Thống kê sơ bộ, bão số 5 đã làm 8 người bị thương, gần 10.000 ngôi nhà, trường học, trạm y tế của các huyện ven biển bị đổ và tốc mái. Trong đó huyện Lộc Hà có 13 nhà bị sập, 18 cống đê bị hư hỏng nặng. Huyện Thạch Hà có 3.600 ha lúa mùa bị ngập, 36 ngôi nhà bị đổ. Huyện Hương Sơn có 2.340 ha ngô vụ đông bị ngập, quốc lộ 8A bị ngập sâu một đoạn dài 100m ở địa phận xã Đại Kim; kè biển Cẩm Nhượng bị sạt lở 200m làm ngập 28 hộ gia đình, các tuyến đê Hội Thống, Tả Nghèn, Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc, Kỳ Hà bị sạt lở hàng ngàn mét. Sáng 4/10, làm việc với lãnh đạo tỉnh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những cố gắng của địa phương trong việc thực hiện công điện của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nên hạn chế được thiệt hại về người và tài sản. Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh tập trung sữa chữa nhà ở cho dân, khôi phục lại cơ sở hạ tầng bị bão tàn phá để sớm ổn định cuộc sống và sản xuất của nhân dân.
* Các huyện phía Bắc của tỉnh Quảng Bình gồm Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hoá là những nơi phải hứng chịu trực tiếp bão số 5. Ngay từ sáng nay, các huyện đã huy động hàng ngàn lao động tập trung giúp nhau sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng, dọn dẹp cây cối bị gãy đổ ở hai bên các tuyến đường giao thông nhằm sớm thông đường. Huyện Tuyên Hoá, nơi đã chịu thiệt hại nặng nề do trận lũ lịch sử đầu tháng 8 năm nay, lại thêm bão số 5 ập tới làm hơn 4.200 ngôi nhà bị tốc mái, 15 nhà bị sập đổ, gần 1.000 ha hoa màu và cây công nghiệp bị hư hỏng nặng. Bão kết hợp mưa to ở đầu nguồn sông Gianh đã gây lũ lụt làm 2.120 ngôi nhà ở các xã Tiến Hoá, Đồng Hoá, Thạch Hoá, Phong Hoá, Thuận Hoá, Kim Hoá, Văn Hoá, Châu Hoá... bị ngập sâu trong nước từ 1m đến 3m. Toàn bộ hệ thống điện trong huyện đã bị mất từ 19 giờ tối ngày 3/10 đến nay; nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã đều ngập sâu trong nước, làm chia cắt cục bộ giữa các vùng với nhau. Ngay sau bão số 5, huyện đã lập các đoàn công tác về tận từng xã vùng lũ để chỉ đạo giúp dân khắc phục hậu quả bão lụt, ổn định đời sống. Cũng từ 19 giờ tối 3/10, nước sông Kiến Giang dâng cao vượt báo động 3, gây ngập lụt ở 15 xã vùng giữa của huyện Lệ Thuỷ, hơn 1.500 ngôi nhà bị ngập sâu trên 1m. Ngày hôm nay, nước trên sông Kiến Giang bắt đầu rút, nhân dân trong huyện thực hiện nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường ngay đến đó.
* Tỉnh Nghệ An đã có 6 đoàn công tác, trong đó đoàn do đồng chí Hồ Đức Việt, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dẫn đầu, cùng đồng chí Nguyễn Thế Trung, Bí thư Tỉnh uỷ đã đến các vùng bị bão số 5 gây thiệt hại nặng là huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu trực tiếp chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả, đưa dân trở về, nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất. Tuy bão số 5 không đổ bộ trực tiếp vào Nghệ An nhưng do có gió to, mưa lớn trên diện rộng nên đã gây thiệt hại không nhỏ về tài sản, hoa màu. Theo thống kê mới nhất của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, đến 10h ngày 4/10, Nghệ An có 1 người bị thương, 2 nhà sập, 500 ngôi nhà bị tốc mái, 1.200 ha ngô vụ đông bị đổ, 4.000 ha rau màu bị hư hại, lúa mùa đang thu hoạch ngập đổ trên 4.000 ha, 800 cột điện bị đổ gãy, 25.000 m3 đường giao thông bị sạt lở, trên 2.000 m3 đê điều, hồ đập bị trôi và sạt lở, ước tính thiệt hại tới trên 100 tỷ đồng. Các địa phương bị thiệt hại đề nghị tỉnh kịp thời hỗ trợ 30 tỷ đồng mua giống, phân bón để tái sản xuất vụ đông. Các huyện đều huy động nhân lực tại chỗ nhanh chóng khôi phục lại các tuyến giao thông, công