Toàn cảnh buổi làm việc
Thành phố Hạ Long là trung tâm kinh tế, chính trị văn hóa xã hội của tỉnh Quảng Ninh và cũng là thành phố du lịch có tốc độ phát triển nhanh so với khu vực và trên cả nước. Chỉ riêng trong năm 2018, số lượng du khách đến với thành phố Hạ Long đạt trên 12 triệu lượt, bên cạnh những mặt tích cực cho phát triển kinh tế việc này đã đặt ra thách thức cho công tác quản lý đảm bảo an ninh trật tự nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn nói riêng.
Trong giai đoạn 2015-2019, trên địa bàn Thành phố xảy ra 29 vụ việc với 32 trẻ em bị xâm hại, nghiêm trọng hơn khi 2/3 số vụ việc có liên quan đến xâm hại tình dục đối với trẻ em. Đây là vấn đề nhận được sự nhiều sự quan tâm của các thành viên đoàn giám sát, một số ý kiến cho rằng có đến gần 90% các vụ xâm hại tình dục đối trẻ em là người thân quen, thường xuyên tiếp xúc với trẻ, vậy đặt ra công tác khoanh vùng đối tượng và cách thức tiếp cận của chính quyền địa phương để ngăn ngừa tình trạng này.
Từ góc độ tư pháp, một số ý kiến thành viên Đoàn giám sát cho rằng đối với những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em được dư luận đặc biệt quan tâm, xã hội lên án thì quan điểm xét xử của các cơ quan tố tụng thế nào? Việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ hoặc án treo đối với những vụ việc này cần được cân nhắc.
Qua một số vụ việc thực tế liên quan đến trẻ vị thành niên tức là trên 13 tuổi, một số ý kiến cho rằng đây là nhóm trẻ đang trong giai đoạn phát triển phát triển mạnh mẽ cả về thể chất và tinh thần từ đó kéo theo những thay đổi ở nhận thức và hành vi. Vì vậy, công tác tuyên truyền đến nhóm đối tượng này cần được các cơ quan chức năng thành phố có phương pháp tiếp cận riêng và thường xuyên hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận nội dung làm việc
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng Đoàn giám sát, cho rằng để khắc phục tình trạng xử lý chưa nghiêm các vụ việc vê xâm hại trẻ em cần nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ thực thi pháp luật, cán bộ tiến hành các hoạt động tố tụng xét xử. Cùng với đó, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em không thể trông chờ vào các cộng tác viên, cán bộ kiêm nhiệm mà cần huy động toàn xã hội, cả hệ thống chính trị cùng tham gia, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, đoàn thể địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, về số vụ việc và số trẻ bị xâm hại giai đoạn 2015-2019 đã tăng gấp đôi so với giai đoạn trước, cả tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị công tác tuyên truyền, phòng ngừa cho từng đối tượng trên địa bàn thành phố cần được làm tốt hơn nữa theo hướng có trọng tâm, trọng điểm…/.