Tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 12
Thảo luận tại Tổ, các đại biểu bày tỏ nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế về đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Việc Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt được tăng trưởng hai con số, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.
Các đại biểu đánh giá, năm 2024, nền kinh tế nước ta tiếp tục khẳng định sự phục hồi mạnh mẽ, là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động. Cùng với đó, hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra; tăng trưởng GDP ước đạt 7,09%; quy mô GDP đứng thứ 33 thế giới ( tăng 02 bậc so với năm 2023); GDP bình quân đầu người tiến sát vào nhóm các nước thu nhập cao.
Các chỉ tiêu về năng suất lao động, doanh nghiệp, phát triển văn hoá, an sinh xã hội, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp,... đều đạt kết quả nổi bật, cao hơn số ước đã báo cáo Trung ương và Quốc hội. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với các chính sách, giải pháp điều hành được nâng lên giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Các đại biểu nhấn mạnh, đây là nền tảng, động lực quan trọng cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2025 để thực hiện các mục tiêu của đề án và tin tưởng có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, cho rằng năm 2025 là cột mốc rất quan trọng, đặc biệt đây là năm nước rút, về đích, hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, tạo tiền đề cho giai đoạn 2026 - 2030, hướng tới hoàn thành thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021 - 2030, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới. Để đạt được mục tiêu đề ra, đại biểu cho rằng các giải pháp ngắn hạn cần được triển khai khẩn trương. Các bộ, ngành, địa phương cần phát huy sự chủ động, đổi mới sáng tạo, đột phá và quyết tâm cao để triển khai kịp thời, hiệu quả.
Trong đó, cần hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không gây gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh; tập trung cắt giảm thực chất thủ tục đầu tư, kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành chính; theo dõi sát tình hình kinh tế, chính trị thế giới, chính sách của các nước, tìm kiếm, chủ động kiến tạo và khai thác hiệu quả các cơ hội cho tăng trưởng, phát triển. Đồng thời cần tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, sớm đưa vào khai thác các công trình trọng điểm, mở ra không gian phát triển mới.
Về nhiệm vụ dài hạn để tạo nền tảng cho năm 2025 tăng trưởng 8% và những năm tiếp theo tăng trưởng hai con số, có ý kiến cho rằng cần tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bứt phá như hoàn thiện thể chế, phân cấp, phân quyền, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Cùng với đó, Chính phủ cần bám sát các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội để chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 một cách linh hoạt, hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Thành Công - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình
Còn theo đại biểu Nguyễn Thành Công - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, một trong những động lực tăng trưởng chính của năm 2025 là đầu tư công. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, do vấn đề hiệu suất giảm dần của vốn cũng như dư địa đầu tư công không còn nhiều, đầu tư công sẽ khó duy trì được vai trò động lực chính cho nền kinh tế. Do đó, bài toán đặt ra là phải lấy đầu tư công lan tỏa, dẫn dắt đầu tư tư nhân, qua đó phát triển các doanh nghiệp trong nước.
Đại biểu cũng cho rằng, năng lực nội sinh của nền kinh tế mà đại diện là thành phần kinh tế tư nhân vẫn còn yếu, chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Để phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam, góp phần tăng cường năng lực nội sinh, đại biểu cho rằng cần tận dụng đầu tư công và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để tạo động lực cho khu vực kinh tế trong nước, khơi thông nguồn lực, xoá bỏ cơ chế "xin - cho", có giải pháp cụ thể để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án đầu tư công. Đồng thời có chính sách để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng nhiều hơn hàng hoá, dịch vụ trong nước; từ đó nâng cao năng lực cho doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh
Phát biểu tại Tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên, xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và việc xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là những chủ trương rất đúng, trúng và mong muốn những mục tiêu đó sẽ đạt được thành quả như kỳ vọng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, hiện nay Quốc hội đang thực hiện tư duy đổi mới trong công tác lập pháp, tháo gỡ thể chế rất triệt để theo chủ trương của Bộ Chính trị và những đề xuất của Chính phủ trong thực hiện có hiệu quả việc phân cấp, phân quyền.
Nhất trí với các giải pháp đề ra, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải chú trọng tăng cường kỷ luật, kỷ cương và tính pháp chế trong quá trình tổ chức thực hiện. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, hiện nay đang tăng cường phân cấp, phân quyền, uỷ quyền rất mạnh mẽ, nếu không tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương thì việc thực thi các cơ chế rất dễ xảy ra vi phạm và có thể gây ra hậu quả, để lại hệ luỵ sau này. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực để không "vấp phải" các bài học của những vụ đại án gây thất thoát lượng lớn ngân sách nhà nước cũng như liên quan đến cán bộ.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận./.