Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã cho ý kiến tại tổ và hội trường về dự án Luật quy hoạch. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và đã trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 1/2017.
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Cơ quan chủ trì thẩm tra đã tổ chức làm việc riêng với 8 Bộ còn có ý kiến khác với dự thảo Luật, chủ trì đối thoại liên bộ giữa Cơ quan soạn thảo với các Bộ hữu quan; tổ chức các cuộc hội thảo tại 3 miền lấy ý kiến các đoàn Đại biểu Quốc hội và các chuyên gia, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội; tham gia 02 phiên họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì và phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 14/3/2017 cho ý kiến về phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật quy hoạch.
Băn khoăn về tính khả thi trong việc sửa đổi, bổ sung 32 Luật có liên quan để bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch
Thay mặt Ủy ban Kinh tế trình bày Báo cáo về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh cho biết, về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng (Điều 1, Điều 2- Dự thảo luật), Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu và chỉnh lý như tại Điều 1 dự thảo Luật. Theo đó, phạm vi điều chỉnh bao gồm việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch trừ quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quy hoạch.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Phiên họp
Đồng thời, Thường trực Ủy ban cũng bổ sung, làm rõ đối tượng áp dụng trong Điều 2 là cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch trừ quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Quy định phạm vi điều chỉnh như vậy là tạo ra khung pháp lý chung đối với các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch tại Điều 12 của dự thảo Luật, khẳng định quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn vẫn phải tuân thủ tính hệ thống thứ bậc của Luật này nhưng đã được quy định cụ thể tại Luật quy hoạch đô thị và Luật xây dựng; dự kiến quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ do Quốc hội quy định ở luật riêng. Ngoài ra, những quy định có tính chất chi tiết, kỹ thuật, cụ thể để triển khai thực hiện các dự án, công trình như quy định tại các khoản 3 Điều 22, khoản 3 Điều 23, khoản 6 Điều 25, khoản 3 Điều 26 và khoản 3 Điều 27 cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này mà do các luật chuyên ngành quy định.
Về giải thích từ ngữ (Điều 3- Dự thảo luật), Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu và thể hiện lại khái niệm về quy hoạch như tại khoản 1 Điều 3 của dự thảo Luật, theo đó quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững do Nhà nước đặt ra cho thời kỳ xác định. Bên cạnh đó, khái niệm “quy hoạch tổng thể quốc gia” cũng đã được tiếp thu, chỉnh lý để thể hiện rằng nội dung của quy hoạch tổng thể quốc gia chỉ mang tính chiến lược và thống nhất với quy định về nội dung quy hoạch này được nêu tại Điều 22 của dự thảo Luật; các khái niệm “quy hoạch ngành quốc gia”, “quy hoạch vùng” và “quy hoạch tỉnh” cũng được tiếp thu, chỉnh lý để đảm bảo sự thống nhất và ngắn gọn hơn. Bổ sung khái niệm “Quy hoạch không gian biển quốc gia”, “Quy hoạch sử dụng đất quốc gia” vì đây là các quy hoạch độc lập liên quan đến rất nhiều ngành, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quốc phòng an ninh nên cần được lập ở cấp quốc gia; bổ sung khái niệm “Tích hợp quy hoạch”, “Cơ quan tổ chức lập quy hoạch” nhằm làm rõ và đảm bảo phù hợp với các quy định trong dự thảo Luật. Ngoài ra, dự thảo Luật không giải thích các khái niệm “quy hoạch đô thị”, “quy hoạch nông thôn”, “quy hoạch xây dựng vùng” vì các khái niệm này đã được quy định tại Luật xây dựng và Luật quy hoạch đô thị.
Về quy hoạch ngành cấp quốc gia, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức làm việc với các Bộ, ngành về danh mục các ngành quốc gia lập quy hoạch tại Phụ lục 1, trên cơ sở đó đã tiếp thu, rà soát, chỉnh lý danh mục quy hoạch ngành quốc gia để đảm bảo tính liên kết, đồng bộ và khả thi trong việc lập, thực hiện quy hoạch và phát triển của các ngành; đồng thời đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng tích hợp những nội dung quy hoạch ngành vào quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm triển khai thực hiện (tại các Điều 22, 23, 26 và 27). Bổ sung một số quy hoạch trong Phụ lục 1: Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn cấp quốc gia (mục 6), Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, xuất bản cấp quốc gia (mục 11), Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ (mục 27), Quy hoạch quản lý, phát triển và sử dụng hải sản cấp quốc gia (mục 35), Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng cấp quốc gia (mục 36), Quy hoạch sử dụng đất an ninh cấp quốc gia (mục 37)....
