ĐBQH NGUYỄN TRƯỜNG GIANG: RÀ SOÁT MỘT CÁCH HỢP LÝ VIỆC SẮP XẾP, CHUYỂN ĐỔI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

04/11/2022

Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cần rà soát một cách hợp lý việc sắp xếp, chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập thành các công ty cổ phần. Theo đó, phải ban hành đầy đủ quy hoạch, bộ tiêu chí xác định đơn vị sự nghiệp công lập và để từ đó có sự đầu tư từ phía Nhà nước một cách hợp lý nhất.

CÁC THÀNH VIÊN CHÍNH PHỦ TIẾP TỤC TRẢ LỜI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ VỀ THÔNG TIN, TRUYỀN THÔNG VÀ QUỐC HỘI TIẾN HÀNH CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THỨ 3 – LĨNH VỰC NỘI VỤ

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CÁC LĨNH VỰC, VẤN ĐỀ ĐƯỢC LỰA CHỌN CHẤT VẤN ĐỀU ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA NHÂN DÂN

Theo chương trình kỳ họp thứ 4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà là một trong 04 Tư lệnh ngành đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Những nội dung nhận được sự quan tâm của của các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn phải kể đến việc sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Đây cũng là những nội dung luôn được Nhân dân và cử tri cả nước đặc biệt quan tâm theo dõi tại mỗi kỳ họp Quốc hội.


Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Quan tâm về nội dung cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu Nguyễn Trường Giang- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nêu quan điểm: Cần rà soát một cách hợp lý nhất việc sắp xếp, chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập thành các công ty cổ phần theo đúng chủ trương của Đảng cũng như Nghị quyết 56 đặt ra. Theo đó, phải ban hành đầy đủ quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập và bộ tiêu chí xác định để từ đó có sự đầu tư từ phía Nhà nước một cách hợp lý nhất.

Phóng viên: Theo báo cáo của Bộ Nội vụ gửi đến Quốc hội trước phiên chất vấn, tính đến ngày 30/9/2022, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương thì cũng đã cắt giảm được rất nhiều  đơn vị hành chính. Đơn cử như chúng ta giảm được 17 Tổng cục và các tổ chức tương đương. Con địa phương cũng giảm được 7 Sở và hơn 2.100 phòng. Đại biểu đánh giá như thế nào về việc tổ chức, sắp xếp này?

ĐBQH Nguyễn Trường Giang- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Trước tiên, đây là một sự triển khai rất quyết liệt của Chính phủ trong việc thực hiện chủ trương của Đảng được đề ra trong Nghị quyết 18, 19 và Nghị quyết số 56 của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước. Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 101 để sửa đổi Nghị định 123 năm 2016, trong đó đề ra các tiêu chí về việc thành lập Tổng cục, Cục, phòng cũng như là định hướng chung về thu gọn đầu mối bên trong các Bộ. Triển khai quy định tại Nghị định số 101, thời gian qua, tôi đánh giá rất cao Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ trong việc rà soát cơ cấu tổ chức bên trong của các Bộ để từ đó tinh giản một cách hợp lý nhất và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong Bộ cũng như ở chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong thời gian tới đây, vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội cũng như cử tri là nội dung liên quan đến hiệu lực, hiệu quả cũng như thu gọn đầu mối tổ chức bên trong của các Bộ cũng như chính quyền địa phương để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước. Đây là một chủ đề được kỳ vọng Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ có câu trả lời một cách thỏa đáng nhất. Tôi nói đơn cử như hiện nay tuy có sự rà soát nhưng cũng có rất nhiều tranh luận về các tiêu chí như thế nào thì được thành lập Tổng cục, một số Bộ thì cũng có rất nhiều sự tranh luận xem được nhập Cục này với Cục kia. Tôi đơn cử như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện nay có 4 Cục gồm: Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật.


Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.

Có ý kiến cho rằng, Cục Chăn nuôi nên nhập với Cục Thú y, Cục Trồng trọt nhập với Cục Bảo vệ thực vật. Tất nhiên, một số ý kiến như vậy nhưng các Bộ phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để tham mưu cho Chính phủ ban hành các nghị định, quy định về cơ cấu tổ chức bên trong của các Bộ. Đây là kết quả bước đầu trong việc thực hiện chủ trương của Đảng cũng như nghị quyết của Quốc hội về việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các Bộ cũng như chính quyền địa phương. Trong thời gian tới, chúng ta vẫn cần tiếp tục tiến hành rà soát và cũng còn nhiều việc phải làm thì hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước mới được nâng cao.

