THẢO LUẬN TẠI TỔ 9: DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) CẦN BÁM SÁT TINH THẦN NGHỊ QUYẾT 18-NQ/TW

09/06/2023

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 9/6, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Các ý kiến tại Tổ 9 đề nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bám sát tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, chỉ cụ thể hóa tại Luật những nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW đã chín, đã rõ.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 9: PHÂN ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NGUỒN NƯỚC VÀ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH KHAI THÁC NƯỚC ĐỂ TRÁNH CHỒNG CHÉO

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 9

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng và Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự phiên thảo luận.

Tổ 9 gồm 26 đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bến Tre. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương, Tổ trưởng Tổ 9 điều hành nội dung thảo luận.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đa số ý kiến đánh giá cao Chính phủ đã chỉ đạo Cơ quan soạn thảo và các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của Nhân dân, ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến các cơ quan của Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật có bước tiến quan trọng về chất lượng, nhiều nội dung đã được tiếp thu, giải trình. Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bám sát tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, chỉ cụ thể hóa tại Luật những nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW đã chín, đã đủ rõ. Đối với những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, điều kiện thực tiễn chưa cho phép quy định ngay tại Luật để trình Quốc hội thông qua, đề nghị Chính phủ phối hợp báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật. Đồng thời tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng sự tương thích đối với cam kết trong các điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực đầu tư và thương mại.

Phát biểu thảo luận tại Tổ 9, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nêu rõ, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quán triệt tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, những nội dung đã chín, đã rõ thì đưa vào dự thảo Luật lần này. Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng bày tỏ nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đề nghị rà soát một số nội dung của dự thảo Luật để sau khi ban hành đưa vào sử dụng thì không cần hướng dẫn, trong đó đặc biệt lưu ý nội dung liên quan đến 3 luật gắn với nhau rất chặt chẽ là Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi). Đối tượng cho thuê đất giữa 3 luật này còn khác nhau.

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Đại biểu nêu ví dụ, Điều 47 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cá nhân, tổ chức người nước ngoài không được xem là người được sử dụng đất, không được cho thuê đất, mua, nhận, thừa kế…, trong khi Luật Nhà ở (sửa đổi) lại quy định cá nhân người nước ngoài được sở hữu đất tại Việt Nam thông qua thuê, mua, nhận, cho, nhận thừa kế… Luật Kinh doanh bất động sản cũng quy định cá nhân người nước ngoài được thuê, mua, sử dụng nhà, đất… Do đó, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, cần đặt ra yêu cầu rà soát, sửa đổi lại các điều khoản này nhằm đảm bảo sự nhất quán, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng đề nghị cần làm rõ 3 nội dung: Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, Nhà nước nhận sự ủy quyền của dân đối với quyền sử dụng đất; Nhà nước với tư cách là quản lý; Nhà nước với tư cách là người sử dụng đất - đây là nội dung phức tạp nhất. Ví dụ, Nhà nước sử dụng đất với rất nhiều hình thức như đất quốc phòng an ninh, các dự án kinh tế - xã hội lớn… Do đó, cần phân biệt sử dụng đất với mục đích quốc phòng an ninh, đất trong lĩnh vực quốc phòng mà có tính chất lưỡng dụng, đất trong lực lượng quốc phòng an ninh sử dụng với mục đích dân sự, kinh tế - xã hội… thì dự thảo Luật quy định thế nào? Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng đề nghị cần rà soát và quy định rõ các nội dung cơ bản này.

Về vấn đề định giá đất, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng lưu ý, định giá đất theo nguyên tắc thị trường nhưng phải là thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tùy từng loại đất cụ thể để có cơ chế định giá phù hợp.

Về Hội đồng thẩm định giá, đại biểu nhận thấy, dự thảo Luật chưa quy định cụ thể, Hội đồng thẩm định giá là ai và chuyên môn như thế nào thuộc thành phần Hội đồng thẩm định giá để đảm bảo khách quan. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng đề nghị cần quy định rõ các vấn đề này trong dự thảo Luật.

Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương góp ý vào một số nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Đề cập đến Điều 75 quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu Dương Bình Phú - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đề nghị không nên quy định việc thu hồi đất đối với “công trình tôn giáo” mà để tổ chức tôn giáo có nhu cầu tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc nhận tặng cho quyền sử dụng đất để “xây dựng cơ sở tôn giáo” vì hiện nay các cơ sở tôn giáo phát triển tương đối hoàn chỉnh, phục vụ đầy đủ nhu cầu tôn giáo của người dân, thực tế đang có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng xây dựng cơ sở tôn giáo để tổ chức hoạt động kinh doanh, trái với nguyên tắc “phi lợi nhuận”.

Liên quan đến quy định ngắc tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Dương Bình Phú đề nghị cần thể chế hóa các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi. Việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần được thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất và cần được thực hiện một cách công khai có giám sát thực hiện đúng quy định về giá, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân có đất bị thu hồi. Đồng thời việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất cũng phải đảm bảo khách quan, dân chủ, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật, việc tái định cư đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tránh xảy ra các tranh chấp dai dẳng kéo dài dễ trở thành điểm nóng cho các đối tượng thù địch lợi dụng các quyền tự do dân chủ để kích động, chống phá Đảng và Nhà nước.

Quan tâm đến vấn đề quyền sử dụng đất của người nước ngoài, đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, dự thảo Luật không quy định quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài và mâu thuẫn với quy định tại Điều 7 Luật Nhà ở năm 2014 (khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)). Vấn đề này cũng được khẳng định ở khoản 1 Điều 19 dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) về một trong những trách nhiệm của bên bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng. Do đó đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị cần rà soát lại tất cả các điều khoản để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các luật liên quan.

Đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Về việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 70) và công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 75), đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị dự thảo Luật nên mở rộng hình thức công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khi cần người dân có thể đến đâu để được biết và cơ quan nào có trách nhiệm trả lời để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong tiếp cận thông tin.

Liên quan đến công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi bổ sung quy định này theo hướng: đối với các vùng, khu vực khó khăn, chính quyền cơ sở có quyền chủ động, linh hoạt triển khai các hình thức công khai, phổ biến quy hoạch, kế hoạch đến người dân (như việc phổ biến tới bản, làng, các điểm sinh hoạt cộng đồng với ngôn ngữ của địa phương).

Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Hồng An cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng sự tương thích đối với cam kết trong các điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực đầu tư và thương mại, đặc biệt đối với các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) quan trọng như CPTPP, EVFTA, EVIPA…, góp phần đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước nhận đầu tư; hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước./.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận Tổ 9:

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 9

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương, Tổ trưởng Tổ 9 điều hành nội dung thảo luận

Liên quan đến quy định ngắc tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Dương Bình Phú - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đề nghị cần thể chế hóa các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cung cấp thêm thông tin của Cơ quan thẩm tra về một số định hướng chính sách lớn để tạo thuận lợi khi thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị bổ sung, làm rõ các thuật ngữ về đất đai đã sử dụng qua các thời kỳ nhưng chưa được hướng dẫn, giải thích cụ thể như: "đất thổ cư, đất có mã ký hiệu "T" ghi trong hồ sơ theo Chỉ thị 299 của Chính phủ..." để các địa phương có căn cứ thực hiện.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng sự tương thích đối với cam kết trong các điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực đầu tư và thương mại, đặc biệt đối với các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) quan trọng. 

Các đại biểu tại Phiên họp

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương, Tổ trưởng Tổ 9 phát biểu kết luận nội dung thảo luận.

Bích Ngọc - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác