Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra Ảnh: Lâm Hiển
Theo Tờ trình của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết Điều 27 và Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về các hình thức giám sát, phản biện xã hội gồm 5 chương, 24 điều, quy định chi tiết về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tờ trình nêu rõ, việc xây dựng Nghị quyết phải bảo đảm thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; bám sát các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Quy định cụ thể về trình tự tiến hành, cách thức, biện pháp và quy trình giám sát, phản biện xã hội, nhằm bảo đảm cho việc thực hiện hình thức được rõ ràng, mạch lạc, thông suốt, có hiệu quả; Kế thừa những quy định về một số hình thức giám sát, phản biện xã hội đã thực hiện ổn định, phù hợp bước đầu đạt kết quả trong thời gian qua và kinh nghiệm thực hiện trên thực tế về hoạt động giám sát và phản biện xã hội.
Trình bày báo cáo thẩm tra bước đầu về dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết Điều 27 và Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về các hình thức giám sát, phản biện xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, ngày 10/3/2017, Ủy ban Pháp luật đã họp phiên toàn thể lần thứ 4, thẩm tra Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết Điều 27 và Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đa số ý kiến thảo luận tại phiên họp và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đều tán thành với sự cần thiết của việc xây dựng Nghị quyết và các quan điểm được nêu trong Tờ trình; đánh giá dự thảo Nghị quyết đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và được xây dựng công phu, cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các luật, nghị quyết có liên quan khác và thực tiễn hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong thời gian gần đây.
Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với nhiều nội dung trong Tờ trình của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về chủ thể ban hành Nghị quyết, phạm vi điều chỉnh, chủ thể giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát và phản biện xã hội…
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp
Về chủ thể ban hành Nghị quyết liên tịch, cơ quan soạn thảo và Ủy ban thẩm tra thống nhất chủ thể hướng dẫn Nghị quyết liên tịch nên là ba bên gồm Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, theo đúng quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.
Về phạm vi điều chỉnh, các ý kiến cho rằng mục đích của Nghị quyết liên tịch này quy định chi tiết về các hình thức giám sát, phản biện xã hội, tức là quy định chi tiết về cách thức, biện pháp, trình tự để tổ chức thực hiện các hình thức giám sát và phản biện xã hội. Vì vậy, Nghị quyết liên tịch cần phải thể hiện rõ thêm về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện các hình thức giám sát, phản biện xã hội và các điều kiện bảo đảm để việc thực hiện các hình thức đó khả thi, hiệu quả.
Về chủ thể giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sau khi tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, dự thảo Nghị quyết quy định thống nhất chủ thể giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là Mặt trận Tổ quốc và 05 tổ chức chính trị- xã hội khác khi được Mặt trận Tổ quốc yêu cầu.
Các ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất ý kiến của Ủy ban Pháp luật và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa tiếp thu là chủ thể sẽ gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành độc lập thì không nằm trong phạm vi của nghị quyết này.
Về kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát và phản biện xã hội, các ý kiến thảo luận tại phiên họp cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đều cho rằng, kinh phí cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội (khoản1, Điều 38) nên do nhà nước đảm bảo. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cụ thể hóa hơn Điều 21, 22 và 23 của dự thảo Nghị quyết theo hướng quy định rõ trách nhiệm từng chủ thể một.
Bên cạnh đó, qua thảo luận, đa số các ý kiến đều cho rằng, hồ sơ dự thảo Nghị quyết còn chưa đầy đủ, vì đây là Nghị quyết 03 bên, mà lại chưa có ý kiến của Chính phủ; chưa lấy ý kiến của phần lớn đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị, Ủy ban Pháp luật cùng Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp, giúp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoàn thiện hồ sơ và nội dung dự thảo Nghị quyết, lấy ý kiến đầy đủ 03 bên; trên cơ sở đó, đề nghị Ủy ban Pháp luật có báo cáo thẩm tra chính thức về vấn đề này để trình Ủy ban thường vụ xem xét tại phiên họp sau.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị 03 cơ quan là Mặt trận, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết này trình phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét thông qua.