấu, đồng thời bỏ quy định doanh nghiệp phải thông báo mẫu dấu cho Cơ quan đăng ký kinh doanh nhằm giảm bớt thủ tục hành chính chính.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) 

Theo Báo cáo số 73/BC-CP của Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8 thì việc sửa đổi quy định về con dấu lần này không phải là bãi bỏ hoàn toàn con dấu mà chỉ bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu.

Thủ tục thông báo mẫu dấu làm phát sinh thêm thủ tục hành chính

Theo giải trình của Chính phủ, sau 4 năm triển khai thủ tục thông báo mẫu dấu cho thấy thủ tục thông báo mẫu dấu không cần thiết và không rõ mục tiêu quản lý nhà nước, thậm chí gây tác động ngược, phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp và nhà nước. Đặc biệt, thủ tục thông báo mẫu dấu là một trong những thủ tục hành chính bị Ngân hàng thế giới đánh giá là 1 thủ tục trong quá trình khởi sự kinh doanh. Thủ tục thông báo mẫu dấu góp phần hạ thấp thứ hạng về khởi sự kinh doanh của Việt Nam trên thế giới. Việc bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu sẽ có nhiều tác động tích cực.

Thực tế, thủ tục thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ là để công khai mẫu dấu của doanh nghiệp trên Cổng thông tin về đăng ký doanh nghiệp, đây không phải là thủ tục xin phép sử dụng dấu (chỉ là thủ tục hành chính, trường hợp doanh nghiệp vi phạm thì sẽ bị xử phạt hành chính).

Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội lo ngại quy định của dự thảo sẽ phát sinh những bất tiện và vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp, Báo cáo giải trình của Chính phủ nêu rõ, việc bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu sẽ không làm phát sinh tranh chấp con dấu của doanh nghiệp; doanh nghiệp có thể tự công khai mẫu dấu của mình trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi của bản thân hoặc theo yêu cầu của bên thứ 3.

Việc bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu sẽ góp phần cắt giảm chi phí gia nhập thị trường, nâng xếp hạng về môi trường kinh doanh của nước ta theo yêu cầu của Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo báo cáo của Chính phủ tổng kết thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 2014 trình tại kỳ họp thứ 8, Ngân hàng Thế giới đánh giá việc duy trì thủ tục này làm phát sinh thêm một thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh.

Trong bối cảnh đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động ứng dụng các phương tiện khoa học, công nghệ (như ứng dụng dấu điện tử, chữ ký điện tử...), qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế./.

Bảo Yến