(VOV)_Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp. Tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và đại diện các Bộ, ngành liên quan.
Những nội dung chủ yếu được các uỷ viên thường vụ Quốc hội cho ý kiến là phạm vị, nhiệm vụ quyền hạn, về cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh. Theo tờ trình của Chính phủ thì Ban chỉ đạo tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về phòng chống tham nhũng do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đứng đầu, chịu trách nhiệm trực tiếp trước Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương. Ban chỉ đạo cấp tỉnh chủ yếu có nhiệm vụ đôn đốc các hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra và phối hợp hoạt động với các cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm sát và toà án địa phương. Ban chỉ đạo cấp tỉnh không chỉ đạo về chủ trương xử lý các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, không chỉ đạo tổ chức thực hiện phúc tra các hoạt động thanh, kiểm tra, kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Theo tờ trình của Chính phủ thì không quy định có chức danh Phó trưởng Ban mà chỉ quy định có chức danh Uỷ viên chuyên trách để làm nhiệm vụ thường trục của Ban chỉ đạo. Chức danh này tương đương với chức vụ Giám đốc Sở thuộc tỉnh, thành phố. Về bộ phận giúp việc, tờ trình của Chính phủ kiến nghị làm việc theo chế độ chuyên trách, do Uỷ viên thường trực Ban chỉ đạo trực tiếp quản lý, điều hành.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng gợi ý một số điểm cần lưu ý, trong đó quan trọng là phải cụ thể hoá các mỗi quan hệ giữa các Ban chỉ đạo cấp tỉnh với Ban chỉ đạo Trung ương và các Cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn. Thành phần của Ban chỉ đạo cần phải được cân nhắc để đảm bảo đủ mạnh, thực quyền và hiệu quả.
Theo dự thảo Nghị quyết, Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng có quyền tạm đình chỉ công tác đối với người giữ chức Giám đốc Sở và các chức vụ tương đương; Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, uỷ viên thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Phó Chủ tịch các thành viên khác của Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, cách chức khi người đó có dấu hiệu tham nhũng và có hành vi gây khó khăn, cản trở hoạt động chống tham nhũng.
Trong buổi thảo luận sáng nay, các ý kiến cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp nhưng còn băn khoăn một số điều khoản, quy định. Có ý kiến cho rằng, cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Ban chỉ đạo ở cấp tỉnh, về sự phối hợp với các cơ quan khác, cần lưu ý trường hợp còn có ý kiến khác nhau giữa thường vụ tỉnh uỷ và Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh thì sẽ xử lý như thế nào? Những vụ việc nào thì thuộc cấp địa phương giải quyết, vụ nào phải được chuyển lên Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương? Việc phân loại vụ việc như vậy sẽ giúp địa phương thực hiện tốt chức năng của mình.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến trước khi thông qua Nghị quyết vào cuối phiên họp thường vụ này. Sáng nay, Uỷ Ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật đặc xá, một trong những Luật dự định sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá 12.
Chiều nay (21/9), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe tờ trình về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá 12. Theo đó, kỳ họp dự kiến khai mạc vào ngày 22/10 và kết thúc vào 27/11. Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận báo cáo Kinh tế xã hội năm 2007 của Chính phủ, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2008; báo cáo về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2007, dự toán năm 2008, phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phưong năm 2008. Về lập pháp, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật phòng chống bạo lực gia đình; Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm; Luật tương trợ tư pháp; Luật hoá chất, Luật đặc xá. Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khoá 12 và năm 2008; nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2008 và Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2008./.