Thảo luận tại điểm cầu Bắc Giang, đại biểu Nguyễn Văn Thi cơ bản đồng tình với dự thảo Luật và Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời góp ý một số nội dung, với việc sửa đổi, bổ sung danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu” (Điều 26). Đại biểu đồng ý bổ sung danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu” và nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm phù hợp với chủ trương đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở và người lao động trực tiếp.
Quang cảnh tại điểm cầu Bắc Giang
Tuy nhiên, một trong 3 tiêu chí để được xét công nhận “xã tiêu biểu” là xã phải đạt chuẩn nông thôn mới. Tiêu chí này áp dụng đối với các xã biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, việc đạt chuẩn nông thôn mới rất khó, do đó đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát thêm, có tiêu chí phù hợp hơn nhằm tạo điều kiện khuyến khích các xã vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo phấn đấu đạt danh hiệu trên.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” (Điều 55), đại biểu Nguyễn Văn Thi cho rằng, việc khen thưởng, ghi nhận công lao cho những người có công trạng, thành tích trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hết sức cần thiết; việc khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” không chỉ vì bản thân những cựu thanh niên xung phong được khen mà còn là niềm tự hào cho gia đình và nêu gương cho thế hệ sau.
Tuy nhiên, cần bảo đảm nguyên tắc “không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được”. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội Quốc hội thì đã có những hình thức khen thưởng chung đối với những người tham gia kháng chiến (“Bằng khen”, “Huy chương Kháng chiến”, “Huân chương kháng chiến”...). Trong đó bao gồm cả lực lượng thanh niên xung phong nếu đáp ứng đủ các điều kiện tiêu chuẩn của từng hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, có báo cáo rà soát bổ sung cụ thể; đánh giá tác động để xem xét tính khả thi khi thực hiện chính sách, bảo đảm nguyên tắc thi đua khen thưởng; đồng thời bảo đảm tính công bằng trong việc khen thưởng các lực lượng khác tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi góp ý về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Đối với tiêu chuẩn tặng Bằng khen của Thủ tướng quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 72; Huân chương Lao động các hạng (điểm c khoản 4 Điều 39, điểm d khoản 4 Điều 40, điểm d khoản 4 Điều 41); Huân chương Độc lập các hạng (điểm a khoản 3 Điều 33, điểm a khoản 3 Điều 34, điểm a khoản 3 Điều 35), dự thảo Luật có quy định một trong các tiêu chuẩn để xét tặng là phải đạt 5 năm tiếp theo liên tục được công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” đối với Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động các hạng; 10 năm tiếp theo liên tục được công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” đối với Huân chương Độc lập các hạng.
Theo đại biểu Thi, quy định này khó thực hiện bởi trong thực tiễn, các ban, sở, ngành tỉnh, huyện đều nằm trong cụm, khối thi đua cấp tỉnh. Việc xét và suy tôn các danh hiệu thi đua hằng năm nằm trong tỷ lệ được giao cho từng cụm, khối thi đua nên việc để 1 đơn vị đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” trong 5 năm, 10 năm liên tục là hết sức khó khăn.
Do vậy, đại biểu đề nghị đối với nội dung này một là giữ nguyên như quy định hiện hành hoặc nếu sửa đổi thì rà soát lại để có quy định về tiêu chuẩn sao cho vừa bảo đảm chất lượng thi đua, khen thưởng, nhất là việc xét đề nghị các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước, vừa phù hợp thực tiễn tại các địa phương.
Với nội dung Điều 48 quy định về “Huân chương Đại đoàn kết dân tộc”, theo đại biểu, nội dung này quy định còn chung chung, chưa có tiêu chuẩn cụ thể để áp dụng trên thực tế. Ngoài ra, đề nghị nghiên cứu, quy định rõ trong luật nội hàm cụm từ “có công lao to lớn” để bảo đảm tính minh bạch của quy định. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể để tránh lạm dụng quy định này làm ảnh hưởng tới quá trình xét khen thưởng.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định thẩm quyền tặng danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” đối với các đơn vị trực thuộc các sở, ngành, tỉnh và các huyện cho thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện (nội dung này hiện nay và trong dự thảo Luật thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND tỉnh); Chủ tịch UBND tỉnh chỉ quyết định tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” cho các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh và tương đương.
Trong khoản 4 Điều 91 về “Quỹ thi đua, khen thưởng” quy định “Nghiêm cấm sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng vào mục đích khác”; Điều 12, dự thảo Luật cũng quy định “Các hành vi bị nghiêm cấm”. Đại biểu đề nghị nghiên cứu xác định chính xác nội hàm của quy định này là nguyên tắc hay hành vi bị cấm để chỉnh sửa chuyển nội dung này vào Điều 12 nhằm bảo đảm tính thống nhất, tránh quy định rời rạc trong văn bản quy phạm pháp luật
Dự thảo Luật còn nhiều điều khoản giao cho Chính phủ, bộ, ban, ngành, tỉnh quy định cụ thể chi tiết nên cần nghiên cứu, nếu không có tính đặc thù cao thì quy định cụ thể trong dự thảo Luật để tránh phát sinh nhiều văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết làm cồng kềnh hệ thống văn bản.
Buổi chiều 28/10, các đại biểu thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).