TẬP HUẤN VỀ HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VÀ QUY TRÌNH LẬP PHÁP, THAM MƯU PHỤC VỤ ĐBQH CHO CÔNG CHỨC MỚI TRÚNG TUYỂN

06/09/2018

Tiếp tục Chương trình tập huấn dành cho đội ngũ công chức trúng tuyển kỳ thi tuyển công chức VPQH 2017, sáng 06/9, lớp tập huấn tiếp tục với nội dung về những vấn đề cơ bản trong hệ thống pháp luật Việt Nam và quy trình lập pháp, tham mưu phục vụ đại biểu Quốc hội thực hiện quy trình lập pháp.

Toàn cảnh buổi tập huấn

Tại lớp tập huấn, các học viên đã được nghe Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội Nguyễn Phương Thủy đã truyền đạt nhiều nội dung quan trọng về những vấn đề cơ bản trong hệ thống pháp luật Việt Nam, quy trình lập pháp, tham mưu phục vụ đại biểu Quốc hội thực hiện quy trình lập pháp.

Hiện tại, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta bao gồm: các văn bản luật và văn bản dưới luật. Trong đó, văn bản luật gồm: Hiến pháp; Luật (bộ luật); Nghị quyết của Quốc hội. Văn bản dưới luật gồm có: Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước; Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng nhân dân, thông tư của Chánh án tòa án nhân dân tối cao…

Quốc hội ban hành luật để quy định về tổ chức, bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia… Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định việc thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành; tạm ngưng hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần luật, nghị quyết của Quốc hội đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân…

Trao đổi về quy trình lập pháp, tham mưu phục vụ đại biểu Quốc hội thực hiện quy trình lập pháp, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho biết, quy trình xây dựng luật, pháp lệnh gồm các bước: lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; thẩm tra dự án luật, pháp lệnh; trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến; tổ chức lấy ý kiến nhân dân, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, chuyên gia hoặc đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Văn bản; trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh và công bố luật, pháp lệnh.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội Nguyễn Phương Thủy chia sẻ tại buổi tập huấn

Lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là giai đoạn đầu tiên của quy trình xây dựng luật, pháp lệnh bảo đảm cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động, hoạt động có kế hoạch trong việc xem xét, thông qua các dự án luật, pháp lệnh; bảo đảm việc xây dựng và ban hành các văn bản luật, pháp lệnh không thể tùy tiện mà phải đặt trong tầm nhìn chiến lược mang tính quy hoạch tổng thể, với những kế hoạch dài hạn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Việc lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được quy định cụ thể trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, Luật ban hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 dành hẳn một chương riêng quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, quyền hạn của các chủ thể trong việc lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Tại buổi tập huấn, các học viên đã được đặt câu hỏi và thảo luận về các nội dung xoay quanh những vấn đề cơ bản trong hệ thống pháp luật Việt Nam, quy trình lập pháp, tham mưu phục vụ đại biểu Quốc hội thực hiện quy trình lập pháp.

Qua buổi tập huấn, toàn thể đội ngũ công chức mới trúng tuyển đã cơ bản nắm bắt các  nội dung, kiến thức chung nhất định về những vấn đề cơ bản trong hệ thống pháp luật Việt Nam và quy trình lập pháp, tham mưu phục vụ đại biểu Quốc hội thực hiện quy trình lập pháp.

Theo kế hoạch, chiều nay, lớp tập huấn sẽ tiếp tục với nội dung về kỹ năng giao tiếp và văn hóa công sở.

Thu Phương