Bàn về vấn đề quyền và trách nhiệm của thanh niên tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, ngày nay xây dựng và bảo vệ đất nước trong điều kiện mới, thanh niên có sứ mệnh và vai trò rất to lớn. Do vậy, việc dự thảo Luật Thanh niên thể chế hóa trách nhiệm của thanh niên trong điều kiện mới có ý nghĩa chính trị, pháp lý rất to lớn. Một mặt, khẳng định trách nhiệm pháp lý của thanh niên trong điều kiện mới để thanh niên phát huy vị thể và trách nhiệm của mình. Đồng thời để nhà nước, xã hội và gia đình xác định trách nhiệm của mình trong việc phát huy vai trò và trách nhiệm của thanh niên trong điều kiện mới. Đây cũng là một xu hướng xây dựng Luật Thanh niên của nhiều nước nhằm phát huy lực lượng thanh niên - nguồn lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Ngọc Đường phát biểu
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Ngọc Đường, trách nhiệm là việc mà mỗi người phải làm, phải gánh vác, phải nhận về mình và phải có ý thức với những việc làm đó. Đối với thanh niên khi đề cập đến trách nhiệm, thường bao gồm các trách nhiệm: trách nhiệm đối với tổ quốc, đối với Nhà nước, đối với xã hội, gia đình và bản thân mình. Đó là những dạng trách nhiệm cần phải có đối với mỗi thanh niên. Việc thể chế hóa thành các quy định pháp luật trách nhiệm của thanh niên về các mặt đó để vừa khẳng định về phương diện nhà nước, vừa là đòi hỏi của Nhà nước và xã hội đối với thanh niên phải thực hiện trách nhiệm và bổn phận của mình. Đồng thời, đây là những trách nhiệm pháp lý của mỗi cá nhân thanh niên cần phải phấn đấu thực hiện, giúp thanh niên chủ động, tự tin phát triển bản thân mình, dám làm những điều mình muốn và sẵn sàng chịu trách nhiệm pháp lý về những việc đã làm.
Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) cần phải thể chế rõ được các trách nhiệm của thanh niên. Cụ thể:
Thứ nhất là trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, đó là sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của mình là xây dựng và bảo vệ tổ quốc là những người có trách nhiệm xung kích đi đầu trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Thứ hai, trách nhiệm của thanh niên đối với nhà nước là không ngừng nâng cao tính tích cực chính trị - pháp lý trong việc tham gia xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng trong sạch, vững mạnh thực sự của dân, do dân và vì dân.
Toàn cảnh hội nghị
Thứ ba, trách nhiệm của thanh niên đối với xã hội là thành viên gương mẫu chấp hành các quy tắc pháp luật của nhà nước, quy tắc đạo đức, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Có ý thức bảo vệ môi trường sống và rèn luyện tính tích cực pháp luật trong đấu tranh bảo vệ cái đúng, phòng chống thói hư, tật xấu trong xã hội.
Thứ tư, trách nhiệm của thanh niên đối với gia đình cần thể chế trong luật thanh niên là tích cực xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; kính trọng ông bà, cha mẹ, vợ chồng thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.
Thứ 5, trách nhiệm của thanh niên đối với bản thân mình là không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng bản thân mình cả về thể lực lẫn trí lực, đi đầu trong việc nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, để dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) thực sự khác biệt, đặc thù về thanh niên so với các luật chuyên ngành quy định về các vấn đề trên các lĩnh vực của đời sống xã hội có sự tham gia của thanh niên như: hành chính, dân sự, giáo dục, kinh doanh, lao động, việc làm, y tế... các đại biểu cho rằng, duwh thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) cần bám sát định hướng xây dựng luật nhằm phát triển thanh niên./.