DỰ ÁN LUẬT THANH TRA (SỬA ĐỔI): ĐẢM BẢO HOẠT ĐỘNG THANH TRA ĐẠT HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ TRÊN THỰC TẾ

24/10/2022

Là một trong những dự án Luật quan trọng được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) đang nhận được nhiều hy vọng từ các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, cử tri và nhân dân sẽ góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật về thanh tra hiện nay. Ngày mai (25/10), Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại hội trường về nhiều nội dung quan trọng trong dự án Luật này.

ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI ĐỂ CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP KỊP THỜI PHÁT HUY HIỆU QUẢ THỰC TIỄN

Là một trong những dự án Luật quan trọng được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) đang nhận được nhiều hy vọng từ các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, cử tri và nhân dân sẽ góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật về thanh tra hiện nay. Ngày mai (25/10), Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại hội trường về nhiều nội dung quan trọng trong dự án Luật này.

Cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Đại biểu Ma Thị Thúy – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho rằng từ hoạt động quản lý khó tránh khỏi việc chồng chéo, trùng lắp giữa các ngành, lĩnh vực và nội dung quản lý. Vì vậy, thẩm quyền, chức năng của các cơ quan thanh tra vẫn có sự đan xen, giao thoa. Theo đại biểu để đảm bảo hoạt động thanh tra đạt được hiệu lực, hiệu quả trên thực tế, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lắp, đặc biệt là trường hợp cấp dưới đã tiến hành thanh tra nhưng cấp trên lại tiếp tục thanh tra, góp phần giảm thiểu việc phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra, cần bổ sung quy định khi có chồng chéo, trùng lắp thì cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hoạt động chính của đối tượng thanh tra chủ trì chỉ thành lập 1 đoàn thanh tra.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy 

Đại biểu Mai Văn Hải – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng quy định trong trường hợp không thống nhất, cơ quan nào tiến hành hoạt động thanh tra hoặc kiểm toán trước cơ quan đó tiếp tục thực hiện là chưa bao quát. Bởi còn có trường hợp chưa triển khai hoạt động thanh tra hoặc kiểm toán nhưng đã phát hiện mâu thuẫn trong quá trình xây dựng kế hoạch sẽ rất khó xử lý. Do đó đại biểu đề nghị nên giao cho Thanh tra Chính phủ xem xét và quyết định để xử lý; đồng thời, đề nghị không chỉ quy định về xử lý chồng chéo giữa Thanh tra sở với Thanh tra huyện, mà cũng cần xem xét, quy định để xử lý chồng chéo giữa Thanh tra các sở với nhau.

Đại biểu Trần Nhật Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng không nên quy định nguyên tắc xử lý lưỡng tính như dự thảo bởi sẽ khó thực hiện trong thực tế và mất nhiều thời gian xử lý, ảnh hưởng đến kế hoạch thanh tra và tiến độ thanh tra của cơ quan. Do đó, đề nghị chỉ nên quy định một nguyên tắc cơ quan nào đang tiến hành thanh tra hoặc kiểm toán trước thì cơ quan đó tiếp tục thực hiện. Tương tự về chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động Thanh tra tỉnh và Thanh tra Tổng cục, Cục quy định tại khoản 4 Điều 52, đại biểu đề nghị quy định rõ cơ quan nào sẽ tiến hành thanh tra hoặc cơ quan nào sẽ tiến hành thanh tra trước khi cơ quan đó tiếp tục thực hiện.

