Cần có lộ trình chuyển từ lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu

14/02/2025

Chiều 14/02, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Tổ 2 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh.

Quy định cụ thể các nội dung liên quan đến phân cấp, ủy quyền

Toàn cảnh Phiên họp

Theo Tờ trình của Chính phủ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Chỉ tiêu 2021-2025 nào chưa đạt thì phải quyết tâm hoàn thành; chỉ tiêu nào đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả. Do đó, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026). Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Về kịch bản tăng trưởng, Tờ trình của Chính phủ xác định, tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 9,5% trở lên (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% trở lên); dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên). Các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024; công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng.

Các đại biểu tại Phiên họp

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản ủng hộ Đề án và cho rằng, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đều đạt và vượt; các đột phá chiến lược được triển khai quyết liệt với tinh thần đổi mới sáng tạo và sự quyết tâm cao độ, đạt được nhiều kết quả tích cực, là những điều kiện thuận lợi, thời cơ cho việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế, tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển. Mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên nếu đạt được sẽ là cơ sở nền tảng rất quan trọng để nước ta phát triển cho những năm tiếp theo, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng hai con số.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt mức tăng trưởng hai con số trong tương lai, với điều kiện nếu quản lý, điều hành tốt và phải tháo gỡ được các điểm nghẽn hiện có, đặc biệt điểm nghẽn vấn đề nhân lực. Đại biểu khẳng định, nếu không đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ mãi mãi nằm trong nhóm nước thu nhập trung bình và không thể trở thành quốc gia phát triển.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Nêu quan điểm tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tăng trưởng GDP nước ta trong 03 năm gần đây có xu hướng tăng dần, cho thấy mục tiêu 8% đề ra là có tiềm năng. Tuy nhiên dự đoán trong 02 năm tới, tình hình bối cảnh thế giới còn nhiều biến động khó đoán định, có thể sẽ ảnh hưởng lớn tới dòng đầu tư vào Việt Nam, đại biểu cho rằng, chúng ta nên xác định mục tiêu tăng trưởng 8% là định hướng, không cần phải đạt chính xác con số này, có thể dao động trong khoảng gần 8% đến 8% trở lên cũng được coi là thành công.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng này, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt; đầu tư công và thu hút đầu tư nước ngoài là nguồn lực quan trọng; sự cạnh tranh và nỗ lực phát triển của các địa phương là động lực tích cực.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân

Đặc biệt, đại biểu cho rằng, Việt Nam cần phải có lộ trình cụ thể để đảm bảo phát triển bền vững, đặc biệt là liên quan đến vấn đề dân số và lương tối thiểu. Đại biểu nêu rõ, kinh nghiệm của các nước trên thế giới đã cho thấy, việc không đảm bảo tỷ suất sinh thay thế sẽ dẫn đến già hóa dân số và các vấn đề xã hội khác. Do vậy, trong vòng 10 năm tới, Việt Nam cần có lộ trình chuyển từ lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu (khoảng 10,5 triệu đồng/tháng) để đảm bảo mức thu nhập của một người nuôi được bản thân họ và một con, một cặp vợ chồng đủ nuôi bản thân họ và 02 con.

“Nếu sau năm 2040, vấn đề này không cải thiện và giải quyết được, sẽ tạo thành nếp sống, thói quen khó sửa trong thanh niên là: Không lập gia đình; không sinh con; không cảm thấy bức xúc khi mình không sinh con. Điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy…”, đại biểu nói.

Đại biểu Trần Anh Tuấn

Góp ý tại Phiên họp, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP 8% thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn. Bên cạnh các nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, đại biểu cho rằng, cần phải có giải pháp rất cụ thể để kích thích các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; chính sách tài khóa cần đồng hành với chính sách tiền tệ; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển, vì khu vực này chiếm tới 60% cơ cấu kinh tế.

Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, thủ tục hành chính, đặc biệt ở các thành phố lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ…

Bên cạnh đó, đại biểu khẳng định, vai trò của khoa học công nghệ, chuyển đổi số rất là rất quan trọng, là nền tảng để tăng năng suất lao động và năng lực sản xuất. Do vậy, cần có chính sách ưu đãi đầu tư mạnh vào các lĩnh vực này.

Thu Phương – Phạm Thắng