Các đại biểu cho ý kiến vào Đề án Thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Với mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ươmg khoá XII và thực hiện Kế hoạch số 735 ngày 18/1/2018 của Đảng Đoàn Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã thành lập Ban soạn thảo Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân thành một Văn phòng tham mưu, giúp việc chung. Sau khi xây dựng Đề án, Văn phòng Quốc hội đã chủ trì, phối hợp với Ban Công tác đại biểu, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị tại 3 thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh để lấy ý kiến góp ý nội dung của dự thảo Đề án. Đề án cũng được các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra, cho ý kiến trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan tham mưu, phục vụ
Trong quá trình từ khi xây dựng Đề án, lấy ý kiến góp ý và thẩm tra, Ban soạn thảo Đề án đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội tập trung vào vị trí, chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và tinh gọn bộ máy của mô hình Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.
Tại các buổi lấy ý kiến vào Đề án, nhiều đại biểu nhất trí với đề xuất của Ban soạn thảo về vị trí, chức năng của Văn phòng chung là cơ quan tham mưu, phục vụ hoạt động của chính quyền địa phương (Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) cấp tỉnh và các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương. Đây là cơ quan tương đương cấp sở tại địa phương, trực thuộc Ủy ban nhân dân nhưng không phải là cơ quan chuyên môn. Một số ý kiến lại đề nghị Văn phòng chung là cơ quan chuyên môn, bởi thực tế các Văn phòng Ủy ban nhân dân hiện tại vẫn phải đảm nhận các công việc chuyên môn như tham mưu cho lãnh đạo, đảm nhiệm các công tác về ngoại vụ, công tác dân tộc. Khi tiến hành hợp nhất 3 văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân thì cần cân nhắc đến vấn đề này.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng không nên quy định Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân là cơ quan chuyên môn, mà nên chuyển nhiệm vụ này cho các sở, ban ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân. Liên quan đến nội dung này, Trưởng ban soạn thảo Đề án, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, việc quy định Văn phòng chung không phải là cơ quan chuyên môn là thực hiện theo Kết luận 34 ngày 7/8/2018 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ưcmg khoá XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mói, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hơn nữa, Văn phòng chung không phải là cơ quan chuyên môn, do đó không phải thực hiện chức năng giúp Ủy ban nhân dân thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về một ngành hoặc lĩnh vực cụ thể, nên có điều kiện tập trung vào công tác tham mưu tổng hợp và các công tác hành chính, quản trị khác.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc - Trưởng ban soạn thảo Đề án tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của đại biểu
Góp ý nào nội dung này, một số đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng chung để phù hợp với đặc thù của cơ quan này vừa tham mưu tổng hợp cho Ủy ban nhân dân (là cơ quan chịu sự giám sát) vừa tham mưu tổng hợp cho Hội đồng nhân dân (là cơ quan giám sát). Theo đó, cần nghiên cứu loại bỏ các nhiệm vụ mang tính tham mưu chuyên sâu về chuyên môn của Ủy ban nhân dân để chuyển giao cho các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thực hiện (như nhiệm vụ về kiểm soát thủ tục hành chính và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), bảo đảm để Văn phòng chung thể hiện đúng chức năng, vị trí đã được xác định là cơ quan tham mưu tổng hợp, không phải là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân.
Cơ cấu tổ chức Văn phòng theo đối tượng phục vụ hay nội dung, tính chất công việc?
Cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng nhận được sự quan tâm của đại biểu khi tham gia góp ý. Trong Đề án đề xuất 2 phương án: Phương án 1: Thành lập các phòng theo đối tượng phục vụ. Theo đó Văn phòng chung dự kiến không quá 11 phòng và đơn vị sự nghiệp. Phương án 2: Thành lập các phòng theo nội dung, tính chất công việc. Theo đó, Văn phòng có 7 phòng chuyên môn được chia theo các lĩnh vực như: Phòng kinh tế - ngân sách; Phòng văn hóa xã hội; Phòng tài nguyên – môi trường; Phòng Thư ký tổng hợp; Phòng Hành chính – tổ chức – nhân sự… Ngoài ra, còn có các đơn vị sự nghiệp như Trung tâm thông tin và hành chính công; Nhà khách…Đa số ý kiến tại hội nghị lấy ý kiến tại các địa phương cũng như tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đồng tình với phương án 1 vì cơ cấu tổ chức của Văn phòng chung theo phương án này sẽ tạo được sự độc lập tương đối cho Văn phòng trong việc cùng lúc phải tham mưu, phục vụ cho 3 chủ thể là Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Về số lượng Chánh Văn phòng và Phó Chánh Văn phòng, Đề án đề xuất Văn phòng chung có 01 Chánh Văn phòng và không quá 04 Phó Chánh Văn phòng, riêng Tp. Hồ Chí Minh và Tp. Hà Nội bố trí không quá 05 Phó Chánh Văn phòng. Một số đại biểu cho rằng quy định như vậy là phù hợp với phương án 1 về cơ cấu tổ chức của Văn phòng chung vì mỗi Phó Chánh Văn phòng sẽ được phân công theo dõi một mảng công việc cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của Văn phòng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng số lượng cấp phó trong các cơ quan nên được sửa đổi theo hướng tăng cường sự chủ động cho địa phương được tự quyết định trên cơ sở “khoán cấp phó”. Hơn nữa, dự kiến thời gian thí điểm áp dụng Đề án không dài, nên không kịp sắp xếp bộ máy nhân sự trong khi số lượng cấp phó đang dư thừa.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp góp ý vào Đề án
Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, trong thời gian thí điểm, nên thực hiện theo tinh thần của Kết luận số 34 của Bộ Chính trị ngày 7/8/2018, trong đó nêu rõ: khi sáp nhập, số lượng cấp phó của cơ quan hợp nhất không vượt quá số lượng cấp phó hiện có của các cơ quan sáp nhập và xây dựng lộ trình để đến năm 2020 có số lượng cấp phó theo quy định. Do vậy, Đề án không nên quy định cứng về số lượng cấp phó của Văn phòng chung, mà chỉ nên xác định số lượng cấp phó của Văn phòng sau khi hợp nhất không vượt quá số lượng cấp phó hiện có và giao cho địa phương chủ động bố trí, sắp xếp theo đúng chỉ đạo của Trung ương.
Việc hợp nhất 3 văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân sẽ góp phần tinh giản biên chế, sắp xếp tại bộ máy tổ chức gọn nhẹ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu, giúp việc và phục vụ của văn phòng. Công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân có thể bố trí chung, thuận tiện và nhanh chóng hơn trong việc phối hợp xử lý thông tin, thuận tiện cho người dân trong việc đi lại. Hợp nhất 3 văn phòng cũng góp phần tiết kiệm ngân sách, giảm chi thường xuyên, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, công vụ, công chức. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra khi hợp nhất là một văn phòng chung phục vụ 3 chủ thể khác nhau sẽ có những bất cập trong việc vừa tham mưu xây dựng chính sách, vừa tham mưu thi hành chính sách, vừa tham mưu giám sát thi hành chính sách. Vấn đề này tiếp tục được đại biểu Quốc hội cho ý kiến và Ủy ban Thường vụ quyết định trong thời gian tới./.