
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 19
Thảo luận tại Tổ 19 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Bình Dương. Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi điều hành phiên họp.
Theo Tờ trình của Chính phủ về Đề án bổ sung về phát triển KT-XH năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Chỉ tiêu 2021-2025 nào chưa đạt thì phải quyết tâm hoàn thành; chỉ tiêu nào đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Do đó, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026). Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Có phương án dự phòng rủi ro, chấp nhận rủi ro và vượt lên rủi ro

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên thảo luận Tổ
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đây là nhiệm chính trị hết sức quan trọng, chuẩn bị nền tảng bước vào kỷ nguyên cất cánh, vươn mình của dân tộc. Sau Đại hội XIV thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số, vì vậy, năm 2025 phải thực hiện mục tăng trưởng đạt 8% để tạo đà, tiền đề phát triển.
Nhấn mạnh tính tiếp nối của việc thực hiện các nhiệm vụ năm 2025 và 5 năm tiếp theo là hết sức quan trọng, đồng thời, chính sách có độ trễ, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tháo gỡ vướng mắc, tập trung vào những dự án đang hoạt động, triển khai từ những năm trước; đồng thời, các chính sách triển khai phải được tiến hành đồng bộ, vừa đẩy nhanh, phát huy được những công việc đang thực hiện, công việc mới; vừa tăng đầu tư, tăng tiêu dùng, tăng xuất khẩu, huy động nguồn vốn trong Nhân dân. “Phải có phương án dự phòng rủi ro, chấp nhận rủi ro và vượt lên rủi ro,...Nội dung này phải quán triệt tới từng cá nhân, địa phương, doanh nghiệp và từng nhà quản lý”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Các vị đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại Tổ 19
Nêu rõ mục tiêu chung là thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng; tăng cả tổng cung và tổng cầu tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, phải đảm bảo 3 mục tiêu: ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội và ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh. Đây được coi là xương sống của mọi thời đại, mọi quốc gia.
Phân tích tình hình, bối cảnh thế giới, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần phải dự báo trước tình hình, nhận diện rõ tình hình và có giải pháp ứng phó kịp thời trước những biến động. Ngoài ra, phải có chiến lược ngoại giao hết sức linh hoạt; theo đúng chủ trương và đường lối của Đảng; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc;...
Xây dựng đội ngũ công chức, chế độ công vụ vì sự phát triển

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, cần đặc biệt chú trọng tới vấn đề xây dựng đội ngũ công chức, chế độ công vụ vì sự phát triển và không hưởng lợi trực tiếp từ đối tượng phục vụ. Trong đó, cần đề cao trách nhiệm cá nhân không chỉ người đứng đầu mà của từng cán bộ, công chức cũng như từng cá nhân, cơ quan, đơn vị. Mỗi cán bộ, công chức phải thấy việc là làm; nâng cao tinh thần trách nhiệm, có ý thức chủ động trong tìm tòi, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp; "hệ thống công chức là đầu kéo của tăng trưởng kinh tế";...
Ngoài ra, trên cơ sở phân tích các giải pháp tổng thể trong Đề án, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần xác định dự phòng rủi ro, xây dựng Chương trình, kế hoạch cụ thể để Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên sớm đi vào cuộc sống, thực hiện hiệu quả, đảm bảo mục tiêu đề ra.
Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững
Thảo luận về nội dung này, các đại biểu cho rằng, năm 2024, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, GDP năm 2024 ước tăng 7,09%, thuộc nhóm dẫn đầu thế giới và khu vực. Vì vậy, các ý kiến cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ.
Theo đại biểu Trần Thị Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Liên quan tới các giải pháp Chính phủ đề xuất, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững. Cơ bản đồng tình với 06 nhóm giải pháp tại Tờ trình, đại biểu tỉnh Bình Dương đề nghị, cần chú trọng, quan tâm hơn nữa tới chính sách về tiền tệ; đồng thời, lưu ý, trong giải pháp Chính phủ nêu mới đưa chỉ tiêu tăng trưởng GDP mà chưa để cập yếu tố, chỉ tiêu khác về môi trường, xã hội,...
Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu cũng đề xuất, nghiên cứu, bổ sung các chính sách cụ thể về tiền tệ, tài khóa để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa. Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; cắt giảm thực chất thời gian thực hiện thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp; có giải pháp đột phá về khởi nghiệp, tạo việc làm bền vững, việc làm chính thức; làm rõ quy trình, thủ tục đầu tư và cơ chế xử lý khi có vướng mắc,...

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Bên cạnh đó, đề nghị có giải pháp cụ thể, gắn trách nhiệm thực hiện để đổi mới quản lý đầu tư công; bảo đảm giải ngân được số vốn đầu tư công đã giao dự toán và bổ sung thêm. Có giải pháp thực chất, hiệu quả để thu hút đầu tư xã hội, giải quyết các tồn tại trong giải ngân đầu tư công. Đồng thời, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm hiệu quả việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức, bộ máy; không để xảy ra gián đoạn công việc hoặc làm ảnh hưởng đến người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và chú ý vấn đề tăng năng suất lao động, chính sách an sinh xã hội.
Cũng tại phiên thảo, các đại biểu còn cho ý kiến về: Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
*** Một số hình ảnh tại phiên thảo luận tại Tổ 19:

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 19

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tham gia phiên thảo luận tại Tổ 19

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên thảo luận Tổ

Các vị đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại Tổ 19

Các vị đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại Tổ 19

Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Các vị đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại Tổ 19

Đại biểu Khương Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Các vị đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại Tổ 19

Các vị đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại Tổ 19.