THÚC ĐẨY HÀNH ĐỘNG CỦA CÁC QUỐC HỘI TRONG ỨNG PHÓ VỚI CÁC TÌNH HUỐNG KHẨN CẤP VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

24/08/2020

Trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham gia phát biểu thảo luận về chủ đề “Thúc đẩy hành động của nghị viện: Trường hợp khẩn cấp về biến đổi khí hậu”. Tiếp tục khẳng định vai trò của Quốc hội trong việc xây dựng các luật, chính sách, nghị quyết và thúc đẩy thực hiện trong quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, biến các cam kết của các quốc gia thành hành động.

Ngay sau phiên khai mạc, các đại biểu nghe các báo cáo chuyên đề về Hiện thực hóa bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái: Thực tiễn và các cam kết của nghị viện; Thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vào chính trị và nghị viện: từ lời nói đến hành động; Thập kỷ hành động để đạt được Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; đồng thời thảo luận về các chủ đề: “Thúc đẩy hành động của nghị viện: Trường hợp khẩn cấp về biến đổi khí hậu”.

Phiên thảo luận về “Thúc đẩy hành động của nghị viện: Trường hợp khẩn cấp về biến đổi khí hậu” nhằm trao đổi, tìm ra các giải pháp để các Chủ tịch Quốc hội, với vai trò là người đứng đầu Quốc hội và là nhân vật chính trị quan trọng của đất nước cùng với Quốc hội. Phiên thảo luận hướng đến việc xây dựng một lộ trình với các bài học kinh nghiệm, các giải pháp để thực hiện Thỏa thuận Paris.

Hội nghị trực tuyến các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 diễn ra trong hai ngày 19-20/8

Trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết đại dịch Covid-19 đã làm rõ thêm những lỗ hổng và mảng tối trong xã hội ở nhiều quốc gia như các thách thức môi trường, sự bất bình đẳng, y tế công cộng không đầy đủ. Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng nhấn mạnh thế giới đang phải đối mặt với thách thức từ biến đổi khí hậu. Mặc dù đã có những tiến bộ trong việc nâng cao nhận thức về vấn đề này, nhưng vẫn còn đó 2 thực tế lớn là sự huỷ hoại do biến đổi khí hậu gây ra ngày càng gia tăng và các mục tiêu của Hiệp định Paris vẫn chưa đạt được nhất là trong đó có mục tiêu phải cắt giảm 45% phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Do đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres lưu ý rằng khi đối phó với khủng hoảng cần hướng tới lộ trình bền vững hơn.

Cách đây 5 năm, tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu 2015 (COP 21), các nước thành viên đã tham gia ký kết  người ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), thông qua Thỏa thuận Paris, đề ra cách thức thực hiện các cam kết UNFCCC sau năm 2020. Mục tiêu chính của Thỏa thuận Paris là tăng cường ứng phó toàn cầu với biến đổi khí hậu bằng cách “giữ sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp và cố gắng hạn chế mức tăng nhiệt độ lên 1,5°C”.

Thỏa thuận Paris có hiệu lực vào tháng 11 năm 2016 và đây là khuôn khổ pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất cả các Bên trong việc cam kết thực hiện những nỗ lực đầy tham vọng để chống lại và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến nay, 189 quốc gia đã phê chuẩn Hiệp định Paris, khiến nó trở thành một trong những Hiệp ước của Liên hợp quốc gần như được chấp nhận rộng rãi giữa các Quốc gia, chiếm gần 90% khí thải toàn cầu.

Nội dung quan trọng nhất của Thỏa thuận Paris quy định việc các Bên tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). NDC cung cấp những thông tin về đóng góp do một quốc gia sẽ thực hiện nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu trong điều kiện kinh tế-xã hội hiện tại và dự báo trong tương lai.

Trong cùng một khung thời gian đó, Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) cũng đã áp dụng một số tuyên bố ủng hộ hành động mạnh mẽ về biến đổi khí hậu và gần đây nhất là Nghị quyết về Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu được các thành viên thông qua tại Hội đồng IPU lần thứ 141 ở Belgrade, Serbia, trong đó kêu gọi tất cả các Bên thực hiện Thỏa thuận Paris và tuân thủ các quy định của UNFCCC.

Sự quan tâm mạnh mẽ của các thành viên IPU đối với vấn đề này cũng được phản ánh trong việc thông qua Kế hoạch hành động của Nghị viện về biến đổi khí hậu năm 2016, đảm bảo tất cả các nỗ lực và biện pháp được thực hiện để thiết lập pháp luật quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với các mục tiêu quốc gia và Thỏa thuận Paris. Hơn nữa, biến đổi khí hậu đang được đưa vào Mục tiêu 7 của Chiến lược IPU 2017–2021, trong đó nêu rõ rằng IPU sẽ tiếp tục kêu gọi các nghị viện cung cấp phản ứng lập pháp toàn diện để ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ thực hiện giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Đoàn đại biểu của Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là Trưởng đoàn

Trong năm năm 2020, toàn thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19 và đang trong  ở giai đoạn đầu của khủng hoảng nền kinh tế toàn cầu, kéo theo sự phân hóa xã hội nghiêm trọng. Theo các nhà nghiên cứu, trong ngắn hạn, cuộc khủng hoảng này có tác động tích cực đến khí hậu. Giao thông hàng không, công nghiệp và các lĩnh vực khác thường gây ra lượng khí thải CO2 đã gần như dừng hoạt động. Tuy nhiên, về lâu dài, các biện pháp tái kích thích nền kinh tế sẽ dẫn đến lượng khí thải thậm chí còn cao hơn so với trước khủng hoảng. Một rủi ro khác là các sáng kiến ​​bảo vệ khí hậu được lập kế hoạch sẽ bị lu mờ và quỹ dành cho bảo vệ khí hậu sẽ được sử dụng để tái thiết và thúc đẩy nền kinh tế sau khủng hoảng. Trong bối cảnh đó, các nước cần cần cố gắng hết sức để ngăn chặn ảnh hưởng đến môi trường.

