Tăng trưởng 8% trở lên: Không làm không được, khó mấy cũng phải làm

14/02/2025

Thực hiện Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 14/2, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Tại phiên thảo luận của tổ 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định tăng trưởng 8% là nhiệm vụ quan trọng, không làm không được, khó mấy cũng phải làm, để đạt được các mục tiêu dài hạn, đáp ứng mong mỏi của nhân dân.

Rút gọn thủ tục, ủy quyền hợp lý để giải quyết hiệu quả các vấn đề cấp bách

Toàn cảnh phiên họp

Tại phiên thảo luận, các ý kiến bày tỏ đồng tình với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ. Việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.

Một số ý kiến cho biết, tình hình sản xuất, kinh doanh đầu năm 2025 chưa có nhiều khởi sắc, tháng 01/2025 ghi nhận 58,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng 01/2025 chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ , chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI ở mức dưới 50 điểm trong 2 tháng liên tiếp, cho thấy các điều kiện kinh doanh của khu vực sản xuất ở Việt Nam thu hẹp. Do vậy, các đại biểu đề nghị tập trung phân tích, đánh giá các điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi của Đề án, đặc biệt cần chú trọng các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công.

Các ý kiến cũng nêu rõ, đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu về bội chi và nợ công là cần thiết để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, cần làm rõ kế hoạch sử dụng số bội chi, nợ công tăng thêm trong trường hợp điều chỉnh.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, tình hình thế giới và trong nước từ đầu nhiệm kỳ, đặc biệt việc thay đổi lãnh đạo ở Trung ương và địa phương đã tác động đến kinh tế - xã hội nước ta. Cùng với đó, quy mô, độ mở, sự chuyển đổi của nền kinh tế cũng là một thách thức cho những mục tiêu trăm năm mà Đại hội XIII đã đề ra. Trong bối cảnh như vậy, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng của nhân dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đất nước đã vượt qua được khó khăn, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã vượt và đạt.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, tình hình thế giới hiện nay, cùng với đòi hỏi, mong mỏi của nhân dân, yêu cầu của phát triển nhằm đạt mục tiêu trăm năm thì nhiệm vụ tăng trưởng GDP 8% năm 2025 "khó mấy cũng phải làm, không làm không được". Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc đạt mức tăng trưởng 8% sẽ kéo theo tăng trưởng ở nhiều chỉ số, từ thu nhập bình quân đầu người đến năng suất lao động. Đạt được mục tiêu này là thách thức rất lớn, nhưng càng khó khăn, càng áp lực thì càng phải nỗ lực, đó là truyền thống, văn hoá của dân tộc chúng ta từ xưa đến nay.

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, để đạt được mục tiêu lớn này, cần phải tạo không gian sáng tạo để các bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân và mọi chủ thể liên quan thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Cùng với đó là có thể phải nới rộng tăng trưởng tín dụng, kết hợp tác chính sách tài khóa, nới rộng tỷ lệ bội chi trong bối cảnh nợ công, nợ chính phủ đang được kiểm soát tốt. Bên cạnh đó, cần tăng cường giải pháp thúc đẩy đầu tư công, đẩy mạnh ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực theo tinh thần "vướng mắc ở đâu gỡ ở đó, vướng mắc lúc nào gỡ lúc đó".

Đối với đột phá hạ tầng, Thủ tướng Chính phủ đề cập đến các hạ tầng chiến lược như đường sắt cao tốc Bắc – Nam, tuyến đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai kết nối với Trung Quốc, Châu Âu; hạ tầng số, hạ tầng y tế giáo dục, xã hội. Cùng với đó, tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội, TP.HCM cũng được Thủ tướng nêu ra và kêu gọi các Đại biểu Quốc hội ủng hộ.

Đặc biệt, về nhân lực, Thủ tướng Chính phủ cho rằng phải đột phá để đào tạo nhân lực chất lượng cao thông qua thúc đẩy động lực tăng trưởng mới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đang được triển khai rất quyết liệt. Quốc hội, theo đề xuất của Chính phủ đã thể chế hóa tích cực các giải pháp cả trước mắt như các cơ chế đặc thù đến các giải pháp lâu dài như Luật Khoa học - Công nghệ và Luật Dữ liệu để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, một trong những giải pháp quan trọng là cải cách bộ máy, giảm thủ tục hành chính, bỏ cơ chế xin - cho. Chỉ cần bỏ một cấp đi là giảm được thủ tục hành chính, áp dụng số hóa thì đơn giản hóa được các thủ tục còn lại. Lấy ví dụ về bỏ công an cấp huyện, Thủ tướng Chính phủ cho biết khi bỏ công an cấp huyện thì một số sẽ được điều lên tỉnh, đa số còn lại thì xuống cơ sở. Vì mọi việc xảy ra ở cơ sở, nói vì dân, vì hạnh phúc của nhân dân thì dân là ở cơ sở, xã, phường.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ phát biểu

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ bày tỏ băn khoăn về việc thực hiện mục tiêu 8% trong bối cảnh chính sách mới được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra đang có tác động rất lớn đến thương mại thế giới, trong đó Việt Nam không phải ngoại lệ. Đại biểu cho rằng để đạt được mục tiêu 8%, cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Trong đó, yếu tố tiêu dùng nội địa hiện vẫn đang khó khăn.

Phân tích thực trạng này, đại biểu cũng cho biết, một trong những lý do là việc sắp xếp bộ máy nhân sự công sở đang tiến hành có thể làm cho nhiều người bị ảnh hưởng về việc làm, từ đó ảnh hưởng đến tiêu dùng. Trong khi đó, để thúc đẩy tăng trưởng cần đưa tiền vào nền kinh tế nhiều hơn, giá cả hàng hóa tăng lên nhưng thu nhập không tăng, có thể ảnh hưởng tiêu dùng.

Do đó, đại biểu cho rằng cần có hỗ trợ những người thôi việc ở khu vực công, cần cân nhắc về việc chính sách thuế khi đang có xu hướng điều chỉnh tăng nhiều hơn là giảm thuế, đặc biệt là những người bán hàng online, bán hàng xuất khẩu... Đồng thời, cần có giải pháp lớn mạnh hơn khơi thông thị trường bất động sản giúp người dân tiếp cận được dự án nhà giá rẻ, bình dân, địa phương cũng tăng thu nhiều hơn.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ phát biểu

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp.

Hồ Hương - Phạm Thắng