GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN CÔNG KHAI LƯỢNG ĐIỆN BÁN RA CHO TỪNG KHU VỰC VÀ MINH BẠCH THÔNG TIN CÁCH TÍNH GIÁ ĐIỆN MỚI

24/08/2020

Đại biểu Hoàng Văn Cường- Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội: Bộ Công thương cần phải công khai sản lượng điện bán ra cho từng khu vực tiêu dùng như cơ quan, công sở, hộ kinh doanh sản xuất và hộ gia đình; đồng thời công khai, minh bạch thông tin tính giá điện cho từng hộ dân bằng cách áp dụng các phương pháp công nghệ hiện đại để tránh nhầm lẫn, sai sót.

Thời gian gần đây, dư luận xã hội xôn xao xung quanh việc Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới. Theo đó, phương án 1 là vẫn tính theo bậc thang nhưng giảm một bậc so với biểu giá 6 bậc hiện hành và phương án 2 là cho khách hàng lựa chọn một trong hai cách tính: 5 bậc thang hoặc một giá điện. Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng vừa đề xuất rút lại phương án điện 1 giá. Vậy liệu các phương án do Bộ Công thương đưa ra có khắc phục được bất cập tồn tại lâu nay trong cơ cấu giá điện hay không còn đang là bài toán cần phải tiếp tục nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng.

Người dân vẫn còn băn khoăn về cách tính giá điện mới

Tháng 7 vừa qua, gia đình anh Nguyễn Văn Tùng, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội sử dụng 1.014 KW điện. Theo biểu giá điện đang áp dụng hiện nay là 6 bậc, số tiền gia đình phải chi trả là gần 3 triệu đồng. Nếu chia bình quân theo phương án 2A điện 1 giá của Bộ Công Thương bằng 145% so với giá cũ thì mỗi KW là 2.703 đồng. Như vậy, gia đình anh Tùng phải chi trả số tiền là 2.740.000 đồng, giảm 236.000 đồng. Nếu tính theo phương án 2B điện 1 giá bằng 155%, tương đương với 2.889 đồng/KWh, số tiền gia đình phải trả là 2.929.000 đồng, giảm 47.000 đồng so với trước đây. Dù chi phí thấp hơn, nhưng anh Tùng cũng không nhất trí với phương án này, vì đây là phương án dành cho những người sử dụng điện với số lượng KW lớn nhưng không mang tính đại trà.


Anh Nguyễn Văn Tùng, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ với cách tính giá điện mới của Bộ Công thương.

Anh Nguyễn Văn Tùng chia sẻ: “Nếu tính giá điện theo từng bậc thì mức đầu tiên không khác so với ban đầu, nhưng các bậc về sau sẽ cao hơn nhiều. Với cách thức này, mức sử dụng điện của nhà tôi sẽ tăng tiền điện so với mọi lần. Nếu tính theo 1 giá thì nhà tôi sử dụng rẻ hơn. Tuy nhiên, với cách thức này sẽ gây bất lợi cho những gia đình sử dụng ít số điện.”

Việc tính tiền điện 1 giá sẽ đem lại lợi ích rõ ràng, nhất là cho các doanh nghiệp và cá nhân sử dụng số lượng điện tiêu thụ hàng tháng lớn. Theo đại diện doanh nghiệp, việc sử dụng số lượng điện càng nhiều, số tiền giảm càng lớn. Ông Trần Anh Tuấn, thành phố Hà Nội nêu quan điểm: “Là hộ kinh doanh phải sử dụng nhiều điện, tôi sẽ chọn cách tính tiền điện 1 giá vì như vậy sẽ có lợi hơn với cách tính theo 5 bậc".

Thực tế, quan điểm trên không sai, nhưng lại đi ngược với chủ trương của Chính phủ về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm. Điều đáng bàn là số lượng đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tiêu thụ số lượng KW điện lớn lại chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ lượng khách hàng của ngành điện lực. Trong khi đó, số lượng khách hàng tiêu thụ lượng điện năng ít lại chủ yếu là người dân.

