HÌNH ẢNH PHIÊN GIẢI TRÌNH VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ CƠ CHẾ TỰ CHỦ ĐỐI VỚI BỆNH VIỆN CÔNG LẬP

03/10/2019

Sáng 03/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã tổ chức Phiên giải trình về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên giải trình.

Phát biểu khai mạc Phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, năm 2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18/2008/QH12 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cuối năm 2018, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã thành lập Đoàn giám sát và tiến hành giám sát 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18. Đến nay, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã trực tiếp giám sát tại 10 tỉnh, thành phố; nghiên cứu báo cáo của 8 địa phương, Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh; làm việc với một số bộ ngành Trung ương. Phiên giải trình lần này là hoạt động tiếp nối trong khuôn khổ kế hoạch giám sát 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội nêu rõ, Phiên giải trình nhằm thúc đẩy hơn nữa tiến trình triển khai thực hiện chính sách pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập. Đây là diễn đàn công khai với sự tham gia của nhiều bên nhằm mục đích thông tin minh bạch trước cử tri và nhân dân cả nước về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập; làm rõ các hạn chế, khó khăn, vướng mắc và trách nhiệm của Bộ Y tế cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, các địa phương.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên giải trình:

Toàn cảnh Phiên giải trình về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập.

Phát biểu khai mạc Phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội nêu rõ, Phiên giải trình là diễn đàn công khai với sự tham gia của nhiều bên nhằm mục đích thông tin minh bạch trước cử tri và nhân dân cả nước về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập; làm rõ các hạn chế, khó khăn, vướng mắc và trách nhiệm của Bộ Y tế cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, các địa phương.

Báo cáo giải trình về các nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, việc thực hiện cơ chế tự chủ đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh, giải quyết cơ bản tình trạng quá tải một số bệnh viện Trung ương và thành phố.

Tham gia chất vấn tại phiên giải trình, nhiều thành viên Ủy ban về các vấn đề Xã hội nêu thực trạng có những nơi giao tự chủ nhưng lại không biết tự chủ cái gì, không cho tự chủ đầy đủ, thực chất, nhất là về tổ chức, bộ máy.

Đưa ra vấn đề cần làm rõ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí khẳng định, cơ chế tự chủ là chủ trương đúng đắn nhưng có nhiều vấn đề vướng mắc. Vướng mắc trong thực hiện xã hội hoá; tự chủ giá dịch vụ y tế giữa các đơn vị, tỉnh thành; tính đúng tính đủ; nhiều cơ sở phản ánh giao tự chủ nhưng không cho tự chủ, nhất là tự chủ về tài chính, nhân lực. Vậy ai có trách nhiệm tháo gỡ vấn đề này?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương nhận xét, thời gian qua lĩnh vực y tế có tiến bộ vượt bậc đó là về y thuật, y đức; đồng thời Bộ Y tế đã có nhiều tích cực trong ban hành văn bản hướng dẫn chỉ đạo tổ chức thực hiện. Tuy nhiên đầu tư cơ sở vật chất, tuyển dụng bác sỹ, nhất là bệnh viện công lập còn khó khó tiếp cận tự chủ về vấn đề này. Đề nghị các Bộ, ngành làm rõ nguyên nhân, đồng thời đưa ra giải pháp để tạo điều kiện cho bệnh viện tự chủ?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân cho biết, trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện có 13 đơn vị tự chủ trong đó có 2 đơn vị Trung ương và 11 đơn vị của địa phương nhưng qua giám sát của Đoàn ĐBQH thì các đơn vị này đều phản ánh rất khó khăn vì giao tự chủ nhưng việc gì cũng phải xin ý kiến. Vậy Bộ Y tế giải quyết tình trạng này như thế nào?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn cho hay, việc giảm biên chế, tự chủ tài chính khiến nhân viên y tế không còn trong biên chế nhà nước mà do bệnh viện mà tự trả lương. Mặc dù vậy, theo luật hiện hành, bệnh viện không thể bổ nhiệm cán bộ nếu đó không phải là công chức, viên chức. Vậy giải pháp các Bộ đưa ra để giải quyết là gì?

Trả lời các vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ ra rằng, việc tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công là tất yếu khách quan, phù hợp với xu hướng cải cách tài chính công, với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên trong ngành y tế cũng phải hết sức thận trọng, nhất là đối với các bệnh viện liên quan trực tiếp đến người bệnh. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, để tháo gỡ những vướng mắc, trong thời gian tới, việc tự chủ phải tiến hành phân loại và giao quyền tự chủ cho các đơn vị theo các nguyên tắc; Xây dựng tiêu chí dựa trên khả năng thu và dự toán chi theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức; Có quy định, hướng dẫn cụ thể về phân loại và giao tự chủ cho các bệnh viện có nhiều cơ sở trực thuộc. Đồng thời Bộ Y tế sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan từng bước tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, tới đây sẽ xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế tự chủ tài chính đối với Trung tâm y tế huyện đa chức năng; đồng thời đề nghị sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh để có cơ chế khuyến khích người dân khám, chữa bệnh ở tuyến dưới; cung cấp các dịch dụ y tế mà tuyến dưới chưa đảm bảo được; sửa đổi, bổ sung Luật BHYT về vấn đề đảm bảo chi trả cho các dịch vụ ở mức cơ bản, người sử dụng chi trả ở phần vượt mức.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc cho rằng mặt trái của cơ chế thị trường làm chênh lệch lớn thu nhập giữa bác sĩ bệnh viện công và tư. Điều này khiến một bộ phận bác sĩ xin nghỉ việc ở bệnh viện công để ra làm bên ngoài. "Đề nghị Bộ Nội vụ cho biết sắp tới Bộ có chính sách gì để giữ chân đội ngũ y bác sĩ giỏi ở lại bệnh viện công lập?", đại biểu Phúc chất vấn. 

Trả lời đại biểu về vấn đề này, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, Bộ sắp trình Chính phủ quy định đãi ngộ, trọng dụng nhân tài. Khi đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp các bộ ngành quy định các đơn vị tự chủ được phép trả lương trên cơ sở hiệu quả công việc, đồng thời có đãi ngộ tốt để giữ chân cán bộ y tế.

Đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tham gia trả lời chất vấn tại Phiên giải trình.

Kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, với không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội và các Bộ, ngành đã làm rõ vấn đề về thực trạng, khó khăn, nguyên nhân, giải pháp khắc phục và định hướng công tác quản lý nhà nước về thực hiện cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công. 

Nghĩa Đức