Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra
Theo báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày, qua tổng kết 12 năm thực hiện Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 cho thấy, từ khi có Luật, rừng đã được bảo vệ và phát triển tốt hơn, đã đóng góp tích cực, có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội nước nhà. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực thì Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế trong ngăn chặn tình trạng phá rừng, suy giảm rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng, sản xuất lâm nghiệp nhỏ lẻ hiệu quả chưa cao, năng suất và giá trị gia tăng thấp, người trồng rừng và bảo vệ rừng có cuộc sống còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; có cơ cấu quản lý, sản xuất kinh doanh hợp lý, ổn định theo hướng hiện đại, phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Dự thảo Luật gồm 12 Chương, 97 Điều, quy định về việc quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản.
Về sự phù hợp của nội dung Dự thảo Luật với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của Dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, nội dung của Dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và cơ bản thống nhất với hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, nhiều nội dung quy định trong Dự thảo Luật có mối liên hệ liên quan đến nhiều luật khác. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, chỉnh sửa và làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh, đối tượng quản lý, phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng để không chồng chéo với quy định của các luật khác, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Về tên gọi của Luật, Theo Tờ trình số 68/TTr-CP ngày 01/3/2017 của Chính phủ trình Quốc hội tên gọi của Luật là “Luật bảo vệ và phát triển rừng”. Tuy nhiên, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội xem xét đổi tên Luật thành “Luật lâm nghiệp” với lý do: Phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật là toàn bộ các hành vi xã hội trong lĩnh vực lâm nghiệp trên nguyên tắc quản lý theo chuỗi như trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hơn nữa, tên Luật lâm nghiệp ngắn gọn, dễ hiểu, bao quát đủ các nội dung Luật, phù hợp với quản lý ngành theo quy định của pháp luật trong nước và kinh nghiệm xây dựng luật của phần lớn các quốc gia khác.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật bảo vệ và phát triển rừng, bởi rừng và phát triển rừng đã bao hàm tất cả các hoạt động thương mại lâm sản để phát triển cũng như các chính sách, đảm bảo nguyên tắc để bảo vệ rừng.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật bảo vệ và phát triển rừng vì tên gọi này thể hiện rõ nhiệm vụ của Luật trong tình hình hiện nay là phải bảo vệ và phát triển rừng. Tên Luật lâm nghiệp chỉ thể hiện chung chung, không nhấn mạnh vào yêu cầu đặt ra.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, trong 97 điều của Dự thảo luật có 81 điều được bổ sung, sửa đổi. Luật cũ cơ bản điều chỉnh việc bảo vệ và phát triển rừng, Dự thảo luật mới xác định đầy đủ các hoạt động của ngành lâm nghiệp bao gồm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản liên quan đến lâm nghiệp. Do đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đồng ý đổi tên thành Luật lâm nghiệp.
Về phân loại rừng, đa số ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý với việc phân chia thành 3 loại rừng như trong Dự thảo luật gồm: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị bổ sung rừng biên giới vào rừng đặc dụng. Theo Phó Chủ tịch, nước ta có dải biên giới rất dài, hầu hết là rừng, giáp với biên giới các nước bạn. Nếu không có chế độ quản lý đặc biệt, khi chiến tranh xảy ra sẽ rất nguy hiểm. Do đó, cần bổ sung rừng biên giới để có sự quản lý sâu hơn, việc này có tác dụng rất lớn đối với quốc phòng, an ninh.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Về tên gọi, đa số ý kiến thường vụ đề nghị giữ nguyên tên gọi cũ, bởi tên gọi này nhấn mạnh được vấn đề bảo vệ, phát triển rừng. Về quyền, nghĩa vụ chủ rừng, nguời được giao rừng phải được quy định rõ, phải gắn liền với trách nhiệm. Về các chính sách phát triển rừng, phải đảm bảo cho người dân có thể sống dưới tán rừng, sống bằng nghề rừng, từ đó phát triển rừng. Đồng thời, cần có những chính sách cụ thể, phù hợp, tính đến cả những yếu tố liên quan đến đặc tính, tập quán của người dân tộc. Bên cạnh đó, cần có những quy định cụ thể về những khái niệm như đóng cửa rừng, điều kiện đóng cửa rừng, tác động đến những đối tượng đang sống dưới tán rừng như thế nào. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại bố cục cho phù hợp và cân đối trước khi trình ra Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.