QUỐC HỘI CÓ NHỮNG ĐÓNG GÓP XỨNG ĐÁNG VÀO SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CHUNG

29/12/2020

Ngày 29/12, tại buổi gặp mặt các thế hệ ĐBQH nhân kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (06/1/1946-06/1/2021), Trưởng đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, 75 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 14 nhiệm kỳ hoạt động. Từ Quốc hội khóa I cho đến Quốc hội khóa XIV, dù ở mỗi thời điểm, hoàn cảnh lịch sử khác nhau nhưng từng nhiệm kỳ của Quốc hội đều có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp Cách mạng chung của đất nước, nhân dân.

 

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa phát biểu tại buổi gặp mặt

Cùng dự buổi gặp mặt có Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng và các thế hệ đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và thành phố Đà Nẵng; các đại biểu Quốc hội địa phương khác đang sinh sống tại Đà Nẵng.

Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt

Theo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa, cách đây 75 năm, ngày 6-1-1946 đã ghi vào lịch sử Việt Nam một mốc son chói lọi. Ngày mà toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, sắc tộc, giai cấp, đảng phái từ 18 tuổi trở lên đều tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội khóa I, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đầu tiên của chính quyền nhân dân.

Thành công tốt đẹp của cuộc bầu cử đã khẳng định về mặt pháp lý quyền làm chủ của nhân dân ta, từ địa vị nô lệ đứng lên giành độc lập, tự tổ chức ra Nhà nước của mình, Nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên với sự ra đời của bản Hiến pháp năm 1946, đã mở ra một trang sử mới cho đất nước ta có một hệ thống chính quyền thống nhất, chính danh về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại.

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa; Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chụp ảnh lưu niệm cùng các thế hệ Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và thành phố Đà Nẵng

Điểm qua chặng đường 75 năm hoạt động của Quốc hội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa cho biết, bản Hiến pháp đầu tiên (Hiến pháp 1946) của Quốc hội khóa I ra đời khi Quốc hội hoạt động trong điều kiện cả nước vừa phải hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, vừa thực hiện từng bước cải cách dân chủ, góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, làm chấn động địa cầu, đất nước bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.

Quốc hội các khóa II, III, IV, V được tổ chức theo Hiến pháp 1959, hoạt động trong thời kỳ “tất cả cho tiền tuyến” để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đã có những đóng góp to lớn vào việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, khôi phục kinh tế ở miền Bắc, tạo dựng một hậu phương vững chắc để đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội khóa 6, Quốc hội chung của cả nước. Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp mới, Hiến pháp 1980. Sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại này đã mở đầu cho bước phát triển mới trong quá trình đi lên Chủ nghĩa xã hội của nước ta. Quốc hội khóa VII, khóa VIII được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp 1980, góp phần quan trọng đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thăng trầm của lịch sử trong nước và quốc tế. Thành tựu nổi bật của Quốc hội khóa 8 là đã thông qua bản Hiến pháp 1992, Hiến pháp của thời kỳ đổi mới phù hợp với thực tế, đặc điểm, hoàn cảnh đất nước và xu thế tiến bộ của thời đại.

Quốc hội khóa IX, khóa X là Quốc hội của thời kỳ đổi mới, đã tiến hành sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 để tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn bộ máy Nhà nước. Quốc hội khóa 11 đã có những đổi mới quan trọng. Số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng lên và lần đầu tiên được quy định rõ trong Luật (25% trong tổng số đại biểu Quốc hội).

Quy trình xây dựng pháp luật cũng được đổi mới để nâng cao chất lượng các luật, vừa giảm thời gian thông qua tại kỳ họp. Hoạt động giám sát từng bước được cải tiến, đổi mới để tăng cường hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường các hoạt động mở rộng quan hệ với Quốc hội các nước, các tổ chức quốc tế vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Quốc hội khóa XII không ngừng tăng cường đổi mới về phương thức và nội dung hoạt động, hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, các cơ quan của Quốc hội. Quốc hội khóa XIII, lần đầu tiên cử tri cả nước với trách nhiệm của mình đã tích cực tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 trong cùng một ngày với quy mô lớn.

Thành tựu lớn nhất của Quốc hội khóa XIII là đã thông qua dự thảo Hiến pháp năm 2013. Quốc hội khóa 13 đánh dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên trong gần 70 năm hoạt động của mình, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; đồng thời cũng ghi dấu ấn với việc lần đầu tiên tất cả các thành viên Chính phủ, từ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đến các bộ trưởng, trưởng ngành đều đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Quốc hội khóa XIV với 494 đại biểu Quốc hội, trong đó, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách đạt tỷ lệ 34,91%, cao nhất trong các nhiệm kỳ Quốc hội. Quốc hội khóa XIV hoạt động khá toàn diện trên các lĩnh vực từ công tác giám sát; việc thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; đến hoạt động đối ngoại cũng như việc đổi mới phương thức hoạt động để thích nghi với điều kiện thay đổi, mà điển hình trong đó là tại kỳ họp thứ 9, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã tổ chức kỳ họp theo hình thức kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung để đáp ứng yêu cầu phòng, chống Covid-19.

Theo Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Trương Quang Nghĩa, trong thành tựu chung 75 năm qua của Quốc hội, có sự đóng góp to lớn của nhiều vị đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây và thành phố Đà Nẵng hiện nay.

“Nhìn lại 75 năm qua của Quốc hội Việt Nam, chúng ta vui mừng vì cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất hoạt động ngày càng có hiệu quả, được nhân dân, cử tri cả nước tín nhiệm và đồng tình ủng hộ. Những thành tích mà chúng ta đạt được thật đáng trân trọng và tự hào, song, nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề. Chính vì vậy, đòi hỏi hoạt động của Quốc hội nói chung, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố nói riêng cần phải tiếp tục đổi mới, cải tiến hơn nữa để hoàn thành ngày càng tốt hơn các chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước”, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa bày tỏ, với ý chí kiên cường và niềm tin sắt đá, chúng ta tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, khắc phục khó khăn, vượt qua mọi thử thách, phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ 22 Đảng bộ thành phố đề ra./.

(Theo Báo Đà Nẵng)