Ủy ban Thường vụ Quốc cho ý kiến về dự án Luật du lịch (sửa đổi)

14/03/2017

Chiều 14/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 8, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật du lịch (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã cho ý kiến tại tổ và hội trường về dự án Luật Du lịch (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật Du lịch (sửa đổi) đã được kết cấu lại khoa học, chặt chẽ hơn, với bố cục gồm 9 chương, 85 điều, đồng thời bổ sung một số nội dung về sản phẩm du lịch, đô thị du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch vào các điều, khoản liên quan.

Về kinh doanh lữ hành, để đảm bảo tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh sửa theo hướng phân biệt điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa và kinh doanh lữ hành quốc tế, đồng thời bổ sung các quy định về trình độ của người phụ trách điều hành kinh doanh lữ hành phải có nghiệp vụ điều hành du lịch. Bên cạnh đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép không quy định điều kiện doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải có hướng dẫn viên và đề xuất giải pháp quản lý hướng dẫn viên bằng việc quy định điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên phải tham gia một tổ chức xã hội nghề nghiệp hoặc có hợp đồng lao động với một doanh nghiệp lữ hành bởi kinh doanh lữ hành bị ảnh hưởng rất lớn bởi tính mùa vụ. Trong thời kỳ cao điểm, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều hướng dẫn viên, tuy nhiên trong mùa thấp điểm doanh nghiệp có thể không có nhu cầu sử dụng hướng dẫn viên. Nếu quy định bắt buộc phải có hướng dẫn viên cơ hữu dẫn đến doanh nghiệp bị tăng chi phí không cần thiết. Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của khách du lịch và tính chủ động của doanh nghiệp, đề nghị Quốc hội cho phép quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải sử dụng hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn cho khách du lịch (điểm đ khoản 1 Điều 41).

Về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề xuất 2 phương án: Phương án 1 là xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc tự nguyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm hoạt động kinh doanh được vận hành theo quy luật thị trường; Phương án 2 là xếp hạng cơ sở lưu trú theo nguyên tắc bắt buộc. Theo đó, cơ sở lưu trú du lịch được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và xếp hạng tương xứng với điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ. Trên cơ sở đó, khách du lịch, các doanh nghiệp du lịch sẽ có căn cứ để lựa chọn cơ sở lưu trú phù hợp với nhu cầu, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch, tạo thuận lợi cho công tác quản lý về chất lượng cơ sở lưu trú.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp     Ảnh: Văn Bình

Phát biểu ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu tán thành với quy định xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc tự nguyện để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và bảo đảm hoạt động kinh doanh được vận hành theo quy luật thị trường. Tuy nhiên, để tránh tình trạng doanh nghiệp tự mạo nhận sao, quảng cáo sai thứ hạng, phức tạp trong quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung bộ tiêu chí chuẩn về xếp hạng cơ sở lưu chú vào trong dự thảo luật này để doanh nghiệp có căn cứ chính xác để tự xếp hạng. Đồng thời, quy định cụ thể các chế tài cụ thể để xử lý các cơ sở lưu trú xếp hạng sai.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp 

Cũng đồng tình với phương án 1, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị bổ sung thêm các quy định khuyến khích các cơ sở tham gia đăng ký xếp hạng thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với các cơ sở lưu trú đã xếp hạng.

Về việc thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, đa số ý kiến thảo luận tại phiên họp cho rằng, việc thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài ở thời điểm này là chưa thực sự phù hợp. Bởi tại các thị trường du lịch trọng điểm, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài đã có bộ phận chuyên trách xúc tiến quảng bá du lịch. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Việt Nam đang trong giai đoạn tinh gọn, tinh giản bộ máy hành chính. Do vậy, việc thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài ở thời điểm này có thể gây chồng chéo và không phù hợp với xu thế, chủ trương chung của đất nước.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, Quỹ hỗ trợ phát triển ra đời sẽ góp phần tích cực để giải quyết được khó khăn hiện nay của ngành du lịch. Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần quy định định cụ thể về mục đích, nguyên tắc hoạt động, nguồn hình thành; về tổ chức và hoạt động của Quỹ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp 

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn chế, Quỹ cần huy động các nguồn kinh phí đóng góp ngoài ngân sách nhà nước, từ các đối tượng hưởng lợi từ hoạt động du lịch, nguồn kinh phí từ xã hội hóa, cùng với một phần ngân sách nhà nước để triển khai hoạt động du lịch một cách chủ động, chuyên nghiệp, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của du lịch Việt Nam trong thời gian tới, phù hợp mục tiêu Đảng, Nhà nước đặt ra đối với ngành du lịch.

Bên cạnh đó, để đảm bảo du dịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn của đất nước trong những năm tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Luật Du lịch (sửa đổi) phải là khung pháp lý hoàn thiện để làm cơ sở cho ngành du lịch phát triển. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu chỉnh lý, bổ sung các chính sách đặc thù để khuyến khích du lịch phát triển.

Thu Phương

Các bài viết khác