Lũ gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều địa phương

07/10/2007

Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương họp khẩn cấp về công tác chuẩn bị đối phó với các khả năng vỡ đê, sạt lở đất; đê sông Bưởi tại khu vực thị trấn Kim Tân (Thanh Hoá) bị tràn và vỡ khiến toàn bộ huyện Thạch Thành chìm trong biển nước…

(VOV)_Sáng nay (6/10), Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có cuộc họp khẩn cấp nhằm triển khai công tác khắc phục hậu quả của bão số 5. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, các ngành, các lực lượng chức năng, các địa phương cần tập trung cứu dân ở những nơi bị nước lũ chia cắt, cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh, không để dân bị đói và nhanh chóng đưa dân đến nơi an toàn. Những nơi đê có khả năng bị vỡ ở Sông Mã (Thanh Hoá) hoặc vùng phải phân lũ ở Ninh Bình, nhanh chóng sơ tán dân theo kế hoạch đã định. Các Bộ: Giao thông-Vận tải, Y tế, Công thương, Lao động-Thương binh-Xã hội, Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Quốc phòng, Công an... cử ngay các đoàn công tác về các vùng bị thiệt hại nặng do bão số 5 và đợt lũ lụt sau bão gây ra. Nhiệm vụ cấp bách là phải nhanh chóng khôi phục lại giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp điện, xử lý môi trường, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Khẩn trương điều tra thiệt hại để giúp dân nhanh chóng khôi phục sản xuất, trực tiếp là vụ đông sắp tới.

 

Đến trưa nay, sau hơn 10 tiếng đồng hồ đê sông Bưởi tại khu vực thị trấn Kim Tân bị tràn và vỡ, toàn bộ huyện Thạch Thành (Thanh Hoá) đã chìm trong biển nước. Tại thị trấn Kim Tân ở độ cao 11-12m cũng bị ngập sâu trên dưới 2m, nhiều chỗ tới 3-4m. Phần lớn các hộ dân nơi đây đã được hướng dẫn sơ tán đến nơi an toàn từ chiều tối qua. Những nhà cao đến 2-3 tầng trở lên vẫn còn người ở lại. Nhà khách của Uỷ ban Nhân dân huyện Thạch Thành mặc dù ở vị trí khá cao cũng vẫn bị nước vây bọc. Cán bộ chống lũ phải đi xuồng máy về các xã, việc chỉ đạo chủ yếu thông qua mạng điện thoại di động. Lũ trên sông Bưởi lên rất nhanh, cứ mỗi phút nước dâng cao thêm 5cm. Mặc dù đã lường trước khó khăn và đã có dự lệnh cho lũ chảy tràn, song việc lù tràn và vỡ đê vẫn là bất ngờ không ai mong muốn. Sông Bưởi tuy ngắn và nhỏ hẹp song rất hung dữ, chỉ trong vòng 23 năm gần đây đã 2 lần làm vỡ đê (năm 1984 và năm 1996). So với 2 lần trước, đỉnh lũ lần này cao hơn từ 0,36-0,7m. Đến nay huyện chưa có thiệt hại về người. Công tác cứu trợ đang được tổ chức khẩn trương với tinh thần không để bất cứ người dân nào bị đói, bị ốm nặng không được chăm sóc. Huyện đã xuất kho hơn 6 tấn mì ăn liền, nhiều cơ số thuốc cùng các loại vải bạt che mưa... cung cấp kịp thời cho bà con tránh lũ.

 

Tính đến 22 giờ 30 ngày 5/10, số người chết và mất tích do bão số 5 gây ra tại các tỉnh, thành miền Bắc và miền Trung là 31 người, trong đó Nghệ An có 16 người, Thanh Hoá 3 người, Sơn La 10 người, Yên Bái 2 người.

Hiện các lực lượng chức năng của tỉnh Thanh Hoá đang tập trung bảo vệ đê sông Mã, nước đã lên vượt mức báo động 3 tới 1,4m (trên mức lũ lịch sử năm 1973 làm vỡ đê gây thiệt hại lớn về người và tài sản). Ông Nguyễn Ngọc Thuật, Phó Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đang trực tiếp có mặt tại hiện trường phối hợp chỉ huy việc củng cố, bảo vệ đê sông Mã cho biết, các lực lượng đã dùng các bao cát tôn cao đê, đặc biệt ở những điểm đê còn thấp. Theo thông báo, trưa nay nước đã đạt đỉnh lũ nên có khả năng đê sông Mã sẽ không bị vỡ.

