Giá cả thị trường những tháng cuối năm: Khó lường

08/10/2007

Đó là một trong những nhận định của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú trong lần trả lời phỏng vấn báo chí gần đây. Theo ông, có những yếu tố nằm ngoài khả năng điều tiết của Nhà nước.

 

 

 

Giá cả tăng làm ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân

Thời gian vừa qua, các chuyên gia kinh tế đã rất kỳ vọng vào Chỉ thị số 18/2007/CT -TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng như các quyết định liên quan của Bộ Tài chính về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá và dự báo chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 9 chỉ tăng khoảng 0,3%. Tuy nhiên, thực tế diễn biến trên thị trường vượt xa những kỳ vọng đó. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 đã tăng 0,51%, cao hơn nhiều mức dự báo mà Tổ điều hành thị trường trong nước đưa ra hồi cuối tháng 8 vừa qua. Theo đó, 10 nhóm mặt hàng chính vẫn tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt, thực phẩm tăng 1,26%, dược phẩm tăng 0,91%, ga tăng 10.000 đồng/bình, giá một số hãng sữa nhập khẩu tăng đến mức chóng mặt: 30%. Lý giải cho sự tăng giá chóng mặt của mặt hàng sữa, ông Vũ Công Chính, Cục phó Cục quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, nguyên nhân chính là do nguyên liệu tăng cao (chiếm tới 56 - 91% giá vốn). Ngoài ra, có một vấn đề mà Tổ công tác liên ngành phát hiện ra là chi phí quảng cáo của một số hãng sữa rất cao, chẳng hạn như Công ty Dutch Lady mất đến 20% chi phí cho quảng cáo... Tại thị trường Hà Nội một số mặt hàng như: thịt bò, thịt lợn, thịt gà tăng từ 7000 đồng đến 10.000 đồng/kg; rau xanh tăng từ 20 - 30%. Giá thực phẩm tăng đã làm cho các bà nội trợ khó khăn hơn trong việc chế biến bữa ăn gia đình: “Nếu như trước đây, mỗi lần đi chợ tôi chỉ mất 35.000 - 40.000 đồng tiền thực phẩm, thì nay phải mất đến 50.000 đồng”- Bà Phạm Thu Hà, phố Nguyễn An Ninh, Hà Nội cho biết.

 

Trong khi đó, thép là mặt hàng luôn được xem là “nóng bỏng” nhất trong nhóm mặt hàng vật liệu xây dựng. Hiện, giá thép đã ở mức 12 triệu đồng/tấn, cao hơn khoảng 350.000 đồng so với đầu tháng 9. Các chuyên gia dự báo, đây chưa phải là con số cuối cùng, vì chúng ta chịu nhiều áp lực từ việc nhập khẩu phôi thép, đặc biệt là phôi thép Trung Quốc. Nhiều nguồn tin chưa chính thức cho hay, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tăng thuế xuất khẩu phôi lên 25%. Nếu điều đó là sự thật thì theo tính toán của các nhà sản xuất thép Việt Nam, giá thép sẽ đạt mức kỷ lục 14 triệu đồng/tấn. Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam thì, chúng ta hoàn toàn có thể phải đối mặt với thực tế đó bởi thời gian qua, Trung Quốc đã tiến hành cắt giảm 20 triệu tấn thép từ các nhà máy gây ô nhiễm. Trong khi đó, các thị trường khác như, Đông Âu, Bắc Mỹ giá thép cũng đồng loạt leo thang.

 

Tại sao chỉ số giá tiêu dùng vẫn tiếp tục tăng khi Chính phủ đã có những biện pháp được cho là quyết liệt trong việc kìm chế? Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù những biện pháp của Chính phủ rất kịp thời, nhưng vẫn không đủ sức lấn át “cơn bão giá nguyên liệu” trên thế giới. Bởi, các ngành hàng sản xuất của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập ngoại. Trong khi đó, cách nhìn của bộ chức năng không đơn thuần chỉ là “cơn bão giá nguyên liệu đầu vào”. Theo ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ chính sách thị trường trong nước, Bộ Công thuơng, ngoài yếu tố nguyên liệu đầu vào tăng giá, một điều mà chúng ta cần phải tính đến là trong thời gian qua, chi phí cho nhân công, tiền lương cho người lao động cũng như chi phí phục vụ sản xuất đều tăng. Cũng theo ông Hoàng Thọ Xuân, để hạn chế sự “tăng tốc” của chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng cuối năm thì các cơ quan chức năng cần rà soát lại thật kỹ giá mỗi nguyên liệu nhập khẩu. Đề nghị cơ quan hải quan cung cấp những con số chi tiết về các doanh nghiệp nhập khẩu cũng như mặt hàng nhập khẩu từ khi Chỉ thị giảm thuế có hiệu lực...

 

Thực tế trên thị trường đã chứng minh sự khó lường của chỉ số giá tiêu dùng, nhận định chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 9 tăng 0,3% của Tổ điều hành thị trường trong nước đã bị đảo lộn. Thận trọng từ sự đảo lộn đó, trong tháng 10, dự báo chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng 0,4%, nhưng tất cả vẫn phải chờ xem, bởi theo các chuyên gia, thị trường luôn trong tình trạng rình rập tăng giá, nhất là đang trong thời điểm của những tháng cuối năm. Và với đà này, chỉ số giá tiêu dùng cho cả năm 2007 hoàn toàn có thể vượt qua 8,2%, vì 9 tháng đầu năm, chỉ số đó đã là 7,32%./.

 

 

 

 

Huy Nam

(http://www.vovnews.vn)