THẢO LUẬN TẠI TỔ SỐ 04: CẦN QUY ĐỊNH THẬT TƯỜNG MINH VỀ NHỮNG DẤU HIỆU ĐÁNG NGỜ CƠ BẢN

24/10/2022

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 24/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Theo đó nhiều đại biểu tán thành cao với sự cần thiết sửa đổi; đồng thời đề nghị quy định tường minh về những dấu hiệu đáng ngờ cơ bản trong giao dịch.

THẢO LUẬN TỔ 7: CẦN BỔ SUNG, LÀM RÕ CÁC ĐỐI TƯỢNG BÁO CÁO TRONG DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 04 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, Hải Dương, Quảng Ngãi, Bạc Liêu.

Tại phiên thảo luận, cơ bản các đại biểu Quốc hội tại Tổ 04 tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền để thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia; góp phần đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền.

Để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật sau khi được ban hành, một số đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát toàn bộ các quy định, luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn thời gian qua; hoàn thiện đồng bộ dự thảo các văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Đi vào một số nội dung cụ thể, đại biểu Bùi Sĩ Hoàn- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương quan tâm tới vấn đề về ban hành quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền quy định tại Điều 24. Theo đó, đối tượng báo cáo là doanh nghiệp siêu nhỏ, cá nhân phải ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền có nội dung theo quy định tại các điểm a, b, c, đ, e và g khoản 1 Điều này. Đại biểu phân tích, với loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ có quy mô không lớn vẫn phải thực hiện 6/10 nội dung về hành quy định nội bộ như vậy thì tính hình thức của quy định này khá cao, không cần thiết, không hiệu quả, tốn kém chi phí xã hội. Do đó, nên giao Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản mẫu để mang tính chất tham khảo cho các doanh nghiệp thì sẽ phù hợp hơn.

Đại biểu Bùi Sĩ Hoàn- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu

Đối với quy định về dấu hiệu đáng ngờ, đại biểu Bùi Sĩ Hoàn chỉ ra rằng Dự thảo Luật quy định một số dấu hiệu đáng ngờ cơ bản như: Khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Sử dụng thư tín dụng và các phương thức tài trợ thương mại khác có giá trị lớn bất thường, tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường; Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn; Thông tin về nguồn gốc tài sản bảo đảm của khách hàng xin vay vốn không đầy đủ, không chính xác …Tuy nhiên, theo đại biểu, việc quy định dấu hiệu đáng ngờ trong một số ngành lĩnh vực vẫn mang tính định tính, vẫn khó xác định. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định cụ thể, rõ ràng, không quy định chung chung để đảm bảo tính thống nhất với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đảm bảo tính khả thi của Luật.

Ngoài ra, nhằm thực hiện tốt chức năng về phòng, chống rửa tiền, Dự thảo Luật đã quy định quy định áp dụng biện pháp tạm thời là trì hoãn giao dịch tại Điều 44, và quy định phong tỏa tài khoản, niêm phong, phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản tại Điều 45. Tuy nhiên theo đại biểu, quyền sở hữu, quyền định đoạt của cá nhân chủ sở hữu đã được quy định tại Hiến pháp 2013 và Bộ Luật Dân sự 2015. Do đó, để tránh tình trạng lạm dụng hoặc áp dụng các biện pháp tạm thời một cách tùy tiện, thiếu căn cứ pháp lý; đồng thời để đảm bảo tính chính xác khi áp dụng các biện pháp tạm thời thì cần nghiên cứu, bổ sung quy định về tính chịu trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch, tránh lạm quyền.

Đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương chỉ ra rằng, đối với vấn đề đánh giá rủi ro quốc gia, rủi ro ngành, dự thảo Luật mới chỉ đánh giá rủi ro quốc gia, chưa đánh giá rủi ro ngành. Đề nghị bổ sung đánh giá rủi ro ngành và chú ý xây dựng các chính sách tổng thể cấp quốc gia, xây dựng kế hoạch hành động quốc gia, rà soát sửa đổi cập nhật ban hành khung pháp lý về tài chính ngân hàng dựa trên trên chuyển đổi số hiện nay; bổ sung quy định hướng dẫn về tiêu chí, tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo, kiểm soát chặt chẽ giao dịch thanh toán quốc gia.

Liên quan đến chính sách của nhà nước về phòng chống rửa tiền, đại biểu cũng chỉ ra rằng, tại Luật hiện hành có quy định về nội dung này trong Điều 6. Theo đó, phòng, chống rửa tiền là trách nhiệm của Nhà nước và các cơ quan nhà nước. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, qua rà soát các quy định, đại biểu chỉ ra rằng, Luật sửa đổi không quy định vấn đề này. Do đó, cần giải thích tại sao lại không quy định nội dung này. Đề nghị bổ sung thêm quy định về vấn đề chính sách của nhà nước về phòng chống rửa tiền vì đây là một trong những nội dung quan trọng.

Bên cạnh đó, đại biểu Đinh Thị Phương Lan- Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi và các đại biểu cũng đề nghị cần rà soát các thỏa thuận pháp lý, đảm bảo sự thống nhất của Luật này với các Luật khác có liên quan như Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đồng thời cần rà soát các thông tin tại điều luật về xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua việc thuê tổ chức khác; nhận biết, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua bên thứ ba…

Cũng tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã quan tâm cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Toàn cảnh phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Đại biểu Lữ Văn Hùng - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu điều hành nội dung phiên thảo luận

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị bổ sung đánh giá rủi ro ngành và chú ý xây dựng các chính sách tổng thể cấp quốc gia, kế hoạch hành động quốc gia, rà soát sửa đổi cập nhật ban hành khung pháp lý về tài chính ngân hàng

Đại biểu Bùi Sĩ Hoàn- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị quy định tường minh về những dấu hiệu đáng ngờ cơ bản trong giao dịch.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu đóng góp ý kiến thảo luận

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry- Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đưa ra ý kiến tại phiên thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương trình bày quan điểm về một số nội dung tại phiên thảo luận

Cũng tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã quan tâm cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Hồ Hương- Trọng Quỳnh