Mặt khác cũng cần nhìn nhận khủng hoảng mà thế giới đang  trải qua mang đến những cơ hội trong giải quyết những vấn đề khí hậu như các cuộc họp trực tuyến, sắp xếp làm việc từ xa sẽ góp phần hạn chế lượng lớn giao thông hàng không và cá nhân; kinh tế dựa vào khu vực nội địa nhiều hơn và các biện pháp hỗ trợ cho nền kinh tế, đặc biệt là tái tạo năng lượng và các lĩnh vực điện, di động có thể được thiết kế thân thiện với khí hậu và bảo đảm phát triển bền vững.

Vấn đề được đặt ra tại phiên thảo luận là các Quốc hội/Nghị viện, các đại biểu Quốc hội/nghị sĩ có thể giải quyết tốt nhất thách thức về biến đổi khí hậu và trợ giúp như thế nào đảm bảo các mục tiêu của Thỏa thuận Paris được đáp ứng. Việc đảm bảo thúc đẩy thực hiện các hành động nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 và vai trò của các các nghị sĩ. Nghị viện/Quốc hội các nước đang làm gì và có thể làm gì để chống lại biến đổi khí hậu đồng thời bảo đảm được quyền của tổ chức, cá nhân, phân bổ nguồn lực và nâng cao nhận thức. Đề xuất những công cụ và cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực và việc hỗ trợ các các Quốc hội/Nghị viện, các đại biểu Quốc hội/nghị sĩ phát huy vai trò của mình để xây dựng chính sách ứng phó với thách thức biến đổi khí hậu một cách hiệu quả.

Qua thảo luận, các đại biểu thống nhất cần xây dựng và thực hiện các luật, chính sách, nghị quyết về quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu một cách mạnh mẽ, nhưng điều quan trọng vẫn là biến các cam kết của các quốc gia thành hành động; Thống nhất các bằng chứng về nóng lên toàn cầu, nước biển dâng và thời tiết khắc nghiệt tác động to lớn đến đời sống con người đòi hỏi cần có những hành động khẩn cấp. Trong đó các Chủ tịch Quốc hội với vai trò đứng đầu Quốc hội phát huy vai trò trách nhiệm của mình để dẫn dắt các cuộc thảo luận và thúc đẩy hành động trong Quốc hội và trong cộng đồng; Khẳng định sự tham gia mạnh mẽ của Quốc hội trong thực hiện các cam kết thông qua thực hiện đầy đủ quyền năng lập pháp, giám sát và ngân sách để thay đổi, thiết kế lại nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững; nỗ lực thực hện các cam kết trong Thỏa thuận Paris.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu thảo luận chuyên đề “Thúc đẩy hành động của nghị viện: Trường hợp khẩn cấp về biến đổi khí hậu”

Phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề về “Thúc đẩy hành động của Nghị viện đối với tình trạng khẩn cấp biến đổi khí hậu”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ chia sẻ sâu sắc với nội dung trình bày và các phát biểu của các vị chuyên gia và các Chủ tịch Quốc hội, đều nhấn mạnh biến đổi khí hậu càng trở nên cấp bách hơn trong bối cảnh thế giới đối mặt với đại dịch Covid-19 đang gây ra hậu quả nghiêm trọng trên phạm vi toàn thế giới.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam là một trong năm quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Trong những năm qua, Quốc hội Việt Nam luôn đồng hành cùng Chính phủ thông qua việc hoàn thiện hệ thống luật pháp trong nước về môi trường; dành nguồn lực thỏa đáng đối với việc triển khai các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Việt Nam phê chuẩn và thực hiện nghiêm túc Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris.

Tháng 5/2017, Quốc hội Việt Nam đã phối hợp IPU đã tổ chức thành công Hội nghị chuyên đề về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững”.

Với mong muốn tăng cường hợp tác với các nước cũng như các tổ chức quốc tế nhằm đóng góp vào nỗ lực chung về ứng phó với biến đổi khí hậu và để thúc đẩy hơn nữa hành động của Nghị viện đối với tình trạng khẩn cấp biến đổi khí hậu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu một số đề xuất: Các Nghị viện cần tiếp tục hành động mạnh mẽ thông qua chức năng xây dựng pháp luật, giám sát, phê chuẩn các văn kiện quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường phối hợp IPU, xem xét thực hiện các khuyến nghị trong Chương trình hành động nghị viện về Biến đổi khí hậu của IPU phù hợp trình độ và nhu cầu phát triển của mỗi quốc gia.

Thúc đẩy ban hành chính sách đổi mới, tái cấu trúc nền kinh tế phù hợp với xu hướng phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu các tác hại của biến đổi khí hậu về chính trị, kinh tế, xã hội đồng thời ban hành các chính sách xã hội nhằm bảo vệ an sinh xã hội, những người yếu thế trong đó có phụ nữ, trẻ em và các đối tượng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Nghị viện các nước cũng cần tiếp tục phân bổ nguồn lực phù hợp, tăng cường giám sát, triển khai các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu.

Đồng thời, đề nghị các tổ chức quốc tế, các quốc gia phát triển tăng cường hỗ trợ các quốc gia đang phát triển triển khai các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn nghiêm trọng./.

Bảo Yến