Quang cảnh Kỳ họp tại điểm cầu Kon Tum ngày 27/10/2021. Ảnh: TVP
Đại biểu Quốc hội U Huấn - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho biết: Qua nghiên cứu tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020 và việc quản lý sử dụng quỹ BHYT năm 2020; việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 “về đẩy mạnh về chính sách pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019-2020”, tôi nhận thấy do tình hình dịch Covid-19, nên năm 2019, cả nước có tới 117.851/679.077 đơn vị có nợ đóng BHYT, chiếm đến 17,3%; đến năm 2020, tỷ lệ này tiếp tục tăng lên 18%, nhưng số tiền nợ đóng BHYT giảm so với năm 2019. Tuy vậy, đề nghị Chính phủ, các cơ quan có liên quan phải xử lý kiên quyết, triệt để đối với tình trạng trốn đóng và nợ BHYT, cần thiết phải tiến hành nâng lên vấn đề hình sự và cần thiết có thể bổ sung vào Bộ luật Hình sự để xử lý nghiêm. Do đại dịch Covid-19 xảy ra trong thời gian qua, nên các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong đó không ít doanh nghiệp thua lỗ và giải thể, nên công tác đóng BHYT cho người lao động cũng gặp rất nhiều vấn đề, vừa khó khăn cho doanh nghiệp, vừa khó khăn cho người lao động.
Trong thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan nên có cơ chế hỗ trợ ban đầu cho các doanh nghiệp. Cơ chế này có thể hỗ trợ bằng tiền mặt, hoặc hỗ trợ bằng cơ chế gia hạn, hoặc giảm mức đóng cho doanh nghiệp trong thời gian đầu để các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh trong thời điểm dịch Covid-19. Đồng thời, Chính phủ nên kêu gọi và cần thiết thì nên thành lập Quỹ BHYT hỗ trợ cho người khó khăn, những người yếu thế, những người đặc biệt khó khăn như: hộ nghèo, các vùng DTTS. Cũng liên quan tới BHYT, Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “về phê duyệt danh sách các xã khu vực 3, khu vực 2, khu vực 1 thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025” đã gây khó khăn cho vùng đồng bào DTTS. Điển hình như tỉnh Kon Tum, sau khi thực hiện Quyết định này, thì số thẻ BHYT toàn tỉnh giảm tới 37.909 thẻ; trong đó, 37.760 thẻ của người DTTS.
Do đó, đại biểu U Huấn đề nghị, Chính phủ nên nghiên cứu, có cơ chế chính sách để hỗ trợ cho người đồng bào DTTS trong việc đóng BHYT, vì thực sự người dân rất nghèo, tiền để người dân đóng BHYT hàng năm cũng rất hạn chế. Mặc dù hiện nay, chúng ta cũng đang vận động người dân bị giảm thẻ BHYT tham gia BHYT hộ gia đình để đảm bảo các quyền lợi khám chữa bệnh y tế cho người dân, đồng thời cũng tăng độ bao phủ y tế trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu Quốc hội, Thượng tá, Phó Giám đốc Công an tỉnh Trần Thị Thu Phước kiến nghị, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể đưa một số nội dung về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới vào Nghị quyết Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV; trong đó, xác định tiếp tục tăng cường đầu tư cho y tế và sử dụng ngân sách có hiệu quả, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiếp tục thực hiện BHYT toàn dân, thực hiện cơ chế tự chủ bệnh viện và đưa ra các giải pháp để kiểm soát hiệu quả. Đối với Chính phủ, tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện các văn bản dưới luật về BHYT nhằm khắc phục những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách pháp luật về BHYT và đẩy mạnh thực hiện lộ trình chuyển từ chi ngân sách cho bệnh viện sang cấp ngân sách để hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT, cùng với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, giảm tỷ lệ chi từ tiền túi của người dân cho chăm sóc sức khỏe.
Bộ Y tế rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BHYT, khám chữa bệnh để sửa đổi, bổ sung, hoặc ban hành mới theo thẩm quyền nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc; khẩn trương ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ BHYT chi trả để điều chỉnh một cách toàn diện và ban hành đầy đủ phác đồ chuyên môn về chẩn đoán và điều trị chuẩn. Đồng thời, chủ động và tăng cường phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong công tác truyền thông để phổ biến, tuyên truyền công tác này. Đặc biệt, phối hợp với Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thay đổi phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo hướng thanh toán định suất đối với khám, chữa bệnh ngoại trú và theo nhóm chẩn đoán theo ca bệnh đối với khám, chữa bệnh nội trú.
Đại biểu Nàng Xô Vi kiến nghị, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm hơn trong việc quyết định phân bổ ngân sách nhà nước hàng năm bảo đảm tăng tỷ lệ chi ngân sách hàng năm cho sự nghiệp y tế, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn với tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước; quan tâm dành tỷ lệ ngân sách thỏa đáng cho lĩnh vực y tế, đặc biệt với y tế cơ sở và vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới, hải đảo, bãi ngang ven biển. Đối với Chính phủ, cần quan tâm đầu tư phát triển, ban hành cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính phù hợp để thúc đẩy y tế cơ sở phát triển, qua đó nâng cao chất lượng y tế cơ sở, gắn y tế cơ sở với chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát triển y học gia đình, giúp giảm quá tải cho cơ sở y tế tuyến trên; rà soát, sửa đổi quy hoạch cơ sở khám, chữa bệnh nhằm thích ứng với tiến trình già hóa dân số. Đồng thời, Bộ Y tế triển khai thực hiện có hiệu quả việc đấu thầu mua sắm tập trung thuốc quốc gia theo hướng thống nhất đầu mối thực hiện đấu thầu tập trung, mở rộng danh mục thuốc phải thực hiện đấu thầu tập trung, đàm phán giá để kiểm soát chi tiền thuốc trong khám, chữa bệnh BHYT và hướng dẫn sử dụng, mua sắm thuốc biệt dược gốc đã hết bản quyền theo hướng đàm phán giá hoặc đưa vào các nhóm thuốc phù hợp để đấu thầu. Mặt khác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện và quản lý khám, chữa bệnh BHYT; không ngừng nâng cao y đức, đổi mới phong cách phục vụ người bệnh và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nhằm tạo niềm tin và thu hút người dân tham gia BHYT….