Anh Phùng Trung Kiên, quận Hoàng Mai, Hà Nội nêu ý kiến: “Nhà nước tăng giá điện thì cũng cần phải tính đến sự hợp lý với người tiêu dùng chứ không phải muốn tăng bao nhiêu thì tăng. Bên cạnh đó, phương án thanh toán giá điện hàng tháng hiện chỉ nhận được tin nhắn thanh toán và số lượng KW qua tin nhắn chứ không chi tiết, cụ thể”.


Anh Phùng Trung Kiên, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Một vấn đề khác được người dân kiến nghị là sự minh bạch trong việc kiểm tra chỉ số công tơ sử dụng mỗi tháng. Liệu có hay không việc dồn số lượng KW điện tiêu thụ từ tháng trước sang tháng sau của công nhân điện lực để tính giá tiền lũy tiến cao hơn so với thực tế sử dụng điện.

Anh Nguyễn Văn Tùng, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội băn khoăn: “Khi nhắn tin, công ty điện lực nên báo mức giá tiền điện mỗi bậc để người dân điều chỉnh mức sử dụng điện chứ không chỉ nhắn tin số lượng điện và tiền phải nộp. Việc làm này là để tránh trường hợp có chuyện báo không chính xác để chịu số lượng tiền điện cao hơn thực tế sử dụng”.

Mới đây, Cục Điều tiết Điện lực kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công thương cho rút các phương án giá điện 2A và 2B do có hạn chế lớn nhất là không khuyến khích được khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, đồng thời tiếp tục xin ý kiến phương án 1 về cải tiến giá điện bậc thang cho các khách hàng sinh hoạt.

Tuy nhiên, mong muốn lớn nhất của các hộ dân sử dụng điện hiện nay là cần sự công khai, minh bạch trong việc thông tin giá điện tới từng hộ dân cũng như quản lý và ghi chép số điện tiêu dùng chính xác để đảm bảo chi trả đúng số lượng KW đã sử dụng. Do vậy, Bộ Công thương và các ban ngành liên quan cần phải xem xét, tính toán kỹ lưỡng các phương án để hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền tiết kiệm điện tới mọi hộ gia đình. Từ đó dù lựa chọn phương nào cũng đều đảm bảo nguyên tắc tiền điện của đa số khách hàng không tăng.


Phương án 1 về giá bán lẻ điện do Bộ Công thương đưa ra.

Ông Kiều Minh, Thành phố Hà Nội bày tỏ: “Cơ sở nào để Bộ Công thương đưa ra được giá 2.000 hay 3.000 hay thậm chí chỉ là 1.000 thì người dân không được biết. Người dân mong thông tin được minh bạch hơn cho dù chia sẻ trả cùng Chính phủ, Nhà nước trong việc hạn chế tiêu dùng tài nguyên.”

Còn anh Lê Cường Việt, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội bày tỏ: “Khi thanh toán tiền điện, người dân chỉ nhận được báo là sử dụng tổng số điện trong tháng tương ứng với số tiền là bao nhiêu. Theo tôi, khi đưa ra phương án giá điện mới thì Bộ Công thương phải công khai minh bạch cho từng hộ gia đình biết trong tháng sử dụng như thế nào”.

Nên sử dụng công nghệ cao để quản lý và ghi chép số điện

Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án tính giá điện. Phương án 1 là áp dụng biểu giá 5 bậc thang. Phương án 2 là khách hàng được chọn áp dụng biểu giá 5 bậc thang hoặc tính theo giá bán lẻ điện 1 giá. Nhìn vào bảng so sánh giữa giá điện 6 bậc hiện hành và phương án đề xuất 5 bậc thì thấy rằng, khách hàng dùng đến 400 kWh phải trả 896.200 đồng, chỉ tiết kiệm được hơn so với biểu giá hiện hành 6 bậc gần 13.000 đồng/tháng. Trong khi đó, dùng 500-700 kWh/tháng không có sự thay đổi lớn so với phương án 6 bậc hiện nay. Chưa kể, khách hàng dùng 201-300 kWh và 401 kWh trở lên sẽ phải trả thêm 4.000-99.000 đồng/tháng để đảm bảo giá bán lẻ điện bình quân không đổi và giá điện các nhóm khách hàng khác giữ nguyên. Như vậy, khoảng 5,2 triệu khách hàng trong khung sử dụng điện này sẽ bị ảnh hưởng.