Về các quy định chuyển tiếp quy hoạch và xử lý các quy định hiện hành về quy hoạch, hiệu lực thi hành của Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, theo báo cáo của các cơ quan hữu quan được phân công qua rà soát, có 32 Luật cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch để phù hợp với dự án Luật quy hoạch (quy định tại Phụ lục 2 của dự thảo Luật). Để bảo đảm tính khả thi, Thường trực Ủy ban Kinh tế xin tiếp thu, chỉnh lý khoản 1 Điều 69 của dự thảo Luật theo hướng Luật quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Đồng thời, các phương án xử lý đối với từng loại quy hoạch được quy định tại Điều 68 gồm: Đối với các quy hoạch được quy định trong Luật quy hoạch thì thực hiện đến hết thời kỳ quy hoạch; trường hợp nội dung không phù hợp với quy định của Luật quy hoạch thì phải điều chỉnh theo quy định của Luật quy hoạch. Đối với các quy hoạch được tích hợp vào các quy hoạch được quy định trong Luật quy hoạch thì được thực hiện đến ngày 31 tháng 12 năm 2020. Đối với các quy hoạch không được tích hợp và không thuộc các quy hoạch quy định trong Luật quy hoạch thì giao Chính phủ rà soát và ban hành danh mục quy hoạch hết hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 và danh mục quy hoạch hết hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
Cùng với đó, quy định tại khoản 2 Điều 69 giao Chính phủ rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch trong các Luật thuộc danh mục quy định tại Phụ lục 2 của Luật bảo đảm phù hợp với Luật quy hoạch, trình Quốc hội xem xét, quyết định và có hiệu lực chậm nhất từ ngày 01/01/2019. Ngoài ra, để bảo đảm kịp tiến độ chuẩn bị cho việc xây dựng chiến lược phát triển, quy hoạch kinh tế- xã hội của địa phương cho giai đoạn 2021- 2030, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội ban hành một Nghị quyết riêng để yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương được tiến hành các bước chuẩn bị cho công tác quy hoạch theo quy định và chỉ được phê duyệt các quy hoạch phù hợp với quy định của Luật này trong thời gian Luật quy hoạch chưa có hiệu lực.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn về tính khả thi khi sửa đổi, bổ sung 32 luật tại Danh mục 2- Dự thảo luật
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã đặt câu hỏi về tính khả thi khi sửa đổi, bổ sung 32 luật có liên quan để bảo đảm tính phù hợp với Luật Quy hoạch. Cùng với đó, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi cho rằng, liệu khi sửa đổi, bổ sung 32 luật này có phá vỡ tính hệ thống của pháp luật nước ta?.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Danh mục 2 trong Dự thảo Luật có 32 luật như Luật hàng hải, Luật giao thông đường thủy nội địa, Luật giao thông đường bộ, Luật công nghệ thông tin, Luật hóa chất, Luật năng lực nguyên tử, Luật đa dạng sinh học, Luật phòng, chống tác hại thuốc lá, Luật người cao tuổi, Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật viễn thông..v.v... 32 luật này nếu có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 thì thông thường từ khi thông qua đến khi có hiệu lực thường xác định là 6 tháng, nghĩa là đến tháng 6/2018 sẽ phải thông qua các luật này, như vậy liệu có làm được không? nếu sang tháng 6/2018 lại sửa một luật nào đó mà nó lại đụng đến những vấn đề chung trong các luật này thì có sửa lại lần nữa không?. Mặt khác, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cũng đặt câu hỏi về sự đồng thuận thực chất trong các bộ hiện nay như thế nào và tính khả thi của luật này?.