                

Trước đó, sáng nay, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Thanh Hoá đã cử nhiều đoàn cán bộ đi kiểm tra các vùng ven biển, ven sông, ven suối và vùng miền núi có nguy cơ bị lũ quét và sạt lở đất, đặc biệt tại hồ Cửa Đạt và các tuyến đê sông Bưởi, sông Chu. Tính đến thời điểm này, Thanh Hoá đã có 2 người chết do lũ cuốn, thiệt hại về vật chất ước khoảng 350 tỷ đồng, trong đó có 20 nhà bị đổ, cuốn trôi, hơn 4.200 nhà bị tốc mái và hư hỏng nặng. Gần 20.000 hộ dân đang bị ngập trong nước; khoảng 20.000 ha lúa, ngô, hoa màu bị ngập và hỏng. Diện tích nuôi thuỷ sản bị ngập là hơn 1.000 ha. Đê sạt lở là 25.000 mét khối, đá kè sạt lở là 3.500 mét khối, đường giao thông bị sạt gần 90.000 mét khối.

 

Tại Sơn La, tính đến hôm nay, tỉnh đã có 10 người chết và mất tích do lũ cuốn trôi, 1 người bị thương. Huyện Mộc Châu có số người chết nhiều nhất.

 

Trên tuyến quốc lộ 6 (đoạn từ Tú Nang xã Chiềng Hặc, tới Sặp Vặt, huyện Yên Châu), nước dâng cao gây sạt lở ta luy âm, ta luy dương, gây ách tắc nhiều điểm giao thông. Các lực lượng của Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 224 đang tiến hành giải toả các điểm bị tắc. Dự kiến phải mất khoảng 2 ngày nữa, quốc lộ 6 mới tạm thời được thông suốt. Hiện các tuyến xe đi từ Sơn La về Hà Nội và ngược lại chỉ có thể đi theo quốc lộ 37 qua huyện Phù Yên, huyện Bắc Yên sang tỉnh Phú Thọ. Tỉnh Sơn La đã kịp thời tổ chức các đoàn đi thăm hỏi và trao tiền hỗ trợ gia đình có người mất tích, chết và bị sập, đồng thời cung cấp thuốc men, lương thực để người dân ổn định cuộc sống.

 

Đến 8 giờ sáng nay (6/10), lũ trên sông Mã đã đạt đỉnh và đang xuống chậm. Mực nước đỉnh lũ tại Lý Nhân: 13,24m (lúc 4 giờ ngày 6), trên BĐIII: 1,24m, cao hơn đỉnh lũ cao nhất năm 1973 là 0,41m; tại Giàng: 7,28m (lúc 4 giờ ngày 6), trên BĐIII: 0,78m, thấp hơn đỉnh lũ cao nhất năm 1980 là 0,23m.

 

Sáng nay lũ hạ lưu sông Cả đang lên và ở mức cao. Lúc 9 giờ, mực nước trên sông Bưởi tại Thạch Thành: 14,01m (trên BĐIII: 2,51m); trên sông Mã tại Lý Nhân: 13,18m (trên BĐIII: 1,18m), tại Giàng: 7,16m (trên BĐIII: 0,66m); trên sông Chu tại Xuân Khánh: 11,37m (dưới BĐIII: 0,63m); sông Hiếu tại Quỳ Châu: 72,67m; sông Cả tại Nam Đàn: 7,29m (trên BĐII: 0,39m).

 

Dự báo, lũ hạ lưu sông Cả tiếp tục lên chậm, hạ lưu sông Mã xuống chậm nhưng vẫn còn ở mức cao; riêng lũ sông Hiếu lên lại với biên độ nước lên khoảng 1m.

 

Tối và đêm nay (6/10), lũ sông Cả sẽ đạt đỉnh, tại Nam Đàn ở mức 7,7m (dưới BĐIII: 0,2m). Cần đề phòng sạt lở đất, ngập lụt sâu ở vùng trũng và đồng bằng ven sông các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.

 

Lũ sông Hoàng Long đã qua đỉnh và đang xuống chậm. Đỉnh lũ tại Bến Đế là 5,17m, lúc 1 giờ sáng nay, trên báo động 3 là 1,17m; Lúc 7 giờ sáng, mực nước sông Hoàng Long tại Bến Đế là 5,06m, trên báo động 3 là 1,06m. Lũ sông Hoàng Long tiếp tục xuống chậm. Dự kiến, đến sáng 8/10 mới có khả năng xuống dưới mức báo động 3.

 

Nhằm chia sẻ với những mất mát, thiệt hại về người và vật chất do cơn bão số 5 gây ra tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Sơn La, Hoà Bình, Ninh Bình..., hôm nay (6/10), Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã gửi điện thăm hỏi tới Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh trên và nhờ chuyển đến mỗi gia đình có người thân bị chết 2 triệu đồng/người, bị thương 1 triệu đồng/người và hỗ trợ 2 tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá mỗi tỉnh 100 triệu đồng để góp phần khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra./.

(http://www.vovnews.vn)