Phương án 2 về giá bán lẻ điện.

Với phương án 2, Bộ Công Thương đề xuất phương án áp dụng song song cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt 5 bậc và giá bán lẻ điện 1 giá. Khách hàng được quyền lựa chọn áp dụng một trong hai phương án này để phù hợp với mức tiêu thụ điện của mình. Sau 12 tháng, khách hàng có thể tiếp tục sử dụng giá điện đang áp dụng hoặc đổi sang giá khác.

Nếu tính điện 1 giá, mức khách hàng phải trả cho một kWh sẽ cao gấp 1,45-1,55 lần giá bán lẻ điện bình quân hiện hành (ở mức 1.864,44 đồng một kWh), tương ứng dao động 2.703-2.890 đồng một kWh, chưa gồm thuế VAT. Tuy nhiên, dù tính theo 5 bậc thang hay một giá điện, theo các chuyên gia, các phương án này vẫn chưa khắc phục được bất cập tồn tại lâu nay trong cơ cấu giá điện, nhất là trong những đợt cao điểm nắng nóng.

Giáo sư, Tiến sĩ (GS.TS) Ngô Thắng Lợi - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Chính sách điện trả theo hình thức bậc thang được đưa ra rất tốt theo nghĩa công bằng dọc. Tuy nhiên, nó sẽ gây ra sự khó khăn trong quản lý, đặc biệt là vấn đề ghi chép, hoạt động tiêu dùng điện của từng nhóm công tơ trong từng hộ gia đình. Vừa qua chúng ta thấy người dân phản ánh trên báo chí về giá điện tăng lên nhiều, thậm chí 3-4 tháng liền điện tăng vọt lên là do chúng ta chưa sử dụng các phương pháp công nghệ hiện đại trong ghi chép và quản lý điện. Đặc biệc, việc ghi chép điện ở vùng nông thôn hiện nay vẫn còn rất thủ công. Điều đó sẽ gây ra sự bất cập trong việc quản lý.


GS.TS.Ngô Thắng Lợi - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Vì vậy, theo GS.TS Ngô Thắng Lợi, về dài hạn muốn khắc phục bất cập trong cơ cấu biểu giá điện, tránh tình trạng “cứ chuyển mùa là hoá đơn tiền điện tăng cao”, đi đôi với việc áp dụng các phương án tính giá điện mới, Bộ Công thương phải sử dụng công nghệ cao cho vấn đề quản lý và ghi chép số điện, qua đó mới đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch đến từng người, từng hộ sử dụng điện.

Cần công khai, minh bạch giá bán điện, sản lượng điện bán cho từng khu vực

Để rộng đường dư luận đối với đề xuất của Bộ Công thương về cách tính giá bán điện mới, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn đại biểu Hoàng Văn Cường  - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố (TP) Hà Nội.

 


Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội​.

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về các phương án tính giá bán lẻ điện mới mà Bộ Công thương tổ chức lấy ý kiến xã hội?

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội​: Bộ Công thương vừa đề xuất 2 phương án tính giá bán lẻ điện mới. So với phương án cũ, tôi thấy có sự thay đổi. Thứ nhất, số bậc thang từ 6 bậc giảm xuống còn 5 bậc. Thứ hai là bên cạnh việc trả tiền điện theo giá đồng nhất. Các phương án này có ưu điểm là người dân có thể lựa chọn phương án nào phù hợp với việc tiêu thụ điện của gia đình mình. Tuy nhiên, các phương án tính giá điện mới này chưa đạt được sự kỳ vọng của người dân và còn nhiều vấn đề cần tính đến.

Lý do khiến người dân chưa đồng thuận với cách tính giá điện bậc thang là có nhiều bậc và khi sử dụng với mức điện tăng lên thì sẽ phải đóng tiền cao. Nếu sử dụng điện vào mùa Hè, thời điểm mà tất cả các thành viên trong gia đình đều sử dụng nhiều điện thì giá điện sẽ tăng rất cao.

