ĐBQH ĐỖ THỊ VIỆT HÀ: NHIỀU QUY ĐỊNH TRONG DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI) CHƯA RÕ RÀNG, MINH BẠCH

04/11/2022

Cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nhận thấy dự thảo luật còn một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa để bảo đảm phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhất là về một số nguyên tắc khi soạn thảo, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính phù hợp, thống nhất khả thi của luật này trong hệ thống pháp luật hiện hành.

TỔNG THUẬT SÁNG 01/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI)

Rà soát kỹ lưỡng, toàn diện, thận trọng các nội dung tại dự thảo luật với các luật hiện hành.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị tiếp tục rà soát thật kỹ lưỡng, đầy đủ, toàn diện, thận trọng các nội dung tại dự thảo luật với các bộ luật hiện hành như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Công chứng, Luật Luật sư… và cả dự thảo Luật Giao dịch điện tử đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, để bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất, khả thi của luật trong hệ thống pháp luật. Đó cũng là một trong những nguyên tắc trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định rất rõ tại khoản 1 Điều 5 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang góp ý vào dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Nghiên cứu báo cáo về rà soát văn bản quy phạm pháp luật và cam kết quốc tế có liên quan đến dự án luật này của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong hồ sơ dự án luật, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng, báo cáo chủ yếu liệt kê tên, nội dung các điều luật có liên quan mà chưa thực sự tập trung phân tích, đánh giá về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi giữa các quy định trong dự thảo luật với các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Theo đại biểu, vẫn còn một số quy định trong dự thảo luật cần phải được tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi. Đơn cử như các quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập dữ liệu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng hoặc thông qua thuê tổ chức khác bên thứ 3, lưu trữ thông tin tại Luật An ninh mạng, cũng như dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đang được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp này. Hay định nghĩa tài sản của dự thảo có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau so với khái niệm tại Bộ luật Dân sự năm 2015.

Cụ thể, khoản 3 Điều 3 của dự thảo luật quy định: tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất, động sản hoặc bất động sản, hữu hình hoặc vô hình, các chứng từ hoặc công cụ pháp lý để chứng minh quyền sở hữu hoặc là lợi ích đối với tài sản đó. Tuy nhiên, theo Điều 105 của Bộ luật Dân sự hiện hành quy định tài sản là vật, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Như vậy, định nghĩa về tài sản theo quy định của dự thảo luật và tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành là khác nhau và rất có thể dẫn đến những cách hiểu khác nhau, không có sự thống nhất trong quá trình áp dụng.

Bên cạnh đó, tại Điều 30 của dự thảo luật quy định về dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ có nội dung chưa phù hợp với quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành.

Còn nhiều quy định trong dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) chưa rõ ràng, minh bạch.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cũng dẫn chứng nhiều nội dung quy định chưa rõ ràng, chưa minh bạch, còn mang nặng tính định tính. Điều này có thể dẫn đến tình trạng quy định của luật sẽ được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, lúng túng, không thống nhất trong quá trình áp dụng và thiếu tính khả thi trong thực tiễn thi hành.

Đại biểu nhấn mạnh, tại khoản 3 Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đó là phải bảo đảm tính minh bạch trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật.

Khoản 1 Điều 8 của luật cũng quy định rất rõ ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, phải diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu, tuy nhiên trong dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) còn khá nhiều quy định chưa bảo đảm quy định nêu trên.

Đại biểu lấy ví dụ quy định về các dấu hiệu đáng ngờ, cơ bản và trong từng lĩnh vực cụ thể từ Điều 27 đến Điều 33 dự thảo luật. Theo quy định của dự thảo, khối lượng báo cáo là tương đối lớn, trong khi các điều này quy định về dấu hiệu đáng ngờ theo các lĩnh vực cụ thể như ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, trò chơi có thưởng, bất động sản, chuyển tiền điện tử.

Đại biểu khẳng định, đây là những lĩnh vực có khả năng cao xuất hiện các giao dịch đáng ngờ mà đối tượng phải báo cáo, tuy nhiên phần lớn các quy định về dấu hiệu đáng ngờ còn mang tính định tính, chưa thật sự rõ ràng, rất khó để xác định dấu hiệu đáng ngờ, như: khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại khoản 2 Điều 27; tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao hơn so với bình thường tại khoản 2 Điều 28; thông tin về nguồn gốc tài sản bảo đảm của khách hàng xin vay vốn không đầy đủ, không chính xác tại khoản 12 Điều 28; giá giao dịch giữa các bên không phù hợp với giá thị trường tại khoản 3 Điều 33. Bên cạnh đó, trong dự thảo luật còn những cụm từ chưa có định nghĩa, giải thích rõ ràng trong dự thảo luật, như "giao dịch phức tạp", "giao dịch có giá trị lớn" tại điểm a khoản 1 Điều 22.

Tại Điều 44 của dự thảo luật quy định về biện pháp trì hoãn giao dịch có quy định khi có cơ sở hợp lý để nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan đến giao dịch thuộc danh sách đen hoặc có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động tội phạm. Trong khi không có một quy định nào trong dự thảo luật làm rõ hay giải thích thế nào là "khi có cơ sở hợp lý để nghi ngờ" hay "có lý do để tin rằng".

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhấn mạnh, quy định như vậy có thể dẫn đến hạn chế quyền con người và chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cũng như khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013./.

Lan Hương