Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt chủ trì phiên họp
Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành cho biết, sau 4 năm triển khai Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg, lực lượng Cảnh sách phòng cháy và chữa cháy đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ đối với nhiều sự cố, tai nạn xảy ra trong đời sống hàng ngày, được nhân dân tin tưởng, đánh giá cao. Tuy nhiên, văn bản pháp lý cao nhất quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ mới chỉ là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên hiệu lực pháp lý thấp. Mặt khác, Quyết định này cũng chưa quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động cứu nạn, cứu hộ, các điều kiện bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ; chưa phân định rõ chức năng quản lý nhà nước trong công tác này dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức hoạt cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố, tai nạn xảy ra. Do vậy, việc xây dựng Nghị định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Theo Tờ trình của Bộ Công an, dự thảo Nghị định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy có bố cục gồm 7 chương, 39 điều, quy định về phạm vi, nguyên tắc, quan hệ phối hợp, tổ chức, hoạt động và bảo đảm điều kiện cho hoạt động cứu nạn, cứu hộ; các lực lượng thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.
Thẩm tra dự thảo Nghị định này, đa số ý kiến của Ủy ban Quốc phòng- An ninh và ý kiến thảo luận tại phiên họp đều tán thành với sự cần thiết của việc xây dựng Nghị định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy; cho rằng nội dung của dự thảo Nghị định cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và việc ban hành Nghị định để tạo cơ sở pháp lý cao hơn cho công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy là đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thực tế hiện nay.
Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Quốc phòng- An ninh nhất trí với quy định của dự thảo Nghị định vì nội dung dự thảo đã cơ bản kế thừa các quy định của Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg hiện hành, phù hợp với thực tiễn hoạt động cứu nạn, cứu hộ hiện nay; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sách phòng cháy và chữa cháy nói riêng. Tuy nhiên đề nghị Chính phủ nghiên cứu thể hiện lại phạm vi điều chỉnh rõ hơn, theo hướng quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ trong đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, rà soát kỹ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng phòng cháy và chữa cháy trong công tác cứu nạn, cứu hộ để tránh trùng lắp, chồng chéo với hoạt động cứu nạn, cứu hộ của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo; đồng thời đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quy định tại Luật Công an nhân dân. Theo đó, dự thảo Nghị định cần quy định cụ thể hơn các tình huống cứu nạn, cứu hộ theo 03 cấp độ làm căn cứ xác định trách nhiệm: cấp độ 1- tự cứu nạn, cứu hộ; cấp độ- lực lượng Cảnh sách phòng cháy, chữa cháy thực hiện; cấp độ 3- Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn điều phối.
Về các tình huống cơ bản trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ, một số ý kiến Ủy ban Quốc phòng- An ninh cho rằng, dự thảo Nghị định đã đề cập đến 07 loại tình huống cơ bản trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ, song các hoạt động này còn trùng lắp với nhiều văn bản liên quan như Quyết định số 51/2015/QĐ-TTg về cứu nạn, cứu hộ trên đường thủy nội địa và Quy chế tìm kiếm cứu nạn hàng không dân dụng.
Đối với việc điều động, huy động lực lượng, phương tiện tham gia cứu nạn, cứu hộ, một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo vì cho rằng việc điều động, huy động lực lượng, phương tiện tham gia cứu nạn, cứu hộ là cần thiết, bảo đảm sự tham gia của toàn xã hội vào công tác này. Một số ý kiến khác còn băn khoăn về quy định này vì cho rằng việc huy động lực lượng, phương tiện mang tính chất tự nguyện, khác với việc trưng dụng tài sản, nhất là việc huy động lực lượng quân đội cần bảo đảm phù hợp quy định của pháp luật có liên quan. Do đó, dự thảo cần chỉnh lý lại nội dung này, bảo đảm phù hợp với tính chất của việc huy động.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt phát biểu tại phiên họp
Về lực lượng cứu nạn, cứu hộ, một số ý kiến Ủy ban Quốc phòng- An ninh nhất trí với quy định của dự thảo Nghị định với 04 lực lượng chính, trong đó lực lượng Cảnh sách phòng cháy, chữa cháy là lực lượng thường trực, thu hút các lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành vào làm công tác cứu nạn, cứu hộ nhằm huy động những lực lượng đã qua đào tạo , huấn luyện kỹ năng về công tác cứu nạn, cứu hộ, phù hợp với tính chất hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này.
Tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng- An ninh nhận thấy, lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành được thành lập theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy. Nay Nghị định này giao thêm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ gắn với quy định về trang bị phương tiện, thiết bị (Điều 26) và các quy định về đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện (Điều 16) sẽ tác động đến việc bố trí, sử dụng lao động, đầu tư nguồn lực của các cơ sở, doanh nghiệp cho hoạt động này; mặt khác cũng làm tăng biên chế, bộ máy và trang bị của lực lượng này. Do vậy, Ủy ban Quốc phòng- An ninh cho rằng, Ban soạn thảo cần có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ về vấn đề này, làm rõ khả năng thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Nghị định.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, hiện nay công tác cứu nạn, cứu hộ giữa lực lượng phòng cháy, chữa cháy với các cấp chính quyền địa phương còn khá nhiều bất cập. Trong khi đó, trước tình hình cứu nạn, cứu hộ xảy ra thường xuyên và trên diện rộng thì cần phải có cơ sở pháp lý để các lực lượng phối hợp thực hiện tốt hơn công tác cứu nạn, cứu hộ. Do vậy, việc ban hành Nghị định để tạo cơ sở pháp lý cao hơn đảm bảo cho công tác cứu nạn, cứu hộ được thực hiện chính quy, hiệu quả và chuyên nghiệp khi có tại nạn, sự cố xảy ra là rất cần thiết. Chủ nhiệm Ủy ban Võ Trọng Việt đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến thẩm tra, thảo luận tại phiên họp, tiếp tục nghiên cứu, đối chiếu kỹ với các văn bản pháp luật có liên quan để tránh chồng chéo, trùng lắp với chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành khác.