Việc tính giá bậc thang mới cho thấy, những người sử dụng ít điện (dưới 100 số) sẽ có lợi hơn so với giá bậc thang trước đây. Tuy nhiên, số lượng người sử dụng dưới 100 số không phải là nhiều. Đối với những người sử dụng điện từ số 100 đến 200 số hầu như không có thay đổi gì. Những hộ nào sử dụng từ 200 số điện trở lên mà áp dụng theo giá bậc thang mới sẽ cao hơn so với giá bậc thang cũ. Điều này có thấy, những hộ gia đình mà sử dụng số điện lớn hơn 200 số sẽ bị thiệt hơn.

Nhìn vào mức tiêu thụ điện của các hộ gia đình không nằm ở mức dưới 200 số mà phần đông sẽ nằm ở mức trên 200 số. Đặc biệt, vào thời điểm như mùa Hè, thời gian cao điểm sử dụng thì chắc chắn số lượng hộ gia đình dùng trên 200 số sẽ tăng hơn nhiều. Như vậy, với mức giá tính điện theo bậc thang mới, có thể nhiều hộ gia đình sẽ phải trả tiền điện cao hơn so với trước đây. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy mức giá điện được gọi là trả bình quân không chọn theo hình thức bậc thang có 2 phương án đề ra. Một phương án bằng khoảng 145% so với mức giá bán điện bình quân. Một phương án khác bằng khoảng 155% so với mức giá bán điện bình quân.

Vấn đề người dân quan tâm là tại sao Nhà nước quy định mức giá bán điện bình quân là 1.864 đồng, còn khi bán điện cho người tiêu dùng thì lại tăng lên đến 155%? Chúng ta hiểu rằng, mức giá bán điện bình quân là 1.864 đồng dành cho 4 đối tượng: bán điện cho việc sản xuất; bán điện cho các cơ quan, công sở; hộ kinh doanh và người tiên dùng. Những đối tượng này áp dụng chính sách khác nhau. Theo đó, bán điện cho việc sản xuất có mức giá thấp nhất. Các hộ kinh doanh có giá cao nhất. Các cơ quan, công sở, trường học có mức giá tương đối thấp. Còn hộ tiêu dùng có mức giá thấp hơn hộ kinh doanh nhưng cao hơn đối tượng sản xuất và các cơ quan, công sở.

Nếu chúng ta bán điện với mức bình quân từ 145 đến 155% thì người tiêu dùng đang phải gánh phần giá điện cho các khu vực sản xuất, cơ quan, công sở. Điều này chưa thực sự thỏa đáng so với kỳ vọng của người dân.

Do vậy, để người dân không còn thắc mắc về giá điện thì Bộ Công thương phải lý giải rõ mức bán điện bình quân cho khu vực sản xuất, kinh doanh, cơ quan, công sở, hộ tiêu dùng là bao nhiêu. Qua đó để tính mức giá bình quân cho hộ gia đình một cách hợp lý nhất.

Phóng viên: Liệu các phương án do Bộ Công thương đưa ra có khắc phục được bất cập tồn tại lâu nay trong cơ cấu giá điện hay không, thưa đại biểu?

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội​: Phương án tính giá điện mà Bộ Công thương đưa ra vẫn còn gây thắc mắc đối với người dân. Khi họ tiêu dùng ở mức trên 200 số thì phải trả tiền nhiều hơn các phương án khác. Tôi cho rằng, sẽ có tỷ lệ tương đối đông hộ gia đình sử dụng trên 200 số.

Với mức giá điện bình quân nếu chúng ta không áp dụng bậc thang sẽ gấp từ 1,4 đến 1,5 lần so với giá của Nhà nước quy định. Đây là điều mà người dân cảm thấy chưa thỏa đáng khi mà họ phải chịu một mức giá cao hơn mức bình quân nhiều như vậy.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, nên nghiên cứu cơ chế tính giá song song giữa giá điện bậc thang và tính tiền điện sinh hoạt theo các khung giờ như thấp điểm, cao điểm. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội​: Việc tính giá bậc thang nhằm khuyến khích người tiêu dùng điện ít thì được trả giá thấp. Người tiêu dùng diện nhiều phải trả giá cao. Điều này có nghĩa là Bộ Công thương khuyến khích người dân tiết kiệm điện. Còn việc chúng ta dùng công tơ tính giá điện vào khung giờ cao điểm, thấp điểm nhằm khuyến khích người dân sử dụng điện vào giờ thấp điểm cũng là kêu gọi người dân tiết kiệm điện.

