ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH VĨNH PHÚC THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT ĐIỆN ẢNH (SỬA ĐỔI)

28/10/2021

Chiều 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và nghe Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.


Đại biểu Trần Văn Tiến phát biểu thảo luận trực tuyến từ điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Cho ý kiến vào dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), các ĐBQH đều cơ bản nhất trí với việc sửa đổi luật để thúc đẩy ngành Điện ảnh Việt Nam phát triển, vươn tầm quốc tế.

Tuy nhiên, một số đại biểu không thống nhất việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, vì cho rằng đây là lĩnh vực có khả năng xã hội hóa cao. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung việc phân loại phim theo các tiêu chí cụ thể, các chính sách để phát triển điện ảnh trong môi trường công nghệ số và xã hội hóa nhằm huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện ảnh.

Đối với nội dung phổ biến phim trên không gian mạng, nhiều đại biểu cho rằng, dự án luật phải lưu ý đến việc quản lý, cấp phép các phim được đưa lên mạng, chú trọng công tác hậu kiểm nội dung phim để đảm bảo hiệu quả, kịp thời kết hợp với chế tài xử lý vi phạm và cần chi tiết phân loại phim trên không gian mạng…

Phát biểu tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, đại biểu Trần Văn Tiến cơ bản đồng tình với dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), tuy vậy, đại biểu cho rằng dự thảo luật có 8 chương, 50 điều, nhưng số chương và điều chưa hợp lý, có chương chỉ có 3 hoặc 4 điều, đề nghị nên gộp một số chương với nhau để bố cục giữa các chương được cân đối. Ví dụ: Gộp chương 2 với chương 3 thành chương “sản xuất và phát hành phim"…

Đồng thời, cần quy định cụ thể các hoạt động điện ảnh ngay tại Điều 1 để tránh gây khó hiểu, thiếu cụ thể; xem lại Khoản 2, Khoản 3, Điều 3 về giải thích từ ngữ và quy định cụ thể Khoản 12 về “phim Việt Nam”; xem xét lại cụm từ “các biện pháp” về phát triển công nghiệp điện ảnh tại Điều 6 cho phù hợp hơn với nội dung.

Về nội dung sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước tại Điều 15, đại biểu Trần Văn Tiến nhất trí với phương án 2 mà dự thảo đưa ra, tuy nhiên, cần quy định cụ thể cho từng trường hợp, giao nhiệm vụ, đặt hàng, chỉ thầu, đấu thầu hạn chế, đấu thầu rộng rãi ngay trong luật nhằm tăng tính minh bạch.

Quy định tại Điểm b, Khoản 1 về phổ biến phim trên không gian mang còn chưa đảm bảo bình đẳng, công bằng với các hình thức phổ biến phim khác và tạo nguy cơ để lọt các sản phẩm sai trái lịch sử, ảnh hưởng đến an ninh chính trị quốc gia.

Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thống nhất về nguyên tắc quản lý theo tiêu chí chung, không phân biệt hình thức phổ biến phim để xác định loại phim tiền kiểm và loại phim hậu kiểm.

Đồng thời, cần có quy định cho từng hình thức phổ biến phim, được phổ biến đến độ tuổi nào cho phù hợp và cụ thể các quy định về tiêu chí phân loại phim ngay trong luật.

Việc thành lập Quỹ Hỗ trợ điện ảnh, đại biểu đề nghị cần cân nhắc kỹ để không làm tăng bộ máy, biên chế nhà nước và bảo toàn vốn điều lệ, bảo đảm nguồn thu.

(Theo Báo điện tử Vĩnh Phúc)