trình hồ đập giữ nước sản xuất vụ đông xuân; tăng cường lực lượng khơi thông dòng chảy, chống úng cho các vùng bị ngập; ngành điện lực tập trung khắc phục các sự cố trên tuyến bảo đảm cấp điện sinh hoạt sản xuất và các máy bơm phục vụ tiêu nước. Hiện trên địa bàn đang có mưa lớn ở các huyện miền núi, nước sông Lam, sông Hiếu, sông Con đang lên nhanh. Tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo di dời dân, chống sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ách tắc giao thông trên các huyện đầu nguồn. Đến 15h chiều nay, do mực nước các sông lên nhanh và mạnh nên hầu hết các tuyến đường từ trung tâm huyện Quế Phong đi các xã nước dâng cao 1m đến 2m gây sạt lở nghiêm trọng, các tuyến đường từ thị trấn huyện đến các xã Châu Kim, Tiền Phong, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Châu Thôn không thể đi lại được. Tại huyện Kỳ Sơn, giao thông từ thị trấn Mường Xén đến các xã Tây Sơn, Hội Tụ đang bị ách tắc. Hạt giao thông quản lý đường bộ huyện Hưng Nguyên đã tập trung xử lý và đến 9h30 hôm nay, tuyến đường tỉnh lộ 558 đã được thông tuyến. Hiện từ huyện Quỳ Châu lên Quế Phong đang bị chia cắt do các các tràn đang bị ngập sâu. Tỉnh Nghệ An đang tập trung chỉ đạo ngành giao thông, các huyện, thị xã tập trung xử lý các điểm ách tắc giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian sớm nhất. Trên địa bàn 9/19 huyện miền núi đang có mưa rất to, lũ quét có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Giải pháp được tỉnh đưa ra là khuyến cáo người dân cảnh giác và đề phòng với lũ quét; các huyện miền núi cũng đã cử lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu do lũ quét gây ra.
* Do ảnh hưởng bão số 5, trong 2 ngày qua lưu vực thượng nguồn sông Chu (Thanh Hóa) có mưa rất to. Đến 13 giờ ngày 4/10, mực nước sông Chu tại đập Bái Thượng 16,81 m, vượt mức báo động 2 là 0,31 m. Hiện nay nước sông Chu đang tiếp tục lên nhanh. Ban chỉ huy PCLB Thanh Hoá đang chỉ đạo các địa phương dọc tuyến sông Chu triển khai các phương án bảo vệ đê. Khoảng 10 giờ sáng 4/10, đập chính công trình thuỷ lợi - thuỷ điện Cửa Đạt bị xói lở dài hơn 10m, sâu hơn 5m phía bờ phải, cuốn đi hàng nghìn mét khối đá, đe dọa nghiêm trọng an toàn của đập. Ngay khi phát hiện sự cố, Ban quản lý công trình cùng các nhà thầu huy động tối đa lực lượng, phương tiện bảo vệ đập. Toàn bộ lán trại của cán bộ, công nhân các đơn vị thi công phía hạ lưu đập đã được di chuyển đến địa điểm an toàn. Được biết, đập chính thuỷ lợi - thuỷ điện Cửa Đạt là đập đá đổ bê tông bản mặt có chiều dài 1.023 m (đoạn lòng sông), chiều cao 118 m. Sau gần 2 năm chặn dòng, đến nay đập đã đạt cao trình +50 m và đã cho nước chảy tràn qua đập.
* Huyện Vĩnh Linh bị ảnh hưởng của bão nặng nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Huyện có 1 người bị chết, tài sản thiệt hại ước tính trên 2 tỷ đồng. Trong đó có trên 1.000 cây cao su đã khai thác bị gãy; 10 nhà dân bị tốc mái, xiêu đổ; trên 250m kênh mương và kè chống xói lở bờ sông bị nước lũ cuốn trôi; bãi tắm Cửa Tùng bị sóng biển cuốn trôi trên 10.000m khối đất đá; giao thông nông thôn bị hư hỏng nặng trên 5 km, nhiều tàu thuyển bị sóng đánh hư hỏng nặng... Hiện nước lũ ở vùng đồng bằng Vĩnh Linh còn ở mức cao, giao thông nhiều vùng còn bị cách trở. Huyện Vĩnh Linh đã cử nhiều đoàn công tác về các địa phương chỉ đạo khắc phục hậu quả như thu dọn cây cao su gãy đổ, đắp lại nền đường bị xói lở để phục vụ đi lại. 440 hộ gia đình với gần 1.200 nhân khẩu thuộc các xã vùng biển, các xã vùng ngập lụt, vùng có nguy cơ sạt lở đã sơ tán tránh lũ, nay đã trở về nhà an toàn. Huyện phấn đấu ra sức khắc phục hậu quả, sớm để nhân dân ổn định cuộc sống và sản xuất.
*Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, từ chiều nay, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức đưa toàn bộ 654 hộ với 2.736 nhân khẩu dân sơ tán tránh lũ trở về để ổn định cuộc sống; đồng thời tập trung bình ổn giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: do chủ động công tác phòng tránh cơn bão số 5, hơn nữa địa bàn không nằm ở tâm bão nên toàn tỉnh đã không có thương vong về người cũng như thiệt hại về tàu, thuyền. Các tuyến đê biển vẫn vững vàng. Nước đã rút, hiện chỉ còn một số điểm vùng thấp trũng ở huyện Quảng Điền và Phú Vang còn bị ngập. Theo thống kê nhanh của các địa phương, tỉnh có 1 người bị thương, 3 nhà bị sập, 91 nhà dân và 5 phòng học bị tốc mái, 770 ha hoa màu và 270 ha lúa bị ngập, 9 ha nuôi thủy sản trôi. Đường 14B bị sạt lở, tỉnh lộ 11B, 49B ngập sâu 0,5m đến 0,7 mét. Nội thành thành phố Huế và các xã dọc sông Bồ bị ngập sâu từ 0,5m đến 0,8m. Tại các huyện miền núi A Lưới có 270 ha lúa, 400 ha sắn và 7 ha ao cá bị ngập, ngoài ra còn có 5 đập dâng và 15 công trình nước tự chảy ở các xã bị hư hỏng (trôi một số rọ đá và bồi lấp ống dẫn nước); huyện Nam Đông có 38 ha sắn công nghiệp, 7 ha sắn địa phương, 5 ha hoa màu và 8,5 ha diện tích cây ăn quả bị thiệt hại. Huyện Phú Lộc: có 468 ha sắn, 33 ha khoai lang, 14 ha rau các loại bị ngập, 40 ha mía bị ảnh hưởng. Toàn huyện có 15 đập tạm (đất, tre, rọ đá) bị trôi; 15 km đê khoanh vùng nội đồng bị vỡ một số đoạn, 21 km kênh đất bị xói, bồi lắp một số đoạn. Các huyện vùng thấp trũng cũng bị thiệt hại nặng: huyện Quảng Điền có 299 ha rau màu các loại bị ngập, hư hại; huyện Phú Vang có 155 ha rau màu hè thu bị ngập. Tình trạng xâm thực xảy ra trên nhiều tuyến bờ biển do triều cường và sóng biển rất lớn. Tại khu vực bờ biển xã Vinh Hiền, Vinh Hải (huyện Phú Lộc) biển xâm thực trên tổng chiều dài khoảng 1 km và sâu vào đất liền khoảng 30m, có hơn 200 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Tại công trình đập Hoà Duân, và công trình hồ chứa nước Truồi, tỉnh chuẩn bị được 270 rọ thép, 800 m3 đá, hơn 10.000 bao tải , bố trí lực lượng trực 24/24 đề phòng tình trạng sạt lở có thể xảy ra. Mực nước Hồ Truồi có thời điểm đạt 39,00m (trong khi cao trình ngưỡng tràn 36,0m); mực nước hồ Hòa Mỹ đạt cao trình ngưỡng tràn là 35m, nhưng vẫn đảm bảo an toàn do được bảo vệ và xã lũ đúng thời điểm...
* Mặc dù tỉnh Bạc Liêu nằm ngoài vùng tâm bão, nhưng trong những ngày qua trên địa bàn xảy ra mưa lớn trên diện rộng và kéo dài trong nhiều ngày, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản, đặt biệt là trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tại huyện các huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Phước Long... mưa lớn đã làm mực nước trên đồng ruộng tăng cao, gây ra ngập úng hàng trăm ha lúa thu đông mới xuống giống; mực nước dâng cao kéo theo ốc bưu vàng di chuyển phân tán trên diện rộng, cắn phá gây hại các trà lúa non, khả năng nhiều ha lúa mới gieo cấy phải xạ lại. Tỉnh chỉ đạo Chi cục thủy lợi, các huyện vùng Bắc quốc lộ 1A mở tất cả hệ thống cống, đập thóat nước ra ngoài, nhưng với lượng mưa chưa giảm nên mực nước trên đồng tiếp tục dâng cao. Do lượng mưa lớn đã làm cho nhiều diện tích tôm nuôi hạ độ PH xuống thấp, độ mặm giảm... làm cho tôm nuôi bị sốc chết; đồng thời trên vùng biển bị động, sóng to gió lớn nên các tàu thuyền ngừng hoạt động vào bờ tránh bão. Nhờ chủ động đối phó tốt, tỉnh không có sự cố nào trên biển, cũng như thiệt hại về người, tài sản trên đất liền. Song còn 7 tàu chưa liên lạc được, hiện địa phương và đồn Biên phòng tiếp tục liên lạc nắm lại cụ thể số tàu thuyền này.