Đại biểu Trần Nhật Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra giữa thanh tra tỉnh và thanh tra sở, giữa các thanh tra sở. Đồng thời đề nghị rà soát các quy định về thẩm quyền xử lý chồng chéo, trùng lăp trong hoạt động thanh tra. Đại biểu chỉ rõ, khoản 4 Điều 52 dự thảo Luật quy định chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động của thanh tra tỉnh và thanh tra tổng cục, cục thì Chánh Thanh tra tỉnh trao đổi và Chánh Thanh tra bộ để thống nhất phương án xử lý, trường hợp không thống nhất được thì báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định. Theo đó, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng có thẩm quyền xử lý chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động của thanh tra tỉnh và thanh tra tổng cục, cục. Tuy nhiên, tại điểm d khoản 2 Điều 13 dự thảo Luật chỉ xác định Tổng Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ chủ trì xử lý chồng chéo, trùng lắp vi phạm về phạm vi, đối tượng, nội dung thời gian thanh tra giữa các thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh mà chưa liệt kê về trường hợp trên. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét để bổ sung nội dung này tại khoản 2 Điều 13 cho tương thích và đồng bộ giữa các điều luật với nhau.

Khác với các đại biểu trước, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Minh Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang lại cho rằng quy định cơ quan nào làm trước thì được làm tiếp cũng chưa hợp lý.

Đại biểu lý giải, khoản 1 Điều 10 Luật Kiểm toán Nhà nước quy định Kiểm toán Nhà nước quyết định kế hoạch kiểm toán hàng năm và báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện. Cụ thể như kế hoạch kiểm toán năm 2023 sẽ phải báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 tới và sau khi xem xét ý kiến của đại biểu Quốc hội thì Kiểm toán Nhà nước sẽ ban hành kế hoạch cho năm sau vào cuối năm 2022 trước khi thực hiện. Cũng theo dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), tại Điều 43 về xây dựng, ban hành định hướng chương trình thanh tra hàng năm, kế hoạch thanh tra thì chậm nhất vào ngày 30/9 hàng năm Tổng Thanh tra Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng chương trình thanh tra hàng năm, Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm xem xét, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra chậm nhất vào ngày 15/10 hàng năm và chậm nhất vào ngày 25/10 hàng năm thì Tổng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của Bộ, của tỉnh.

Tại khoản 2 Điều 44 dự thảo quy định Thanh tra Chính phủ cũng có trách nhiệm ban hành Kế hoạch thanh tra của mình trước 15/1 hàng năm.  Điều 107 của dự thảo cũng có nêu là 2 cơ quan là Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ cũng phải có trách nhiệm phối hợp rà soát ngay từ khâu lập kế hoạch năm và xây dựng định hướng chương trình thanh tra hàng năm để không xảy ra tình trạng trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung thời gian giữa các cơ quan thanh tra với cơ quan Kiểm toán Nhà nước trước khi thực hiện.

Như vậy là ngay từ tháng 10 hàng năm thì 2 cơ quan này đã có dự thảo kế hoạch cho năm sau và sau đó các cơ quan thanh tra cấp khác khi xây dựng kế hoạch của mình cũng phải xây dựng trên cơ sở xem xét 2 kế hoạch của 2 cơ quan này.

Đại biểu Lê Minh Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Từ những phân tích trên, đại biểu Lê Minh Nam cho rằng chỉ nên quy định trong trường hợp đặc biệt nếu có trùng lặp với lý do khách quan trong thực hiện kế hoạch giữa Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước thì Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ trao đổi, thống nhất để một cơ quan thực hiện. Đối với các cấp thanh tra từ Thanh tra Bộ trở xuống thì phải chấp hành kế hoạch của Kiểm toán Nhà nước, vì kế hoạch năm này đã được ban hành từ cuối năm trước và cũng đã được trao đổi với Thanh tra Chính phủ. 

Cũng theo đại biểu Lê Minh Nam, nếu quy định như dự thảo luật cơ quan nào làm trước thì cơ quan đó tiếp tục thực hiện, mà để cho các cơ quan các cấp vào thanh tra trước để thôi không phải kiểm toán cũng sẽ không hợp lý xét cả nguyên tắc và thẩm quyền. Hơn nữa có thể nảy sinh ra tình trạng lợi dụng quy định này để đưa các cơ quan thanh tra nội bộ vào làm trước để tránh phải thực hiện kiểm toán.

Minh Hùng