Quan tâm đến các vấn đề thời sự của đất nước và hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua, cử tri cho rằng hoạt động giám sát, chất vấn tại nghị trường ngày càng đi vào thực chất, nêu lên những vấn đề nóng của xã hội, được cử tri đánh giá cao. Trước sự giám sát của Quốc hội và cử tri, đây là cơ sở quan trọng để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sớm giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc trong triển khai thực hiện chính sách.
Về công tác xây dựng pháp luật, với tổng số 11 luật dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua và 8 dự án luật khác sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 tới đây, cử tri mong muốn các quy định của pháp luật sẽ khắc phục được những bất cập, hạn chế trong thời gian qua. Từ thực tế hoạt động tại xã Lại Thượng, cử tri kiến nghị không giảm đại biểu HĐND cấp xã bởi đây chính là những người trực tiếp nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri tốt hơn.
Cử tri phát biểu ý kiến
Cử tri cũng cho rằng việc chỉ có 1 phó Chủ tịch UBND kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ tại các xã loại 2 như hiện nay gây khó khăn cho quá trình hoạt động của chính quyền cơ sở. Qua theo dõi, cử tri cho rằng việc Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đây là điều rất cần thiết, nhưng việc sửa đổi cần bám sát thực tế.
Ông Khất Đăng Khoa, cử tri xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất cho biết: “Đối với các xã rộng như địa bàn Lại Thường chúng tôi, một đồng chí Phó Chủ tịch cũng rất khó khăn, bởi công việc ngày càng nhiều mà chỉ có 1 đồng chí Phó Chủ tịch, đồng chí cứ ngồi ký chứng thực, giải quyết các thủ tục hành chính ở địa phương cũng đã hết thời gian rồi chứ chưa nói đến giải quyết các công việc chuyên môn khác”.
Khẳng định dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương đang được Quốc hội cho ý kiến, sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV tới đây, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, dự thảo Luật đã có quy định bổ sung thêm 1 Phó chủ tịch UBND cấp xã loại 2. Tiếp thu ý kiến của cử tri, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố cho biết các đại biểu Quốc hội sẽ chuyển tải ý kiến này đến Quốc hội trong quá trình thảo luận.
Cũng tại hội nghị tiếp xúc cử tri, một số ý kiến khác quan tâm đến việc sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Cử tri kiến nghị cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, quy định các trường hợp tham gia kháng chiến tại vùng nhiễm chất độc da cam dioxine được hưởng chế độ chính sách.
Cử tri Khuất Ngọc Nhị, xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất phản ánh: “Người làm hồ sơ trước năm 2004 thì không phải đi giám định sức khỏe, những người làm hồ sơ sau năm 2005 thì phải đi giám định Y khoa theo Quyết định 09 ngày 20/02/2008 của Bộ Y tế quy định các bệnh tật, dị dạng dị tật nằm trong 17 danh mục mà Bộ Y tế quy định. Qua giám định cho thấy nhiều khó khăn cho các đối tượng thì mới được hưởng chế độ”.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải
Tiếp thu ý kiến phản ánh của cử tri về chính sách đối với đối tượng bị nhiễm dioxine trong quá trình tham gia chiến tranh, chính sách đối với thương bệnh binh, chế độ người điều dưỡng đói với người có công, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội khẳng định thẩm quyền vấn đề này thuộc về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Đoàn sẽ báo cáo với Quốc hội và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để giải quyết những kiến nghị này.
Thay mặt Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Hoàng Trung Hải tiếp thu các ý kiến mà cử tri đề nghị như: Quốc hội tăng cường giám sát công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng; việc tăng giá điện bậc thang; giảm độ tuổi người được hưởng chính sách xã hội từ 80 xuống 75 tuổi. Đối với những nội dung cụ thể thuộc thẩm quyền của thành phố và địa phương như: đầu tư hạ tầng cho thủy lợi, thúc đẩy nông nghiêp công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố cũng thông tin, trả lời và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết trong thời gian tới./.