MỘT SỐ KHÓ KHĂN, BẤT CẬP TRONG HOẠT ĐỘNG PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS

24/08/2020

Trong Hồ sơ Dự án Luật trình tại phiên họp thẩm tra sơ bộ do Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, báo cáo đánh giá 9 năm thi hành Luật đã chỉ ra một số khó khăn, bất cập trong hoạt động phổ biến pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.

 

Toàn cảnh Phiên họp thẩm tra sơ bộ Dự án Luật

Đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, ngay sau Luật phòng, chống HIV/AIDS được ban hành, các cơ quan quản lý nhà nước về y tế các cấp đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn việc triển khai Luật Phòng, chống HIV/AIDS và các văn bản hướng dẫn.

Tại Trung ương, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị toàn ngành phổ biến, hướng dẫn nội dung và kế hoạch tổ chức thực hiện Luật và các văn bản có hướng dẫn Luật đến các đối tượng bao gồm: cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến y tế ở Trung ương và địa phương, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.

Tại địa phương, sau khi được Bộ Y tế phổ biến hướng dẫn cũng như trên cơ sở các hướng dẫn về phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh để ban hành hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các kế hoạch, chỉ thị triển khai Luật phòng, chống HIV HIV và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời đã tổ chức nhiều hội nghị phổ biến cho đối tượng là các cán bộ, nhân viên của ngành y tế cũng như các bộ, ngành có liên quan khác như công an, lao động - thương binh và xã hội, ... Bên cạnh đó, trên cơ sở kế hoạch triển khai Luật Phòng, chống HIV/AIDS của địa phương, các sở, ban, ngành cũng đã thực hiện việc phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS cho các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý.

Bên cạnh việc tổ chức các hội nghị phổ biến hoặc tập huấn văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS liên quan đến truyền thông và huy động cộng đồng cho các cán bộ, công chức, viên chức, hoạt động phổ biến, giáo dục các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS mới ban hành còn được thực hiện thông qua hình thức sao gửi văn bản.

Ngoài ra việc phổ biến pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS còn được thực hiện trên các kênh truyền thông đại chúng của tỉnh như Đài phát thanh, truyền hình và báo in của tỉnh. Một số tỉnh đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật phòng, chống HIV/AIDS, tọa đàm về Luật phòng, chống HIV/AIDS.

Theo cơ quan soạn thảo, qua khảo sát, cho thấy các đối tượng tham gia khảo sát đã được tiếp cận Luật và các văn bản hướng dẫn qua rất nhiều hình thức khác nhau. Trong đó hình thức hội nghị phổ biến pháp luật và qua đường hành chính do cấp trên gửi vẫn là hai hình thức phổ biến nhất. Đồng thời, qua cuộc khảo sát đã cho thấy hình thức “hội nghị phổ biến pháp luật” được đánh giá là hình thức hiệu quả nhất vì thông qua hội nghị các vướng mắc hay các nội dung chưa rõ được giải thích và hướng dẫn cụ thể thì việc triển khai thực hiện văn bản trong thực tế được diễn ra thuận tiện hơn.

Cơ quan soạn thảo cho biết, với việc triển khai tích cực của các cơ quan từ trung ương đến địa phương đối với Luật phòng, chống HIV/AIDS và các văn bản hướng dẫn Luật thì đạt được những kết quả tích cực, cụ thể 100% cán bộ được hỏi đều đánh giá công tác phổ biến pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS hiện nay đã được kịp thời và đầy đủ và 96% cán bộ được hỏi đã có thói quen áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS vào công việckhi thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ về phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, cán bộ theo tham khảo sát đã cho thấy mức độ hiểu biết pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS ở các mức độ khá, tốt là tương đối cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cơ quan soạn thảo cũng chỉ ra một số khó khăn, bất cập trong phổ biến pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS. Cụ thể:

Hiện nay, văn bản pháp luật được ban hành ngày càng nhiều, với nội dung đa dạng, phức tạp, điều chỉnh nhiều loại quan hệ của đời sống xã hội. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống HIV/AIDS ở nhiều nơi vẫn còn mang tính phong trào, chưa đi sâu vào những nội dung pháp luật mà người dân cần. Việc lựa chọn nội dung còn nặng về ý kiến chủ quan của cơ quan, tổ chức làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật mà chưa thực sự xuất phát từ nguyện vọng của người dân.

Hình thức triển khai pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS mặc dù đã được áp dụng khá đa dạng, phong phú, song nhìn chung hiệu quả còn chưa cao, có một số hình thức chưa phù hợp với đối tượng tuyên truyền, phổ biến và tình hình thực tiễn. Ngoài ra, hình thức triển khai văn bản liên quan đến truyền thông chủ yếu áp dụng đối với các văn bản có hình thức ban hành là luật, nghị định và quyết định của Thủ tướng Chính phủ còn các văn bản khác thì chỉ được sao gửi đến các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị trực thuộc Bộ chứ ít khi có không hướng dẫn triển khai cụ thể nên về đến các cơ quan, đơn vị trên, lãnh đạo lại gửi cho các bộ phận liên quan, còn các bộ phận khác lại không biết hoặc lãnh đạo cơ quan, đơn vị chỉ thông báo trong các buổi giao ban hàng tuần và hội nghị sơ kết, tổng kết 06 tháng, cuối năm nên hiệu quả không cao.

Trên cơ sở chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong phổ biến pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, đại diện cơ quan soạn thảo cho rằng cần thiết ban hành Luật phòng, chống HIV/AIDS để khắc phục những vướng mắc trên.

Kết luận một số nội dung tại phiên họp thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành sự cần thiết xây dựng dự án Luật, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật như Tờ trình để khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành. Đánh giá về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật, một số ý kiến của Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng dự thảo Luật cơ bản phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013, tuy nhiên, cần nghiên cứu, rà soát một số quy định trong dự thảo có liên quan đến quyền bảo vệ bí mật cá nhân, quyền con người… để có thể chỉnh lý phù hợp, đảm bảo tính hợp hiến của dự Luật./.

Hồ Hương