THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP TỪNG BƯỚC KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NGHỈ VIỆC

04/11/2022

Theo số liệu Bộ Nội vụ công bố, trong 2,5 năm qua có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc. Thực trạng này có xu hướng ngày càng tăng, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, đòi hỏi cần có giải pháp đồng bộ để từng bước khắc phục.

KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV: CHẤT VẤN 04 NHÓM VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Nội vụ

Gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc

Theo Bộ Nội vụ, từ đầu năm 2020 đến hết tháng 6/2022, số lượng cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao. Trong đó, tỷ lệ CBCCVC ở địa phương nghỉ việc lớn hơn ở bộ, ngành và tỷ lệ nghỉ việc, thôi việc của viên chức chiếm tỷ lệ lớn (89,8%), tập trung ở hai lĩnh vực giáo dục và y tế. Cụ thể, sự nghiệp giáo dục và đào tạo có 16.427 người, chiếm 41,53%. Sự nghiệp y tế có 12.198 người, chiếm tỷ lệ 30,84%.

Trăn trở trước thực trạng trên, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã có Phiếu chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc trong gần 3 năm trở lại đây nhất là ở lĩnh vực y tế, giáo dục. Theo đại biểu, thực trạng này ngày càng tăng và là hồi chuông cảnh báo về vấn đề cần sớm thực hiện chính sách cải cách tiền lương trong hệ thống cơ quan nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Tạo cũng cho rằng, thực trạng cho thấy hàng loạt cán bộ y tế, giáo dục công lập có năng lực, trình độ cao chuyển dịch sang khối tư nhân hoặc tự mở cơ sở riêng, đây là dấu hiệu đang có dòng chảy mạnh trong cán bộ, công chức, viên chức nhà nước ra bên ngoài, mà nguyên nhân bắt đầu từ sự dịch chuyển kinh tế giữa môi trường công - tư, chế độ chính sách, tiền lương hệ công lập chưa theo kịp mặt bằng đời sống.

Bên cạnh đó cũng có những nguyên nhân từ áp lực công việc ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương nhất là trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát.

"Vì nhiều các nguyên nhân khách quan, nhất là tác động của dịch bệnh COVID-19 đã khiến cho lộ trình cải cách tiền lương bị chậm lại, tuy nhiên đây là vấn đề cần phải nguyên cứu, đánh giá thận trọng và sớm thực hiện; trong điều kiện chưa thể cải cách căn bản tiền lương được, thì nên chăng Chính phủ sớm trình Quốc hội phương án điều chỉnh, tăng lương cơ sở để phần nào thu nhập của cán bộ, công chức, người lao động theo kịp mặt bằng chung của đời sống thực tế", đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Trả lời chất vấn của đại biểu, tại Công văn số 992/TTg-KTTH ngày 28/10/2022, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Thời gian vừa qua, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc và chuyển từ khu vực công sang khu vực tư ngày càng tăng, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân chế độ, chính sách tiền lương đối với khu vực công (bao gồm cả viên chức các ngành y tế, giáo dục) còn nhiều khó khăn so với nhu cầu cần thiết của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động như ý kiến Đại biểu nêu.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương kịp thời nắm bắt, tổng hợp tình hình, thực hiện đồng bộ các giải pháp để từng bước khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc, cụ thể: Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình; Định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức; Có cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ có năng lực vào vị trí lãnh đạo, quản lý; đẩy mạnh việc thi tuyển lãnh đạo quản lý;..

Ngoài ra, khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức tham gia học tập, nâng cao trình độ, năng lực ở trong nước và ngoài nước; xây dựng môi trường làm việc công bằng, dân chủ, thân thiện, đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại, có điều kiện để thể hiện năng lực…

Hoàn thiện các nội dung cụ thể của chính sách tiền lương mới

Đối với việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương, từ năm 2020 đến nay, do tác động bất lợi của nhiều yếu tố, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh COVID-19, việc chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tổng thể cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII cần được xem xét, tính toán thận trọng và có lộ trình phù hợp để bảo đảm kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời cải thiện từng bước đời sống của người hưởng lương trong khu vực công.

Tại Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII, Ban cán sự đảng Chính phủ đã báo cáo Trung ương phương án điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng (tăng 20,8%) để tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong năm 2023 (trong đó có viên chức ngành giáo dục và y tế) và điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công cho phù hợp với mức tăng lương cơ sở.

Thực hiện Kết luận của Trung ương, Chính phủ đã hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư (Quốc hội khóa XV) việc điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công; đồng thời, chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung cụ thể của chính sách tiền lương mới, bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định vào thời điểm phù hợp; chỉ đạo các Bộ, cơ quan triển khai thực hiện Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng, y tế cơ sở./.

Lê Anh