Hiện nay, có rất nhiều công nhân tại các khu công nghiệp nhận khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/tháng tiền lương qua tài khoản; không ít các cụ hưu trí, CB – CNV cũng nhận lương từ máy ATM. Chính phủ vừa có chỉ thị trả lương qua tài khoản được xem là bước đi làm tiền đề cho việc thanh toán không dùng tiền mặt. Thế nhưng, hệ thống máy ATM của các ngân hàng (NH) thiếu đồng bộ khiến người nhận lương vẫn còn phiền toái
Trở ngại cho chủ thẻ
Anh Nguyễn Văn Hải, một CB-CNV nhận lương qua thẻ, than phiền: “Trong một chuyến công tác tại Đà Lạt, tôi mất khá nhiều thời gian mới rút được tiền. Tôi đến 4 máy ATM của NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nhưng cả 4 máy đều báo lỗi, đành trực tiếp đến NH để rút tiền.
Tương tự, tại thị xã Đông Hà (Quảng Trị), chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp không thể rút tiền tại máy ATM bởi tại đây chỉ có máy ATM của các NH thuộc hệ thống VNBC (liên minh giữa NH Đông Á, Sài Gòn Công thương NH, NH Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long, NH Nhà Hà Nội) và Công ty Cổ phần Chuyển mạch tài chính quốc gia (BankNet). Trong khi đó, chị đang sử dụng thẻ của một NH thuộc liên minh thẻ Vietcombank nhưng không có NH nào trong liên minh này có máy ATM ở Đông Hà.
Mặt khác, một số trục trặc trong giao dịch cũng gây phiền toái cho chủ thẻ. Anh T. (phường 10, quận Gò Vấp - TPHCM) cho biết, biên lai giao dịch ngày 23-3 thông báo đã chuyển 2 khoản tiền để thanh toán cước điện thoại. Điểm đáng chú ý là 2 khoản tiền này lại chuyển khoản cùng một thời điểm, trong khi số tiền thanh toán của chủ thẻ chỉ có một.
Nhà cung cấp dịch vụ cho rằng lỗi từ phía NH. Còn NH lý luận hệ thống thanh toán là tự động nên nhà cung cấp dịch vụ chuyển đến 2 lệnh thanh toán cùng lúc sẽ có 2 khoản tiền chuyển đi. Điều này chứng tỏ sự thiếu đồng bộ của hai bên khiến cho chủ thẻ mất thời gian làm sáng tỏ sự việc.
Cần kết nối và tăng cường máy ATM
Thị trường thẻ hiện có 4 liên minh với khoảng 4.000 máy ATM song tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TPHCM. Liên minh lớn nhất do Vietcombank chủ trì với 18 NH khác. Ba liên minh còn lại là BankNet, liên minh VNBC và liên minh giữa NH Sacombank và ANZ. Đặc biệt, BankNet do NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) làm đầu mối chính nhưng đến nay chỉ mới kết nối với NH Công thương và NH Đầu tư - Phát triển.
Trong khi đó, Agribank có đến 1.100 chi nhánh, trên 2.000 điểm giao dịch rất thuận lợi để lắp đặt ATM, song địa điểm máy ATM của NH này lại khá khan hiếm. Theo các chuyên gia thẻ, vấn đề kết nối hệ thống ATM toàn quốc đã đặt ra từ lâu nhưng vẫn chưa hình thành. Trên thực tế, 4 liên minh trên đã kết nối với Tổ chức Thẻ quốc tế (VISA); do đó, không có lý do gì để lý giải không kết nối với nhau; phải chăng một số NH hàng e ngại quyền lợi sẽ bị chia sẻ nên không thực hiện?
Hầu hết đối tượng nhận lương qua tài khoản cho rằng, họ sẽ giảm bớt nhiều phiền toái nếu các NH lắp đặt máy ATM rộng khắp các cơ quan, trường học, bệnh viện... Nhà nước đã có chính sách trả lương qua tài khoản thì cũng cần chấn chỉnh lại hệ thống công nghệ các NH, đơn vị thanh toán dịch vụ qua tài khoản. Các liên minh thẻ phải nhanh chóng kết nối với nhau. NH tăng cường thêm máy ATM tại các tỉnh lẻ, máy cà thẻ (POS) tại các nhà hàng, trung tâm thương mại...
Theo Hiệp hội NH, hiện đã có hơn 6,5 triệu thẻ các loại được phát hành và thanh toán thông qua 20 NH đầu mối, trong đó thẻ thanh toán nội địa chiếm 92,5%, số còn lại chủ yếu là thẻ thanh toán quốc tế như Master card, Visa, Amex, JCB... Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt chỉ mới được triển khai ở một số tỉnh, TP và khu công nghiệp lớn, chứ chưa đến được các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, mà nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế về hạ tầng công nghệ thông tin