BỘ Y TẾ: CẦN THIẾT XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT KHÁM, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

16/03/2020

Báo cáo tại phiên họp Thẩm tra sơ bộ do Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức vừa qua, đại diện Bộ Y tế cho biết, xây dựng dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) là cần thiết.

 

Thứ trưởng  Bộ Y tế báo cáo một số nội dung

Theo Cơ quan soạn thảo- Bộ Y tế cho biết, ngày 23/11/2009, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Ngay sau Luật được ban hành, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành đã ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh ra đời đã tạo hành lang pháp lý vô cùng quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể: Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã góp phần chuẩn hóa chất lượng của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông qua việc quy định điều kiện tối thiểu để cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề và giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tính đến nay, các cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện việc cấp giấy phép hoạt động cho 49.984 cơ sở y tế và chứng chỉ hành nghề cho 363.407 trường hợp.

Hơn nữa, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã góp phần tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người dân. Sau hơn 09 năm thực hiện, hiện nay cả nước có gần 50.000 cơ sở khám, chữa bệnh (trong đó có 248 bệnh viện tư nhân và 21.048 phòng khám tư nhân) với hơn 80.000 bác sỹ đang làm việc đạt tỷ lệ 8,2 bác sỹ/10.000 dân, cao hơn một số nước trong khu vực; số giường bệnh/vạn dân đạt mức 26,5; 100% số xã có trạm y tế, 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Ngài ra, Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tạo hành lang pháp lý để y học Việt Nam đã tiếp cận được với các kỹ thuật mới, phương pháp mới, kỹ thuật y khoa tiên tiến, hiện đại hàng đầu thế giới, góp phần làm tăng tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới (76,6 tuổi), cũng như thu hút khoảng 300.000 lượt người nước ngoài đến khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, sau hơn 09 năm triển khai thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết, cụ thể như sau:

Về việc cấp chứng chỉ hành nghề, đối với quy định về đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 chỉ cấp chứng chỉ hành nghề cho 06 loại đối tượng, quy định này chưa bao phủ hết các đối tượng tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thực tế gây khó khăn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình tổ chức thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và thanh quyết toán bảo hiểm y tế. Đối với quy định thời hạn giá trị của chứng chỉ hành nghề, Luật Khám bệnh, chữa bệnh không quy định thời hạn giá trị của chứng chỉ hành nghề - chứng chỉ hành nghề có giá trị vĩnh viễn. Việc quy định như trên gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc theo dõi, giám sát quản lý chất lượng hành nghề khi chuẩn hóa các điều kiện chuyên môn, cập nhật kiến thức y khoa liên tục và quá trình hành nghề của người hành nghề. Bên cạnh đó, quy định này cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế (các nước trên thế giới đều quy định chứng chỉ hành nghề có thời hạn) gây khó khăn cho việc hội nhập của y tế Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới về khám bệnh, chữa bệnh. Đối với quy định phương thức cấp chứng chỉ hành nghề, Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề dựa trên phương thức xét hồ sơ của người đề nghị cấp nên không đánh giá được thực chất trình độ, năng lực người hành nghề, chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo, không xác định được phạm vi hành nghề cụ thể của người hành nghề. Đa số các nước trên thế giới đều tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề thông qua kỳ thi đánh giá năng lực thực hành.

Toàn cảnh Phiên họp

Về hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định cụ thể một số hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, quy định này chưa bao quát hết các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tồn tại trong thực tế hoặc mới phát sinh.

Về quy định người nước ngoài vào khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt, chuyển giao kỹ thuật, mổ biểu diễn phải có chứng chỉ hành nghề như trường hợp hành nghề thông thường là không phù hợp với thực tiễn do không bảo đảm được tính kịp thời và ngắn hạn của hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo và chuyển giao kỹ thuật.

Về hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, theo Luật có 04 tuyến gắn với tuyến hành chính. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm y tế lại quy định phân tuyến dựa vào phân hạng bệnh viện để xác định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế…Vì vậy, trong quá trình hướng dẫn, tổ chức thực hiện đã phát sinh nhiều mâu thuẫn và bất cập.

Về một số nội dung liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh như bệnh án điện tử, khám bệnh, chữa bệnh từ xa, đăng ký hành nghề…. chưa được quy định cụ thể trong Luật nên chưa có cơ chế pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện.

Về vấn đề an ninh bệnh viện mới được tiếp cận dưới góc độ quy định các quyền và nghĩa vụ của người bệnh, quyền và nghĩa vụ của người hành nghề, quyền và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa có quy định cụ thể về các biện pháp bảo đảm an ninh bệnh viện khác như các biện pháp tổ chức bảo đảm an ninh chung, sự tham gia của lực lượng công an trong bảo đảm an ninh bệnh hay vấn đề kinh phí bảo đảm cho hoạt động này.

Từ các phân tích trên, để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý, Bộ Y tế cho rằng việc xây dựng dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là hết sức cần thiết.

Tại Phiên họp thẩm tra sơ bộ, các đại biểu tham dự cũng tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật; tuy nhiên các đại biểu đánh giá hồ sơ dự án Luật vẫn còn chưa thật sự đầy đủ, một số chính sách lớn chưa có đánh giá tác động kỹ lưỡng; một số nội dung chưa thống nhất giữa các Bộ, ngành.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, bên cạnh tính cần thiết thì Bộ Y tế cần làm rõ tính cấp thiết của dự Luật; đồng thời đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện cả về nội dung và hình thức của dự án Luật trước khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Hồ Hương