Câu hỏi vẫn đang được đặt ra là muốn đổi mới nền GD ĐH nước nhà phải bắt đầu từ đâu? Hànộimới xin bắt đầu loạt bài “Giáo dục đại học (GDĐH) – Trông chờ những sự đổi mới”, với mong muốn góp thêm một cách tiếp cận để tìm câu trả lời.
Tại hội nghị giữa Bộ GD-ĐT với các trường ĐH, một vị hiệu trưởng cho biết: vấn đề trao quyền tự chủ cho các trường ĐH đã được ông đề cập với Bộ từ 25 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều sự tiến triển. Nếu không trao cho các trường quyền tự chủ cao hơn thì muốn phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo đôi khi chỉ là “múa gậy trong bị”...
Sau rất nhiều năm “khư khư chiếc bánh” về giao chỉ tiêu tuyển sinh (TS) cho các trường ĐH thì trước mùa thi năm 2007, Bộ GD-ĐT mới giao lại quyền này cho các trường. Nhưng thay vì làm đơn xin chỉ tiêu như trước đây, Bộ đã đưa ra một loạt điều kiện để các trường căn cứ vào đó xây dựng chỉ tiêu tuyển và sau đó thông qua cơ quan quản lý để giám sát. So với cách làm cũ, phương pháp mới này đã “nới” hơn và được cho là đã trao quyền tự chủ cho các trường nhưng không phải đã được các trường hoàn toàn nhiệt liệt đón nhận. Nhiều trường cho rằng, nếu được tự cân đối chỉ tiêu TS thì họ cũng không thể bê trễ nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo. Đơn vị nào cũng muốn giữ “học hiệu” nên họ sẽ có biện pháp đổi mới chương trình đào tạo, chất lượng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất.
Cùng với yêu cầu được tự quyết định chỉ tiêu TS là vấn đề tài chính. Mặc dù một số quy định hiện hành đã giao quyền tự chủ và khoán định mức chi tiêu cho các trường ổn định trong thời gian 3 năm nhưng nguồn thu của các trường hiện vẫn đang bị khống chế. Thêm nữa, lãnh đạo các trường muốn chi định mức trên 200 triệu đồng đều phải xin phép... Những điều bất cập này ai cũng nhìn thấy, kể cả những mặt trái có thể phát sinh nhưng chưa được thay đổi.
Cách đây gần 1 năm, trả lời phỏng vấn báo Hànộimới trước khi mất không lâu, cố GS Nguyễn Văn Đạo đã đề cập đến quyền tự chủ của các trường ĐH như sau: Theo cách quản lý hiện nay, Bộ GD-ĐT đã và đang sa đà vào các công việc cụ thể thuộc chức năng của các trường, tự biến mình thành Ban giám hiệu của các trường ĐH mà quên đi chức năng quản lý Nhà nước (QLNN). Nhiều việc Bộ làm, coi đó là công tác QLNN nhưng thực chất không phải vậy. Ví dụ: Bộ yêu cầu các cơ sở đào tạo ĐH báo cáo nội dung đào tạo để kiểm tra. Song ai cũng biết rằng chỉ người làm khoa học mới đủ khả năng hiểu sâu nội dung môn học, chứ những người “ở trên” đâu có khả năng làm được. Thế nhưng Bộ lại thực hiện việc đánh giá và thẩm định xem nội dung đào tạo có bảo đảm chất lượng hay không. Chúng ta cứ nghĩ rằng làm như vậy là quản lý chặt nhưng thực tế thì không phải. Đây là một kẽ hở để những trường hợp yếu kém chạy chọt, tiêu cực mong sớm được có giấy phép. Một ví dụ khác, Bộ kiểm soát chất lượng giáo viên khi mở ngành mới bằng cách yêu cầu nhà trường nộp danh sách giáo viên trong khi cái mà Bộ có thể kiểm soát được chỉ là thâm niên giảng dạy của họ chứ không phải trình độ chuyên môn, điều mà chỉ có nhà trường mới biết được chính xác. Nếu Bộ GD-ĐT chỉ chuyên tâm thực hiện chức năng QLNN, như thông lệ các nước trên thế giới. Còn các việc cụ thể giao cho các trường ĐH chủ động thực hiện thì toàn bộ hệ thống giáo dục mới hoạt động có hiệu quả cao, các hiện tượng tiêu cực mới được hạn chế tối đa.