Ngoài ra, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, việc Chính phủ vẫn còn nhiều bất đồng khi trình Dự án Luật thì chỉ có hai cách giải quyết, một là đề nghị Chính phủ rút luật về, thảo luận thật kỹ, thống nhất cao thì trình. Hai là thực hiện theo đúng nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Những vấn đề này hoàn toàn có thể khả thi và làm được
Giải trình một số nội dung, vấn đề còn vướng mắc trong Dự án Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc xây dựng, ban hành Luật Quy hoạch là một thay đổi lớn, là một cuộc cách mạng, góp phần giải quyết được tất cả những bất cập của đất nước từ trước đến nay. Đồng thời giúp tiệm cận đến thông lệ quốc tế, tạo ra tư duy, cách làm mới, hiện đại và đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, khai thác được hết tất cả tiềm năng, lợi thế và triệt tiêu được tất cả những chồng chéo, cục bộ, lợi ích nhóm, lợi ích của các bộ, các ngành, các địa phương đang bị các cứ, chia rẽ. “Nên khi có sự thay đổi lớn như vậy thì có những nhận thức có thể đang còn khác nhau, hoặc chưa đồng thuận với nhau là chuyện bình thường”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, “luật này không thể lùi và không nên lùi, cả xã hội hiện nay đang rất quan tâm và rất đồng tình, chỉ còn ở đâu đó 1-2 cơ quan, ở đâu đó 1-2 con người mà thôi, chúng ta không nên vì chuyện đó để chúng ta bàn lùi mà chúng ta phải bảo vệ cho sự phát triển của đất nước”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Luật này không thể lùi và không nên lùi
Đối với tính khả thi của việc sửa đổi 32 Luật kèm theo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, Bộ đã hệ thống tất cả các luật, theo đó có 5 luật sửa 1 điều, 3 luật sửa 2 điều, 4 luật sửa 3 điều, còn lại chỉ sửa chữ "quy hoạch". “Nghe số lượng về luật phải sửa thì rất nhiều nhưng trên thực tế rất đơn giản là chỉ bỏ mỗi chữ "quy hoạch". Chúng tôi đã rà soát và đã xây dựng một kế hoạch, chương trình sửa luật của Chính phủ và đã khẳng định chúng ta làm được vì không phải sửa ghê gớm mà vì nó có chữ quy hoạch thì ta phải sửa bỏ đi. Hoặc quy hoạch sản phẩm, trước đây phải có, bây giờ ta bỏ thì bây giờ cũng phải bỏ nó đi. Chúng tôi đề nghị tất cả những vấn đề này hoàn toàn có thể khả thi và làm được”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Sẽ đưa Dự án Luật Quy hoạch ra báo cáo tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, thứ nhất, do hiện nay còn có nhiều ý kiến rất khác nhau, ngay trong Chính phủ còn chưa thống nhất cao nên Ủy ban thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban Kinh tế tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Chính phủ và Ủy ban Pháp luật để chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung, những vấn đề cần phải tiếp thu, giải trình và báo cáo ra Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sắp tới. Tuy nhiên, phải lựa chọn những vấn đề còn ý kiến lớn khác nhau; cần nêu rõ 2 luồng ý kiến, cả thuận và không thuận và dành một thời lượng hợp lý cho Dự án luật quan trọng này.
Thứ hai, Ủy ban thường vụ Quốc hội khẳng định đây là luật mang tính chất nguyên tắc, luật khung và luật đảm bảo để tính tích hợp, tính kết nối, khớp nối; đảm bảo sự phối hợp, thống nhất quản lý quy hoạch, tránh hạn chế trước đây của quy hoạch, đó là cát cứ, lợi ích, chồng lấn của các ngành, các địa phương, làm cho hiệu quả đầu tư phát triển không đảm bảo.
Thứ ba, Luật Quy hoạch là luật điều chỉnh về mặt nguyên tắc các loại quy hoạch, không nên loại trừ một loại quy hoạch nào. Do đó, đề nghị xem xét lại phạm vi cho rõ.
Thứ tư, phải nêu rõ hệ thống quy hoạch gồm cái nào, cái nào phụ thuộc cái nào, cái nào có trước cái nào, cái nào quyết định cái nào, thẩm quyền đến đâu. Phải nghiên cứu để sửa ngay 32 luật và lưu ý trong việc sử dụng đúng thuật ngữ “quy hoạch không gian biển” thay vì “quy hoạch sử dụng biển”.
Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cũng cho biết, ngay sau cuộc họp của đại biểu Quốc hội chuyên trách thì Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ họp một phiên nữa để giải quyết vấn đề này để đảm bảo thận trọng, khách quan và toàn diện.