THẢO LUẬN TẠI TỔ 15: CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ HƠN CÁC NỘI DUNG DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI)

24/10/2022

Chiều ngày 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Các ý kiến đại biểu cho rằng, nhiều nội dung của dự thảo Luật vẫn còn mang tính định tính, cần phải quy định cụ thể, rõ ràng hơn.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 15: “PHẤN KHỞI” NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC “CHỦ QUAN”

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 15 gồm các đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) có bố cục gồm 4 Chương, 65 Điều quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền; việc phòng, chống hành vi rửa tiền của các tổ chức, cá nhân có mục đích tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Các đại biểu tại phiên họp

Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ,  nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia; góp phần đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…; cho rằng hồ sơ dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bố cục của dự thảo Luật tương đối rõ ràng và thể hiện toàn diện nội dung, tuy nhiên đề nghị tiếp tục rà soát, luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn thời gian qua; hoàn thiện đồng bộ dự thảo các văn bản hướng dẫn, bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật sau khi được ban hành.

Góp ý về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), các đại biểu nhấn mạnh tính chất của hoạt động rửa tiền rất đặc thù. Vì vậy, việc xây dựng các quy định về phòng ngừa có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng. Trong quá trình thiết kế luật, chúng ta cần quy định để phòng ngừa chính, như vậy là đã ngăn chặn các hành vi rửa tiền và giảm tối đa các khả năng, các hành vi vi phạm có thể xảy ra. Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần tập trung quy định đầy đủ các nội dung để phòng ngừa hoạt động rửa tiền với những quy định rõ ràng, chặt chẽ, không tạo ra kẽ hở nhưng không tạo ra sự lạm dụng trong quá trình thực thi.

Đại biểu Quốc hội Trần Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Liên quan đến quy định về trì hoãn giao dịch tại Điều 44, đại biểu Quốc hội Trần Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, Ban soạn thảo cần phải làm rõ cơ sở hợp lý để nghi ngờ và trì hoãn giao dịch, nếu không sẽ mang cảm tính và rất dễ bị lạm dụng. Tốt nhất nên quy định cụ thể ngay trong dự thảo luật để bảo đảm không hạn chế quyền con người và đồng thời phù hợp với Hiến pháp 2013.  

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần có những quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, trách nhiệm, điều kiện trì hoãn giao dịch, phong tỏa tài khoản, niêm phong và phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo minh bạch, rõ ràng và tránh lạm quyền.

Liên quan đến nội dung về báo cáo giao dịch đáng ngờ, các đại biểu cho rằng, trên thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế, dự thảo Luật nên có những quy định mô tả và xác minh rõ hành vi có dấu hiệu bất thường. Cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật còn mang tính định tính quá nhiều, các đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần phải làm rõ như thế nào thì sẽ coi là “bất thường”, chúng ta phải có tiêu chí để xác định.

Đề cập đến vấn đề liên quan đến tiền điện tử, đại biểu Quốc hội Trần Tuấn Anh nêu rõ, đây là khái niệm chưa có trong các quy định pháp luật của chúng ta. Nhưng thực tế, trong hoạt động thực tế của kinh tế thế giới, rất nhiều quốc gia đã nhìn nhận và công nhận vai trò của tiền điện tử và thậm chí có cả những quy định cụ thể của pháp luật để điều chỉnh và đảm bảo cái vai trò của đồng tiền điện tử. Tuy nhiên đây là khái niệm rất mới, do vậy dự thảo Luật cần phải định nghĩa và quy định thật cụ thể về nội dung này.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cũng cần nghiên cứu để quy định một số nội dung có liên quan đến tiền điện tử theo hướng kiểm soát được hành vi rửa tiền từ các đối tượng có yếu tố nước ngoài, nhất là đối với những quốc gia, vùng lãnh thổ, quản lý kinh tế đã  có công nhận pháp lý với tiền điện tử, tuy nhiên cũng cần dựa trên cơ sở căn cứ pháp luật trong nước để đảm bảo cái tính khả thi và tương thích.

Ngoài ra, về công tác phòng, chống rửa tiền, các đại biểu Quốc hội cho rằng, chúng ta đang hội nhập sâu rộng với các hoạt động giao dịch xuyên biên giới, dự thảo luật nên rà soát, bổ sung để chặt chẽ hơn về kết nối giữa các cơ sở dữ liệu để đảm bảo sự chia sẻ, phục vụ mục đích xác minh thông tin.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tại Tổ

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là một dự án Luật rất quan trọng, cần thiết và cấp bách. Trên cơ sở nền tảng của Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 và những yêu cầu mới của thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ cũng đã trình Ủy ban Thường vụ quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội (Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật) cũng đã góp ý cho dự án Luật này, cơ bản đã có tiếp thu, chỉnh sửa. Trên cơ sở những ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ hôm nay và những phiên thảo luận về dự án Luật này trong những lần tiếp theo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ để tiếp thu một cách hợp lý, có những quy định cụ thể hóa hơn.

Một số hình ảnh tại phiên họp: 

Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012

Các đại biểu cho rằng, hồ sơ dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Góp ý về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), các đại biểu nhấn mạnh tính chất của hoạt động rửa tiền rất đặc thù. Vì vậy, việc xây dựng các quy định về phòng ngừa có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng

Các đại biểu tại Tổ 15

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là một dự án Luật rất quan trọng, cần thiết và cấp bách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ để tiếp thu một cách hợp lý, có những quy định cụ thể hóa hơn

Thu Phương- Nghĩa Đức