THẢO LUẬN TỔ 1: XÁC ĐỊNH RÕ PHẠM VI TÀI LIỆU MẬT GỬI TỚI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Toàn cảnh phiên họp
Tham gia thảo luận tại Tổ, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng, việc ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội nhằm tiếp tục cải tiến cách thức, quy trình, thủ tục tiến hành kỳ họp, nâng cao chất lượng các kỳ họp của Quốc hội. Mặt khác, để Quốc hội thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ do luật định, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, thực chất, hiệu lực và hiệu quả hơn, từng bước đáp ứng nguyện vọng của cử tri, Nhân dân và yêu cầu phát triển của đất nước. Tuy nhiên, qua đối chiếu, đại biểu nhận thấy có nhiều nội dung quy định lại những nội dung đã có trong các văn bản liên quan. Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng cần rà soát lại, bỏ những nội dung đã quy định trong các văn bản liên quan trong Nội quy kỳ họp; nếu có chỉ quy định cụ thể, chi tiết hơn những nội dung chưa rõ để dễ triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, theo quy định Nội quy hiện hành, các dự án luật, dự thảo nghị quyết, dự án khác phải được gửi đến đại biểu Quốc hội chậm nhất 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội; các tài liệu khác phải được gửi đến đại biểu Quốc hội chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra rằng, vấn đề này trên thực tế còn chưa được thực hiện nghiêm túc, còn rất nhiều nội dung đến sát ngày họp mới gửi đến đại biểu Quốc hội khiến đại biểu không có thời gian nghiên cứu. Trong dự thảo lần này không có quy định về thời gian gửi các loại tài liệu này cho đại biểu Quốc hội. Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cần có quy định cụ thể về thời gian, chế tài cụ thể, mạnh mẽ hơn để tài liệu gửi đến đại biểu Quốc hội đúng thời hạn. Qua đó giúp đại biểu dành thời gian nghiên cứu tài liệu để đóng góp hiệu quả hơn vào các quyết định của Quốc hội; góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; phối hợp chặt chẽ, theo sát cơ quan soạn thảo trong việc xây dựng các dự án, dự thảo.
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông
Quan tâm đến vấn đề tài liệu mật, đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông chỉ ra rằng, tài liệu kỳ họp đóng dấu mật nhưng không tách số liệu mật ra một tài liệu riêng, do đó nếu phát biểu, thảo luận, đại biểu sẽ khó nhận biết nên sử dụng được những số liệu nào, phát biểu vấn đề gì. Trong khi đó, nội quy, quy định cấm đại biểu Quốc hội tiết lộ bí mật Nhà nước, do đó đại biểu cho rằng cần tách riêng số liệu mật với dữ liệu được công khai để đại biểu có cơ sở dẫn chiếu. Liên quan đến phát thanh truyền hình trực tiếp, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị bổ sung thêm phiên giám sát tối cao vào phát thanh truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước cùng theo dõi.
Góp ý nội dung cung cấp tài liệu kỳ họp, nhất là các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết cũng như các dự thảo của dự án luật, đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đề nghị cần phải thực hiện nghiêm các vấn đề cung cấp tài liệu theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong cung cấp tài liệu chậm để có biện pháp chấn chỉnh. Đối với các tài liệu có yếu tố mật, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị rà soát lại những số liệu, tài liệu mật, để các đại biểu có hướng tiếp cận chính xác. Đồng thời cần thực hiện đúng quy định của pháp luật về tài liệu mật, làm rõ số liệu mật, số liệu nào không thuộc danh mục tài liệu mật. Cùng quan điểm, đại biểu Quàng Văn Hương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La cho rằng cần phải có ký hiệu rõ ràng đối với những thông tin tài liệu mật để đại biểu biết và cân nhắc trong quá trình sử dụng dữ liệu để phát biểu. Đồng thời phải quy định rõ có bắt buộc hay không đối với trường hợp gửi lại bài phát biểu trong quá trình đã đăng ký phát biểu nhưng không đảm về mặt thời gian nên phải gửi lại bài phát biểu đó.
Đại biểu Hoàng Trung Dũng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến về sự phù hợp của dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Việc thể chế, quy tắc hóa những cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm trong thời gian qua; những quy định nhằm bảo đảm tăng tính dân chủ, pháp quyền, tính chuyên nghiệp, chủ động trong hoạt động của Quốc hội; phân định rõ thẩm quyền, đề cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia kỳ họp Quốc hội, nhất là vai trò trung tâm của các vị đại biểu Quốc hội.
Tại Phiên họp, các đại biểu cũng cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức./.