ẤN TƯỢNG PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN VỀ LĨNH VỰC NỘI VỤ

04/11/2022

Chiều 04/11, tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin truyền thông và nhóm vấn đề thuộc lĩnh vụ nội vụ.

ẤN TƯỢNG PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN LĨNH VỰC THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

ẤN TƯỢNG PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC XÂY DỰNG

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: “Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là dùng máy tính, dùng công nghệ thông tin như từ trước đến nay chúng ta vẫn hay nói nữa. Bây giờ đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau khẳng định chuyển đổi số là cần phải tiếp cận ở mức sẽ thay đổi toàn bộ tư duy, phương pháp, quy trình, mô hình quản lý nhà nước, quản trị xã hội, quản trị doanh nghiệp đến phát triển của tất cả các tổ chức, các doanh nghiệp và của từng người dân…Chúng ta xác định chuyển đổi số là 1 cơ hội đổi mới, cần sự quyết tâm rất lớn của người đứng đầu.

 

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: “Năng lực của nhiều tổ chức, cá nhân tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế. Cụ thể là còn thiếu kỹ năng phân tích, dự báo, thiếu tầm nhìn, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, nghiên cứu chính sách chưa sâu, chưa kĩ, chưa đánh giá hết các tác động của các chính sách ban hành, một số trường hợp còn thiếu trách nhiệm, nặng về lợi ích ngành, cơ quan, chưa quan tâm bố trí đủ công chức làm công tác pháp chế. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lãng phí tài sản công, gây bức xúc trong Nhân dân.”

 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Đến thời điểm này, các địa phương thu hút được sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ được khoảng gần 3 nghìn người. Thực tiễn rõ ràng còn quá ít ỏi. Thời gian tới, căn cứ vào chủ trương của Đảng, Bộ Nội vụ đang xây dựng Đề án chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài. Cùng với chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài sẽ có cơ chế, chính sách hấp dẫn hơn, tốt hơn. Cùng với thu hút, trọng dụng nhân tài thì việc khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là việc các đại biểu đang rất mong đợi.

 

Đại biểu Tao Văn Giót – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu: “Việc tinh giản biên chế 10% và kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua đã rất đáng ghi nhận. Tuy vậy, còn tình trạng tinh giản biên chế cơ học, cào bằng giữa các địa phương, đơn vị, lĩnh vực, dẫn đến thiếu cục bộ một số lĩnh vực, địa phương.

 

Đại biểu Thái Thị An Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An: “Việc sáp nhập xã, thôn trong giai đoạn vừa qua đã làm giảm số lượng lớn các thôn, xóm. Tuy nhiên, việc tăng quy mô dân số, diện tích tự nhiên, trong khi số lượng cán bộ thì giảm, do đó làm tăng khối lượng công việc cũng như làm tăng áp lực cho cán bộ không chuyên trách ở xã và thôn, nhưng chế độ phụ cấp thì vẫn thực hiện như trước khi sáp nhập.

 

Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị: “Việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 là chủ trương lớn, có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, Nhân dân các địa phương. Nhưng tổ chức thực hiện trong thời gian rất ngắn, chưa đánh giá tác động đầy đủ, chưa lường hết các tình huống phức tạp phát sinh. Một số địa phương chưa tạo được sự đồng thuận cao của người dân, cho đến nay còn rất nhiều khó khăn, bất cập chưa được giải quyết. Phải chăng, chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng cho công việc hệ trọng và phức tạp này?

 

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk: “Việc giao số lượng biên chế viên chức sự nghiệp của Bộ Nội vụ trong những năm qua đã làm cho nhiều địa phương không thể bố trí giáo viên theo đúng định mức vị trí việc làm được quy định tại thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông, mầm non công lập. Dẫn đến tình trạng nhiều điểm trường, điểm lớp ở vùng biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa, thiếu giáo viên, bố trí giáo viên không đúng việc làm. Riêng tỉnh Đắk Lắk năm 2022 thiếu khoảng 1.700 giáo viên và nhiều địa phương khác cũng gặp tình trạng tương tự như vậy.”

 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: “Thực tiễn đúng là có một số cơ quan đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhưng lại giao biên chế là biên chế viên chức. Việc này tồn tại từ rất lâu khi chưa có Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, lại chủ yếu rơi vào những đơn vị có khả năng tự chủ được. Có khoảng trên 7.700 biên chế đang là biên chế viên chức nhưng lại đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở cả trung ương và địa phương. Chính vì vậy, về vấn đề này sẽ xem xét thật kỹ lưỡng, đánh giá cụ thể thực chất người làm việc đến thời điểm này như thế nào, sau đó sẽ đề xuất để chuyển đổi biên chế từ viên chức, trả lại tên cho họ, đó là biên chế công chức.”

 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: “Trong những khâu cần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên là cần phải rà soát, sắp xếp lại một lần nữa mạng lưới các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông…Việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo trong 2 năm qua và đã thu được kết quả rất khả quan.Tuy nhiên cũng phải cần phải tiếp tục thực hiện, vì ở mỗi một tỉnh, mỗi một địa phương, việc rà soát, sắp xếp vẫn còn khác nhau. Trong quá trình rà soát, sắp xếp năm 2021, tiến hành sơ kết cho thấy là nhiều địa phương đã làm rất tốt, nhưng một số địa phương vẫn còn tình trạng sắp xếp một cách cũng tương đối cơ giới. Tinh thần là rà soát, sắp xếp nhưng cũng mong các địa phương trong quá trình rà soát, sắp xếp không máy móc, cứng nhắc và cũng không vì sắp xếp để giảm số điểm trường, trong đó vẫn phải lấy mục tiêu là các cháu có được điều kiện học tập tốt nhất, thuận tiện nhất và các giáo viên cũng đỡ vất vả nhất trong quá trình triển khai các công việc của mình.

Bảo Yến - Phạm Thắng