Thảo luận về mục tiêu, quan điểm và yêu cầu xây dựng Luật Đầu tư (sửa đổi),có ý kiến đề nghị xây dựng Luật trên tinh thần không hạn chế quyền tự do kinh doanh theo quy định tại Hiến pháp, đồng thời phải thể chế hóa Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị, trong đó có chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chất lượng, trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng. Một số ý kiến cho rằng, việc xây dựng Luật phải tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhưng vẫn phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tránh bị lợi dụng.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8
Tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, báo cáo của Chính phủ nêu rõ, tại Tờ trình Quốc hội số 530/TTr-CP, Chính phủ đã báo cáo về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm xây dựng Luật Đầu tư (sửa đổi), trong đó khẳng định tiếp tục sửa đổi toàn diện Luật này nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết số 50/NQ-TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị.
Trên cơ sở mục tiêu, quan điểm tổng quát đó, các quy định của Luật Đầu tư đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm thực hiện các Nghị quyết nêu trên của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm tuân thủ các cam kết hội nhập của Việt Nam, trong đó có các cam kết liên quan đến mở cửa thị trường, tự do hóa và bảo hộ đầu tư theo các Hiệp định đầu tư song phương cũng như Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã hoàn thiện một số quy định nhằm khắc phục những hạn chế trong quản lý hoạt động đầu tư nói chung và quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài nói riêng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư; cụ thể gồm:
Một là, bổ sung quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý để áp dụng các biện pháp cần thiết (như từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, đình chỉ hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư...) trong trường hợp các hoạt động này có nguy cơ gây phương hại đến an ninh, quốc phòng, di tích lịch sử, văn hóa, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng và môi trường. Trên thực tế, một số nước, khu vực (kể cả Hoa Kỳ, EU) đều đang áp dụng quy định tương tự để từ chối hoặc đình chỉ dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài trong trường hợp cần thiết vì lý do bảo đảm "an ninh quốc gia", "trật tự công".
Hai là, bổ sung quy định yêu cầu Cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư tại các đảo, xã, phường, thị trấn ven biển, biên giới...
Ba là, bổ sung quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (gồm các điều kiện: dự án không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; bảo đảm phù hợp với quy hoạch; đáp ứng các tiêu chí, định mức về sử dụng đất đai, lao động...).
Bốn là, bổ sung chế tài xử lý (chấm dứt hoạt động đầu tư) trong trường hợp hoạt động này được thực hiện trên cơ sở giao dịch giả tạo. Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư sẽ bổ sung hành vi này để tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý hoạt động "đầu tư núp bóng", "đầu tư chui".
Năm là, bổ sung yêu cầu giám định độc lập giá trị vốn đầu tư, chất lượng và giá trị của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong trường hợp cần thiết nhằm xác định căn cứ tính thuế nhằm góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế.
Sáu là, bổ sung quy định để tạo cơ sở pháp lý cho việc không xem xét gia hạn hoạt động đối với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên và dự án có điều kiện chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam sau khi kết thúc hoạt động.
Bên cạnh đó, Luật Đầu tư đã có quy định nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động đầu tư nước ngoài như: yêu cầu doanh nghiệp (trong đó nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ dưới 51% vốn điều lệ) phải báo cáo cơ quan đăng ký đầu tư trước khi bắt đầu thực hiện dự án đầu tư (Khoản 5 Điều 71 Luật Đầu tư); phải thực hiện chuyển vốn thông qua tài khoản vốn mở tại Việt Nam (Khoản 3 Điều 36 Luật Doanh nghiệp); phải thông báo trong trường hợp thay đổi cổ đông, thành viên của công ty (Khoản 3 Điều 32 Luật Doanh nghiệp).
Ngoài ra, Chính phủ nhận thấy, để xử lý toàn diện tình trạng đầu tư núp bóng, chuyển giá, trốn thuế, xâm hại môi trường..., thì không thể chỉ xem xét hoàn thiện quy định của Luật Đầu tư mà cần phải sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan (như các luật thuế, đất đai, lao động, xuất nhập cảnh, chuyển giao công nghệ, môi trường…). Do vậy, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các Luật thuộc phạm vi quản lý của mình để xử lý những bất cập này.
Sau khi được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, dự án Luật sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 tới./.