CÂN NHẮC, RÀ SOÁT KỸ VỀ ĐIỀU KIỆN CÔNG NHẬN LIỆT SĨ

24/08/2020

Thẩm tra Dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 47 của UBTVQH, đại diện cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục cân nhắc, rà soát kỹ về điều kiện công nhận liệt sĩ.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo thẩm tra

Báo cáo thẩm tra tại Phiên họp thứ 47 của UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Dự án Pháp lệnh cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, đã cụ thể hóa quy định tại Điều 59 của Hiến pháp năm 2013, đó là “Nhà nước, xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với nước” và về cơ bản bảo đảm sự thống nhất với quy định của các luật, pháp lệnh có liên quan.

Ủy ban thống nhất với giải trình của Chính phủ về việc chưa bổ sung quy định chế độ ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm/nhiễm chất độc hóa học trong dự án Pháp lệnh mà “tiếp tục thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với tất cả các cháu bị dị dạng, dị tật và đều được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.”, theo hướng “có thể áp dụng chính sách bảo trợ xã hội đặc thù, có mức hưởng cao hơn và được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn tại các cơ sở bảo trợ xã hội.”.

Ngoài ra, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo giải trình nguyên nhân của việc chưa thể chế hóa một số nội dung đã được nêu tại Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, đó là: nghiên cứu, thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng đang định cư ở nước ngoài; người tham gia kháng chiến trong giai đoạn 1974-1975 nhưng chưa đủ thời gian cấp Huy chương.

Đối với vấn đề về điều kiện công nhận liệt sĩ, ý kiến của cơ quan thẩm tra như sau:

Về trường hợp “Đặc biệt dũng cảm thực hiện các công việc đặc biệt nguy hiểm, cấp bách để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, Nhân dân; có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội” được quy định là điều kiện công nhận liệt sĩ.

Về vấn đề này Ủy ban có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với dự thảo Pháp lệnh, sửa đổi theo hướng quy định điều kiện chặt chẽ hơn, cụ thể: “Đặc biệt dũng cảm thực hiện các công việc đặc biệt nguy hiểm, cấp bách để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, Nhân dân; có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội.”. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị giữ như quy định hiện hành “Dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và Nhân dân”.

Đa số ý kiến Ủy ban tán thành loại ý kiến thứ nhất, vì cho rằng, việc bổ sung tính chất công việc, hiệu ứng của hành động và nâng mức độ dũng cảm, cứu người, cứu tài sản, sẽ đảm bảo điều kiện chặt chẽ hơn, xứng đáng hơn.

Toàn cảnh Phiên họp

Về một số trường hợp khác được xem xét công nhận là liệt sĩ, ngoài nội dung Chính phủ xin ý kiến nêu trên, Ủy ban có ý kiến về một số trường hợp khác được xem xét công nhận là liệt sĩ: Đề nghị giữ lại quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Pháp lệnh hiện hành trường hợp công nhận liệt sĩ khi làm nghĩa vụ quốc tế.

Đối với trường hợp “Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự” (khoản 9 Điều 14): Ủy ban đề nghị bỏ cụm từ “theo quy định của Bộ luật Hình sự” vì Bộ luật Hình sự không quy định các trường hợp này và thay từ “trong” bằng cụm từ “khi thực hiện nhiệm vụ”, cụ thể “Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm khi thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm”.

Đối với trường hợp “Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện hoặc diễn tập chiến đấu phục vụ quốc phòng an ninh có tính chất nguy hiểm” (khoản 6 Điều 14); “Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao” (khoản 8 Điều 14): Ủy ban đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định các trường hợp với điều kiện cụ thể trong dự án Pháp lệnh để phân biệt thuật ngữ “từ trần” và “liệt sĩ”, bảo đảm sự tôn vinh của Nhà nước và Nhân dân, đồng thời phòng ngừa việc lợi dụng chính sách.

Đối với trường hợp “Do ốm đau, tai nạn khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” (khoản 7 Điều 14): Ủy ban thấy rằng: việc công nhận liệt sĩ đối với các trường hợp này được thực hiện từ năm 1995 theo quy định tại Nghị định số 28/NĐ-CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng; Việc quy định này nhằm ghi nhận công lao và động viên lực lượng vũ trang công tác tại địa bàn đặc biệt khó khăn, gian khổ trong những năm trước đây. Đến nay các xã, huyện đặc biệt khó khăn tuy còn chưa phát triển bằng so với mặt bằng chung của cả nước nhưng được sự đầu tư của Nhà nước, cơ sở hạ tầng đã cơ bản đầy đủ, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi để động viên đối với người công tác tại địa bàn này và gần đây nhất Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2019/NĐ-CP về chính sách ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Từ các phân tích trên, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ cần đánh giá việc thực hiện quy định về một số trường hợp khác được xem xét công nhận là liệt sĩ trong những năm qua, xem xét tính công bằng với cán bộ, công chức, viên chức cùng công tác tại các địa bàn; tính công bằng ngay trong những người đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh để quy định phù hợp với thực tiễn hiện nay, tương xứng với các trường hợp công nhận liệt sĩ khác và tránh việc lợi dụng chính sách./.

Hồ Hương