Trong nhiều bước phát triển của ĐH Quốc gia Hà Nội, nếu không có sự thay đổi bằng lề lối làm việc tự chủ thì khó có những thành công như hôm nay. 14 năm trước, ĐH Quốc gia là một mô hình mới và phải có rất nhiều cuộc tranh luận căng thẳng mới có thể được ra “ở riêng”. Cố GS Nguyễn Văn Đạo từng nhận xét: “Nếu cái gì cũng phải xin chữ kí chỗ nọ, chỗ kia, mà đôi khi các vị lại đi vắng liên tục, mình không được tự chủ cao thì nhiều cơ hội sẽ trôi qua. Cách quản lý GDĐH đòi hỏi phải có trí tuệ nhiều hơn chứ không đơn giản như quản lý các trường phổ thông...”.
Khi nói về quyền tự chủ, một cán bộ có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT đã trả lời báo chí rằng: Quyền tự chủ hiện nay của các trường ĐH bao gồm tất cả các lĩnh vực, từ điều hành, tài chính tổ chức nhân sự, đào tạo, tuyển sinh, xây dựng chương trình đến hợp tác quốc tế. Nền GD Việt Nam đang chuyển dần từ quản lý tập trung sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm và chịu sự giám sát của Nhà nước. Quá trình này không thể hoàn tất một cách nhanh chóng. Hiện các trường ĐH đang chịu sự giám sát quá chặt chẽ của nhiều tầng lớp quản lý trong sự chia nhỏ lẻ của các bộ chủ quản khác nhau… Các trường bị hạn chế, mất chủ động trong các hoạt động, điều hành, quản lý, chuyên môn… làm cho các trường không quan tâm đến trách nhiệm trước xã hội, chỉ quan tâm đối phó với những gì Nhà nước quản lý; còn những thứ liên quan đến những người mang lợi ích cho nhà trường không được quan tâm. Hết năm 2007, sẽ có khoảng 20 trường ĐH được trao quyền tự chủ ở mức độ cao, có thể hiểu như tự chủ gần như toàn bộ các khâu của quá trình đào tạo.
Gần đây, một đoàn khảo sát thực địa của Viện Hàn lâm quốc gia Hoa Kỳ đã đến Việt Nam để nghiên cứu về nền GDĐH nước ta. TS Peter Gray, một thành viên trong đoàn cho biết: Trong các buổi hội thảo của đoàn chuyên gia, tôi nhận thấy đại diện các trường ĐH Việt Nam thảo luận rất nhiều về vấn đề trao quyền tự chủ cho các trường, trong đó có tự chủ tài chính, tự chủ xây dựng chương trình và tự chủ TS. Vì vậy, nếu bỏ kì thi TS ĐH như dự kiến sẽ phải cho phép các trường tự chủ trong việc đưa ra tiêu chí và cách thức tuyển chọn sinh viên. Tiêu chí đầu vào này phải phụ thuộc vào đánh giá đầu ra, những phẩm chất cần có của sinh viên. Các trường cũng nên mời những chuyên gia, những người thành đạt trong lĩnh vực mình đào tạo làm cố vấn xây dựng tiêu chí đầu vào. Ở Mỹ, mỗi trường có cách thức TS khác nhau. Có trường sử dụng kết quả học tập phổ thông nhưng có trường tổ chức kì thi TS riêng. Điều đó phụ thuộc vào mục đích, yêu cầu của từng trường.
Liệu ta có thể trao quyền tự chủ cho các trường như nước bạn được không ? Câu trả lời xin dành cho các nhà quản lý.