NHIỀU ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH TÁN THÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐỐI TƯỢNG KÊ KHAI TÀI SẢN NHƯ DỰ THẢO LUẬT

06/09/2018

Thực hiện Chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, chiều 06/9, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Tán thành quy định về đối tượng kê khai tài sản như dự thảo luật

Trình bày Báo cáo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, một trong những hạn chế, vướng mắc lớn trong kiểm soát tài sản, thu nhập thời gian qua có nguyên nhân quy định chưa thật sự hợp lý của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành về việc mọi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đều áp dụng chung một biện pháp kê khai, theo dõi biến động, xác minh tài sản, thu nhập mà không phân biệt các nhóm đối tượng cần phải có mức độ kiểm soát khác nhau trong khi số đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập là rất lớn. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, dự thảo Luật đã phân biệt rõ các nhóm đối tượng khác nhau để áp dụng phương thức kê khai, xác minh tài sản, thu nhập phù hợp. Đồng thời, dự thảo Luật quy định thu hẹp đầu mối các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, chủ yếu giao cho hệ thống thanh tra cấp tỉnh, Thanh tra Chính phủ để bảo đảm tính chuyên nghiệp; bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc... Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng chống tam nhũng trong tình hình hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh phát biểu

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh - Hoà Bình, Trần Văn Mão- Nghệ An và nhiều đại biểu cho rằng, nếu mở rộng đối tượng kê khai thì phải đáp ứng được yêu cầu là có khả thi hay không và có phù hợp với quy định của pháp luật hay không. Ví dụ trong trường hợp phải kê khai cả bố, mẹ và con đã thành niên, kê khai lần đầu thì có thể được, nhưng có kê khai những năm tiếp theo, hay trong quá trình biến động thì những đối tượng này có phải kê khai hay không.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh, việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập sẽ góp phần ngăn ngừa tham nhũng tốt hơn, song thời gian qua như chúng ta biết số người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập quá lớn, khoảng 1.100.00 người có bản kê khai mỗi năm, vượt quá khả năng của các cơ quan có trách nhiệm trong việc kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập. Vì vậy việc mở rộng đối tượng kê khai tại thời điểm hiện tại sẽ khó bảo đảm tính khả thi, làm cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khó khăn trong quản lý và việc kê khai lại rơi vào tính hình thức, gây lãng phí như thời gian vừa qua.

Các đại biểu khẳng định, việc quy định như dự thảo luật là phù hợp với thực tiễn và giảm bớt áp lực của người phải kê khai và đơn vị kiểm soát việc kê khai.

Hoàn chỉnh thêm quy định cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành quy định cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập là cơ quan quản lý người có nghĩa vụ kê khai tài sản. Quy định này dẫn đến quá nhiều cơ quan có chức năng quản lý bản kê khai và xác minh tài sản, thu nhập; cán bộ làm công tác này thực chất là cán bộ làm công tác tổ chức, thiếu nghiệp vụ, kinh nghiệm về kiểm soát tài sản, thu nhập dẫn đến việc thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp. Để khắc phục những hạn chế này thì việc sửa đổi mô hình cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cần theo hướng tăng cường một bước tính tập trung, nhưng đồng thời cũng phải phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi. Do đó, đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý Điều 31 của dự thảo Luật theo hướng giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình.

Thảo luận về nội dung này, một số đại biểu cho rằng, quy định tại Điều 31 phải hoàn chỉnh thêm để xác định các bên tham gia tố tụng tại tòa phải độc lập giữa một bên cho là tài sản hợp pháp, một bên cho là không hợp pháp và quan tòa đứng giữa. 3 đối tượng này phải độc lập với nhau thì mới có thể xử lý được. Đồng thời, một số ý kiến cũng đề nghị Luật phải quy định thế nào để cơ quan này kiểm soát không bỏ sót đối tượng, tất cả đối tượng sử dụng quyền lực công, sử dụng tài sản công và ngân sách đều phải được kiểm soát không kể tổ chức chính trị hay đoàn thể.

Ngoài ra, tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về các vấn đề cụ thể như: khái niệm "khu vực công và khu vực tư"; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức; xử lý vi phạm pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; về công khai báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng…

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu

Phát biểu bế mạc ngày làm việc thứ nhất- thảo luận về Dự án án Luật Phòng, chống tham nhũng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, tại phiên họp có 31 ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại diện các các bộ, ngành. Điều này thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội và các các bộ ngành hữu quan đối với Dự án Luật này.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan cần rà soát lại toàn bộ các điều khoản của Dự án Luật trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu ngày hôm nay; tiếp thu một cách tối đa các ý kiến hợp lý, xác đáng, bảo đảm cho một Dự án Luật chất lượng, có tính khả thi cao khi áp dụng thực tiễn ở Việt Nam.

Hồ Hương