THẢO LUẬN TỔ 1: XÁC ĐỊNH RÕ PHẠM VI TÀI LIỆU MẬT GỬI TỚI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

24/10/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều ngày 24/10, Tổ 1 – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

TỔ 1 ĐOÀN ĐBQH TP.HÀ NỘI: CHÍNH PHỦ ĐIỀU HÀNH LINH HOẠT, KHOA HỌC, ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ TOÀN DIỆN

SỬA ĐỔI NỘI QUY KỲ HỌP QUỐC HỘI PHẢN ÁNH ĐƯỢC SỰ ĐỔI MỚI TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT BAN HÀNH NỘI QUY KỲ HỌP QUỐC HỘI (SỬA ĐỔI): MỤC TIÊU CAO NHẤT LÀ CHẤT LƯỢNG HIỆU QUẢ GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC

Quy định rõ hơn trình tự, thủ tục công dân tham gia dự thính tại Kỳ họp Quốc hội.

Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua cử tri rất quan tâm đến hoạt động của Quốc hội. Vì vậy, việc sửa đổi là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu, tình hình mới. Tại dự thảo Nghị quyết này có 31 nhóm vấn đề mới được đại biểu Quốc hội quan tâm, như cách thức tiến hành kỳ họp, tổ chức liên tục, tổ chức thành 2 hay nhiều đợt; trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội, quy định về vắng mặt tại kỳ họp; chương trình kỳ họp, nội dung thảo luận tại tổ, tại đoàn; quy trình xử lý nếu đại biểu nhận được thông tin xấu độc…

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 1 - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy đánh giá cao ban soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến góp ý tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Đại biểu đề nghị nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia, theo đó bên cạnh quy định cứng số liệu kỳ họp, có thể tổ chức kỳ họp thành các đợt nhằm tạo điều kiện cho cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Liên quan đến quy định này, một số đại biểu đề nghị không nên chỉ quy định hình thức kỳ họp trực tuyến kết hợp trực tiếp mà cần linh hoạt các hình thức tổ chức kỳ họp.

Về kỳ họp bất thường quy định tại khoản 2, Điều 1 quy định: “Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu, Quốc hội họp bất thường để thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, trừ nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật”. Có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “trừ nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật”. Đại biểu lý giải, có những nội dung định kỳ nhưng ở từng thời điểm khác nhau lại cần thiết và cần trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong kỳ họp bất thường để đáp ứng yêu cầu thực tế đất nước.

Góp ý về cách thức thông báo vắng mặt, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho rằng cần quy định cụ thể hơn về quy trình để đại biểu thực hiện quy củ, nhưng cũng cần có quy định linh hoạt trong trường hợp đại biểu vắng mặt với lý do đột xuất.

Về thủ tục thẩm tra Tờ trình của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 46, có ý kiến cho rằng, yêu cầu về thủ tục phê chuẩn đề nghị về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội đòi hỏi phải rất nhanh chóng, khẩn trương nên cần căn cứ thực tiễn để quy định quy trình này một cách phù hợp hơn theo hướng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội, không nên giao Ủy ban Tư pháp thẩm tra.

Đại biểu Tạ Đình Thi, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội góp ý về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

Mặc dù trong dự thảo Nghị quyết có quy định công dân tham gia dự thính các kỳ họp Quốc hội, tuy nhiên đại biểu Tạ Đình Thi, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cần quy định trình tự, thủ tục rõ ràng hơn để tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, có ý kiến quy định cụ thể để phần tranh luận của đại biểu Quốc hội đúng với tính chất tranh luận, tránh tình trạng sử dụng quyền tranh luận để phát biểu, khiến chất lượng tranh luận không được nâng cao.

Ngoài ra, các nội dung liên quan đến việc nêu tên cơ quan, đơn vị chậm gửi tài liệu, văn bản đến đại biểu Quốc hội, thời gian phát biểu tại phiên họp toàn thể tại hội trường và vai trò điều hành của chủ tọa phiên họp cũng được đại biểu Quốc hội cho ý kiến.

Thực hiện đúng quy định của pháp luật về tài liệu mật gửi đại biểu Quốc hội?

Cơ bản nhất trí với quy định về tài liệu kỳ họp, đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng số lượng tài liệu gửi đại biểu Quốc hội tham khảo, nghiên cứu thuộc danh mục tài liệu mật khá nhiều nhưng không phải nội dung văn bản nào cũng mang tính mật. Hơn nữa, việc thu hồi tài liệu mật ngay sau kỳ họp cũng khiến việc đánh giá, đối chiếu, so sánh giữa các kỳ họp khó khăn hơn.

Một số đại biểu đề nghị cần xác định rõ phạm vi tài liệu mật, cần thực hiện đúng quy định của pháp luật về tài liệu mật, làm rõ số liệu mật, số liệu nào không thuộc danh mục tài liệu mật. Nếu đóng dấu mật lên toàn bộ văn bản sẽ gây khó cho đại biểu dẫn chiếu, phát biểu, nếu không cẩn thận có thể vi phạm quy định của pháp luật.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu vấn đề liệu có tình trạng lạm dụng đóng dấu mật trong các tài liệu gửi đại biểu Quốc hội hay không? Đại biểu ví dụ báo cáo về thu chi ngân sách, chỉ có số liệu về quốc phòng và dự trữ quốc gia là thuộc danh mục tài liệu mật, còn tất cả số liệu khác phải công bố công khai theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Đại biểu băn khoăn liệu có vi phạm quy định của pháp luật nếu đóng dấu mật lên toàn bộ tài liệu, nên chăng chỉ đóng dấu mật đối với những trang có số liệu, tài liệu mật.

Cũng tại phiên thảo tổ, nhiều ý kiến góp ý vào dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 1 - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

 Đại biểu Tạ Đình Thi, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cần quy định trình tự, thủ tục rõ ràng hơn để tạo thuận lợi cho công dân tham gia dự thính kỳ họp Quốc hội.

Các đại biểu tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Đại biểu Hoàng Văn Cường đặt câu hỏi liệu có tình trạng lạm dụng đóng dấu mật trong các tài liệu gửi đại biểu Quốc hội hay không?

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy đánh giá cao ban soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến góp ý tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội điều hành phiên họp tổ.

Lan Hương -Trọng Quỳnh