Các đại biểu tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) để khắc phục hạn chế, bất cập của Luật hiện hành. Đồng thời, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng dự án Luật. Hồ sơ dự án Luật đã tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Đa số ý kiến nhất trí với tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị không bỏ đối tượng “nhạc sĩ” trong việc xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.
Một số đại biểu kiến nghị cần chặt chẽ về thủ tục, điều kiện được khen thưởng nhưng cần mở rộng đối tượng khen thưởng; đề nghị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khen thưởng, xét khen thưởng, giảm thủ tục rườm rà. Có ý kiến đề nghị tiêu chí, tiêu chuẩn danh hiệu thi đua phải có sự phân hóa, cá thể hóa phù hợp với từng đối tượng, phong trào thi đua, tránh hình thức, tích lũy, cào bằng, thể hiện rõ hơn chính sách hướng về cơ sở, đối tượng lao động trực tiếp…
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) thảo luận tại điểm cầu hội trường Diên Hồng.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) kiến nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để cải tiến hơn nữa về hồ sơ thủ tục để thực hiện công tác thi đua khen thưởng được khẩn trương hơn; tiếp tục rà soát để mở rộng thêm những trường hợp được xét khen thưởng theo hình thức thủ tục đơn giản. Rà soát để bổ sung thêm những hình thức thi đua đã rõ về thành tích, công trạng, người đứng đầu trực tiếp được quyết định hình thức thi đua và hình thức khen thưởng, không nhất thiết phải thông qua hội đồng thi đua…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.