Phóng viên: Trong thời gian vừa qua, có nhiều chính sách, nghị quyết về sắp xếp, tổ chức bộ máy, trong đó có đề cập về sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Việc này đã được triển khai như thế nào trong thời gian qua, thưa đại biểu?

ĐBQH Nguyễn Trường Giang- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Theo Báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2015-2021, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập đã giảm được hơn 13%. Kết quả này đã đạt được mục tiêu của giai đoạn và xem xét số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập hiện tại, tôi thấy vẫn còn nhiều điểm cần phải tiếp tục rà soát, sắp xếp. Đặc biệt là việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập thành các công ty cổ phần. Để sắp xếp được đơn vị sự nghiệp công lập cũng như việc tự chủ của đơn vị này, một trong những vấn đề rất quan trọng là chúng ta phải ban hành được quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thiết yếu cũng như các Bộ phải ban hành được các tiêu chí về việc thành lập, sáp nhập, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trước Quốc hội và Báo cáo của đoàn giám sát, mới có 3/15 Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như chỉ có 5/15 Bộ ban hành Thông tư về các tiêu chí thành lập, giải thể, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, với việc ban hành bộ tiêu chí như vậy, chúng ta cũng phải ban hành định mức kinh tế kỹ thuật theo từng lĩnh vực để từ đó mới sắp xếp và khuyến khích được các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ.


Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Liên quan đến vấn đề sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục, nhiều đại biểu đề cập, chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Để giải quyết thực trạng này, chúng ta phải có một bộ tiêu chí định mức học sinh/lớp cũng như có sự sửa đổi sát với thực tế gắn với từng địa phương, địa bàn cụ thể. Ví dụ như các thành phố thì chúng ta hoàn toàn có thể xã hội hóa được lĩnh vực giáo dục và y tế nhưng ở vùng sâu, vùng xa rất khó thực hiện được. Vì vậy, vấn đề đặt ra là ở các thành phố lớn phải có một chính sách phù hợp để khuyến khích xã hội hóa và tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm chuyển đổi mô hình một cách hợp lý nhất.

Hiện nay, có khoảng 1,3 triệu người và hơn 200.000 viên chức ở lĩnh vực y tế và giáo dục. Đây là hai lĩnh vực chiếm lượng lớn biên chế trên tổng số 2,3 triệu viên chức. Nếu chúng ta xử lý được một cách hợp lý nhất về các định mức kinh tế kỹ thuật cũng như quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập và có hướng dẫn cụ thể trong lĩnh vực giáo dục, y tế thì về cơ bản việc gần 90% số lượng viên chức cũng như số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ được sắp xếp thành công.

Một vấn đề nữa đặt ra trong giai đoạn tới là chúng ta có tiếp tục giảm các đơn vị sự nghiệp công lập hay không? Đây là một câu hỏi mà cũng rất nhiều đại biểu trăn trở. Qua báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ với Đoàn giám sát về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hiện nay các cơ quan ở Trung ương đang quản lý khoảng hơn 1.000 đơn vị sự nghiệp công lập.


Các đại biểu Quốc hội tham dự Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập nhiều hơn gấp 3 lần cơ cấu bên trong của Bộ. Đơn cử như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2015 có 114 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ nhưng đến năm 2021 giảm còn 104. Vì vậy, chúng ta cũng cần rà soát một cách hợp lý nhất việc sắp xếp, chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập thành các công ty cổ phần theo đúng chủ trương của Đảng cũng như Nghị quyết 56 đặt ra. Tôi cho rằng phải ban hành đầy đủ quy hoạch, bộ tiêu chí xác định mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập để từ đó có sự đầu tư từ phía Nhà nước một cách hợp lý nhất.

Phóng viên: Chúng ta đã có những chính sách pháp luật, quy định, nghị định để có thể triển khai tốt hơn nữa hoạt động sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng thừa nhận rằng, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn có những điểm nghẽn nhất định, đặc biệt là đối với những ngành đặc thù như giáo dục và y tế. Vậy làm thế nào để chúng ta tháo gỡ những điểm nghẽn này trong thời gian tới, thưa đại biểu?

ĐBQH Nguyễn Trường Giang- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Hiện nay, nhiều nơi vẫn còn đang thực hiện giao ngân sách Nhà nước trên biên chế nhân sự được giao mà chưa căn cứ vào kết quả “đầu ra” (chất lượng và hiệu quả của nhân sự, công việc). Vì vậy, một trong những điểm cốt yếu là phải ban hành được các định mức kinh tế kỹ thuật, giao ngân sách trên kết quả “đầu ra”. Theo đó, trong thời gian tới, chúng ta cần có sự tổng kết, nghiên cứu một cách thấu đáo để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi bộ tiêu chí khi sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan - Hà Lan