Hiện nay, chúng ta mới chỉ thực hiện khuyến khích hạn người dân hạn chế sử dụng nhiều điện ở hình thức bậc thang. Với cách tính giá điện theo hình thức bậc thang hiện vẫn còn rất rối mà lại thêm cách tính vào khung giờ cao điểm, thấp điểm thì với cơ quan, doanh nghiệp có số lượng khách hàng ít có thể tính được. Còn với từng hộ dân với số lượng khách hàng rất đông thì sẽ gây khó khăn cho cơ quan bán điện để giải thích với người dân là sử dụng điện với cách tính theo giờ cao điểm, thấp điểm là đã được tính chính xác.

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về tính công khai, minh bạch trong cơ cấu giá điện hiện nay và cần thực hiện như thế nào trong thời gian tới?

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội​: Để thuyết phục người dân về phương án bán giá điện là hợp lý, Bộ Công thương cần công khai sản lượng điện bán cho từng khu vực tiêu dùng. Với mức xây dựng giá bán điện bậc thang hiện nay thì người tiêu dùng phải trả tiền điện là bao nhiêu, đã phù hợp hay chưa để có sự điều chỉnh phù hợp.

Chúng ta phải xác định được mức tiêu dùng điện bình quân của các hộ là bao nhiêu. Nếu các hộ dân tiêu dùng bình quân từ 200 đến 300 số điện thì phải có mức giá ngang bằng với giá điện bình quân. Như vậy, hộ dân nào sử dụng điện nhiều hơn mức bình quân trong xã hội thì họ phải trả giá cao hơn, hộ nào sử dụng điện ít hơn mức bình quân trong xã hội thì được trả giá ít hơn. Bên cạnh đó, Bộ Công thường cần phải công khai việc tính giá điện khi các hộ gia đình phải chi trả tiền điện theo giá bậc thang là bao nhiêu.

Phóng viên: Đại biểu có đề xuất, kiến nghị giải pháp nào trong cơ cấu giá điện để hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp?

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội​: Cơ cấu giá điện phải đảm bảo bù đắp chi phí cho ngành Điện cũng như đảm bảo mức giá bán bình quân cho cả khu vực sản xuất, cơ quan, công sở, khu vực kinh doanh và tiêu dùng đều ở mức đạt được ở mức bình quân là 1.864 đồng. Như vậy, Bộ Công thương cần công khai minh bạch giá bán điện, sản lượng điện bán cho từng khu vực. Việc làm này là để người dân thấy rõ mức giá phải chi trả cao hơn vì gánh cho khu vực sản xuất, khu vực công sở là bao nhiêu. Đồng thời, chúng ta phải điều chỉnh lại giá điện cho các khu vực còn lại để làm thế nào mức chi trả của người dân không quá cao hơn so với mức mà Chính phủ đã quy định là 1.864 đồng.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Về cơ bản, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, để thuyết phục người tiêu dùng thấy được các phương án giá điện hợp lý, Bộ Công thương cần phải công khai sản lượng điện bán ra cho từng khu vực tiêu dùng như cơ quan, công sở, hộ kinh doanh sản xuất và hộ gia đình; đồng thời công khai, minh bạch thông tin tính giá điện cho từng hộ dân bằng cách áp dụng các phương pháp công nghệ hiện đại để tránh nhầm lẫn, sai sót. Từ đó tính ra được mức giá điện bình quân sử dụng cho từng khu vực tiêu dùng, từng hộ gia đình chuẩn xác. Bên cạnh đó, các Bộ ngành, địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tiết kiệm điện tới người dân và doanh nghiệp./.

Lan Ngọc Hà