KỲ VỌNG TRIỂN KHAI NHANH NHỮNG GIẢI PHÁP ĐÃ NÊU TẠI PHIÊN CHẤT VẤN

04/11/2022

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn về các lĩnh vực thông tin và truyền thông, nội vụ đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trực diện, trách nhiệm. Chia sẻ sau phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao phần trả lời của các Bộ trưởng, đồng thời hy vọng các giải pháp đã nêu sẽ được triển khai thực hiện khẩn trương, nhanh chóng, sớm tạo hiệu quả trong thực tế.

TỔNG THUẬT CHIỀU 04/11: CÁC THÀNH VIÊN CHÍNH PHỦ TIẾP TỤC TRẢ LỜI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ VỀ THÔNG TIN, TRUYỀN THÔNG VÀ QUỐC HỘI TIẾN HÀNH CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THỨ 3 – LĨNH VỰC NỘI VỤ

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đang diễn ra sôi nổi, hấp dẫn với những phần hỏi – đáp sắc sảo, thẳng thắn, được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Ngày 04/11, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về những vấn đề quan trọng, cấp thiết thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của hai Bộ.

Cụ thể, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Tư lệnh ngành thông tin và truyền thông về vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số; Công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia. Việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.

Quang cảnh phiên chất vấn

Chiều 04/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã đăng đàn để giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức. Việc ban hành các văn bản thực hiện quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức. Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá, xử lý vi phạm.

Các đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm rõ nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực, vị trí địa bàn đông dân cư, chịu nhiều áp lực công việc (như viên chức y tế…). Việc bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy - học. Giải pháp giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố (về số lượng người làm việc, về chế độ, chính sách…), nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp.

Đánh giá tổng thể về phiên chất vấn, đại biểu Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, dù thời gian cho mỗi lượt chất vấn là rất ngắn, nhưng các đại biểu Quốc hội đã chất vấn rất rõ ràng, cụ thể để cho các Bộ trưởng và những người trả lời chất vấn có thể dễ dàng theo dõi và trả lời được các câu hỏi của đại biểu. Các đại biểu Quốc hội cũng đã tích cực tranh luận, yêu cầu bổ sung thông tin làm rõ thêm vấn đề, bổ sung góc nhìn mới, tư duy mới, góp ý vào những giải pháp của các Bộ trưởng, do vậy, không khí nghị trường trong các phiên chất vấn khá sôi nổi, thẳng thắn, trực diện, trách nhiệm.

Trao đổi bên hành lang Hội trường Diên Hồng sau buổi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ ấn tượng với phần tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng để làm rõ giải pháp liên quan tới vấn đề phòng, chống một cách hiệu quả nhất thông tin xấu độc ở trên mạng. Đại biểu nhấn mạnh, sự tồn tại, lan truyền của thông tin xấu độc có thể ảnh hưởng rất lớn tới đời sống xã hội, vì vậy, việc phòng, chống thông tin xấu độc là điều cần tăng cường thực hiện một cách mạnh mẽ và quyết liệt trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho biết, trong thời gian qua, ngành thông tin và truyền thông nổi lên một số vấn đề đáng chú ý như vấn đề báo hóa mạng xã hội, vấn nạn lừa đảo qua mạng, hoặc những luồng thông tin tiêu cực lan truyền trên mạng làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị. Theo đai biểu, thời gian để phát hiện, xử lý, gỡ xóa thông tin xấu độc vẫn còn quá dài, chưa kịp thời ngăn chặn, trong khi trên không gian mạng, tốc độ lan truyền quá lớn, phạm vi lan truyền rộng.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra giải pháp về xử lý thông tin xấu độc, và thời gian qua Bộ cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để xử lý, tuy nhiên vẫn chưa thể giải quyết được triệt để vấn đề khó khăn này. Đại biểu hy vọng Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để thời gian tới xử lý nhanh hơn các nguồn tin xấu độc lan truyền trên môi trường mạng.

Quan tâm đến vấn đề phát triển nền tảng công nghệ số, đại biểu Nguyễn Công Hoàng - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho biết, hiện nay nền tảng công nghệ số, công nghệ thông tin trong môi trường số, môi trường thông tin đang có sự phát triển bùng nổ, nên tại phiên chất vấn, các ý kiến của các Đại biểu về nội dung này tương đối nhiều. Đại biểu tin tưởng rằng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã nắm bắt được ý kiến, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội để có nhiều nội dung, phương hướng triển khai công việc tích cực trong thời gian tới.

Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Chia sẻ về nội dung chất vấn liên quan đến lĩnh vực nội vụ, đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, qua những trao đổi tại phiên chất vấn, trong thời gian tới sẽ có một số việc cần phải làm ngay, đó là Bộ Nội vụ cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan, tham mưu với Chính phủ để sửa đổi Nghị định 34/2019/NĐ-CP sửa đổi quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố cùng những văn bản quy phạm pháp luật khác còn có vướng mắc, bất cập.

Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Lý Anh Thư - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, những giải pháp mà Bộ trưởng nêu ra rất cụ thể, rõ ràng. Đại biểu mong rằng thời gian tới, Nghị định 34/2019/NĐ-CP sửa đổi quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố sẽ sớm được sửa đổi, để cán bộ công chức yên tâm công tác, yên tâm nhất là cán bộ ở cấp xã cấp huyện.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã đề xuất nhiều giải pháp cho các vấn đề liên quan đến tiền lương cán bộ công chức, cải thiện môi trường làm việc ở khu vực công, đảm bảo cán bộ công nhân viên chức làm việc trong môi trường giúp phát huy hết sự sáng tạo, năng lực và trình độ của mình.

Theo đại biểu, để giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong vấn đề này, đại biểu cho rằng cần thực hiện một cách đồng bộ, ngoài cải thiện môi trường làm việc cần có cách thức tuyển dụng, bồi dưỡng, thi đua khen thưởng, cải tiến chế độ tiền lương để cán bộ, công chức, viên chức thấy rằng làm việc trong khu vực công xứng đáng với những gì mà họ cống hiến.

Minh Hùng